Khoảng trống trong công tác giám định tư pháp

17:00, 22/05/2017

Hoạt động giám định tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và giải quyết tranh chấp xảy ra giữa các tổ chức, cá nhân. Vì trên cơ sở kết quả giám định tư pháp, cơ quan chức năng mới đưa ra được phán quyết đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hoạt động giám định tư pháp của tỉnh còn nhiều bất cập do thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất…

Một trong những nguyên nhân khiến vụ án hình sự liên quan đến việc sai phạm trong quản lý kinh tế, thi công xây dựng đường bê tông ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) kéo dài, phải ra thêm thời hạn điều tra vì việc giám định chất lượng xây dựng công trình khó khăn. Công an tỉnh hiện có 14 cán bộ có chức danh tư pháp thực hiện nhiệm vụ giám định nhưng tập trung 100% vào lĩnh vực kỹ thuật hình sự. Đại tá Vũ Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Vụ việc ở xã Tân Cương có sai phạm và đã khởi tố vụ án nhưng trong quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn do xảy ra từ nhiều năm trước, hồ sơ tài liệu không còn lưu giữ đầy đủ. Khó khăn hơn là việc đánh giá chất lượng công trình đường bê tông thi công có theo thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hay không thì phải đợi kết quả giám định của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền…

 

Cả tỉnh hiện nay có 3 giám định viên xây dựng đang công tác ở Sở Xây dựng nhưng kiêm nhiệm, công việc chủ yếu là thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác do lãnh đạo đơn vị phân công đã quá tải nên không có nhiều thời gian để thực hiện công tác giám định. Do vậy, khi có nhu cầu giám định liên quan đến lĩnh vực xây dựng, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thường phải chủ động tìm kiếm các đơn vị chuyên ngành ở Thủ đô Hà Nội nên mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí.

 

Giám định pháp y cũng thiếu cán bộ khi cả tỉnh có 8 người (công tác tại Trung tâm Pháp y tỉnh, Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Gang thép) nhưng số vụ cần trưng cầu giám định về sức khoẻ, tỵ lệ thương tật… lên đến hàng trăm vụ việc mỗi tháng. Một số lĩnh vực khác của tỉnh có nhu cầu cao về giám định tư pháp, như: tài nguyên và môi trường, tài chính - kế toán, văn hoá nhưng cả tỉnh chỉ có 21 giám định viên. Mỗi năm, lực lượng làm công tác giám định tư pháp của tỉnh thực hiện khoảng 1.500 vụ việc thì có tới trên 900 vụ về kỹ thuật hình sự, 350 vụ về pháp y, trên chục vụ về tài chính. Các lĩnh vực khác như thông tin truyền thông, ngân hàng không có vụ việc nào được lực lượng giám định tư pháp do các cơ quan cấp tỉnh thực hiện (giám định viên, phương tiện thực hiện kỹ thuật không có hoặc rất ít trong khi đòi hỏi nghiệp vụ chuyện sâu). Hiện, cả tỉnh có 2 tổ chức chuyên trách làm nhiệm vụ giám định tư pháp là Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh) và Trung tâm Giám định pháp y (Sở Y tế), còn một số ngành quản lý Nhà nước khác chỉ có giám định viên theo dõi chung. Thêm nữa là 45 giám định viên tư pháp thuộc các lĩnh vực của tỉnh hiện nay phần lớn là kiêm nhiệm, công tác chính là làm nhiệm vụ chuyên môn, chỉ được triệu tập khi cần trưng cầu giám định. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu nghiệp vụ thường xuyên nên trình độ, năng lực của đội ngũ giám định viên tư pháp của tỉnh còn ở mức độ.

 

Những hạn chế trong công tác giám định tư pháp nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cải cách cách tư pháp và giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Do vậy, các ngành chức năng của tỉnh nên chủ động trong công tác dự báo, đánh giá lĩnh vực được giao quản lý để kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bổ nhiệm chức danh giám định viên tư pháp đảm bảo đủ số lượng, chất lượng. Đồng thời, việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng cơ chế chính sách dành cho lực lượng giám định viên tư pháp và kiểm tra, giám sát hoạt động này nên được ngành chức năng của tỉnh quan tâm hơn nữa…