Công ty CP Phát triển Việt Thái và công ty CP Kinh doanh nông nghiệp quốc tế IBA (cùng một địa chỉ tại cụm công nghiệp Khuynh Thạch, T.P Sông Công) là hai pháp nhân khác nhau nhưng cơ bản có cùng những người cốt cán gây dựng, điều hành. Theo tìm hiểu của chúng tôi và khẳng định của nhiều nhân chứng từng là “người trong cuộc” thì tại hai công ty này có không ít dấu hiệu sai phạm, từ việc sử dụng hóa đơn, thu - chi tiền mặt, chấp hành pháp luật về thuế, vấn đề chuyển nhượng tài sản, nghĩa vụ với các cổ đông, đến việc vi phạm quyền lợi của người lao động… Vậy, nguyên nhân do đâu và điều gì đã xảy ra?
Kỳ 1: Những bất minh và rạn nứt trong nội bộ
Báo Thái Nguyên nhận được phản ánh của nhiều nhân chứng là thành viên Hội đồng Quản trị hoặc từng là công nhân Công ty CP Phát triển Việt Thái và công ty CP Kinh doanh nông nghiệp quốc tế IBA. Nội dung phản ánh và các chứng cứ đều liên quan đến trách nhiệm của ông Hoàng Quang Toản là người đứng đầu các doanh nghiệp này.
2 pháp nhân, 1 người đứng đầu
Công ty CP Phát triển Việt Thái (gọi tắt là Công ty Việt Thái) tiền thân là Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Đại Minh thành lập năm 2001 (ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi). Những thành viên góp vốn sáng lập Công ty Đại Minh gồm các ông: Hoàng Quang Toản, Ngô Thế Cường, Vũ Văn Thanh, sau đó thêm ông Nguyễn Văn Khánh. Chủ tịch Hội đồng Thành viên là ông Hoàng Quang Toản. Đến năm 2012, các thành viên Công ty này quyết định chuyển đổi doanh nghiệp thành Công ty CP Phát triển Việt Thái, số người góp vốn và tỷ lệ vốn góp không thay đổi (ông Toản 30%, ông Cường 30%, ông Thanh 27,5% và ông Khánh 12,5%). Ông Hoàng Quang Toản giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty.
Trải qua nhiều năm phát triển khá tốt, Công ty Đại Minh sau đó là Công ty Việt Thái dần xuất hiện những rạn nứt trong nội bộ, hoạt động ngày càng lâm vào khó khăn, có thời điểm mất khả năng thanh khoản, mất uy tín với các đối tác, nợ lương và bảo biểm xã hội của người lao động kéo dài. Trước nguy cơ bị Ngân hàng Nông nghiệp - Chi nhánh sông Cầu phát mại tài sản thế chấp để thu hồi vốn (dư nợ năm 2014 của Công ty Việt Thái tại Ngân hàng là gần 20 tỷ đồng), một số cổ đông do ông Hoàng Quang Toản đứng đầu quyết định thành lập một pháp nhân mới là Công ty CP Kinh doanh nông nghiệp quốc tế IBA sau đó “chuyển nhượng” bất động sản và toàn bộ nhà xưởng của Công ty Việt Thái cho Công ty IBA. Từ đó, ông Toản là Chủ tịch HĐQT Công ty IBA, những thành viên góp vốn từ pháp nhân đầu tiên dần bị “rơi rụng” trong khi Công ty Việt Thái còn tồn tại và ông Toản vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Dấu hiệu trốn thuế
Chưa nói đến pháp nhân IBA sau này, quá trình hoạt động của Công ty Đại Minh và Công ty Việt Thái cho thấy nhiều dấu hiệu sai phạm, bất minh. Ông Ngô Thế Cường, nguyên Giám đốc Điều hành và hiện vẫn là thành viên HĐQT Công ty Việt Thái (doanh nghiệp này thực tế không còn hoạt động), khẳng định: Ông Toản đã chỉ đạo nhân viên kế toán dưới quyền không xuất hóa đơn bán hàng cho nhiều khách hàng, không kê khai hóa đơn thuế của khách hàng với ngành Thuế. Nhiều khách hàng vin cớ không lấy được hóa đơn VAT nên không chịu thanh toán hết tiền hàng và dừng hợp tác khiến Công ty ngày càng lún sâu vào khó khăn. Số tiền hàng không được kê khai hóa đơn lên đến nhiều tỷ đồng.
Với cương vị là Kế toán trưởng Công ty Việt Thái khi doanh nghiệp này còn hoạt động, ông Vũ Văn Thanh thừa nhận mình có một phần trách nhiệm trong việc Công ty không xuất hóa đơn VAT với nhiều khách hàng. Nhưng theo ông Thanh: Có tình trạng này là do ông Toản đã trực tiếp chỉ đạo các nhân viên kế toán bên dưới làm như vậy. Khi thấy doanh thu sụt giảm bất thường, tôi nghi ngờ nên đề nghị ông Toản giải thích thì ông ấy trốn tránh.
Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Toản phủ nhận điều này: “Công ty Việt Thái không trốn doanh thu, không trốn thuế”. Nhưng theo thông tin từ ngành Thuế, không kể giai đoạn trước đó, chỉ tính từ năm 2015 đến năm 2017, Công ty Việt Thái đã một lần được Chi cục Thuế Sông Công kiểm tra, một lần được Cục Thuế tỉnh thanh tra và bị phát hiện khá nhiều sai phạm. Tổng số tiền thuế mà doanh nghiệp này bị truy thu, tiền phạt khai sai và tiền chậm nộp sau hai đợt thanh, kiểm tra đó là 288 triệu đồng. Kết quả thanh, kiểm tra cũng cho thấy, riêng năm 2015, Công ty Việt Thái đã kê khai thiếu gần 3,2 tỷ đồng doanh thu bán hàng, năm 2016, kê khai các khoản giảm trừ doanh thu không đúng quy định trên 2,7 tỷ đồng…
Ngoài dấu hiệu trốn thuế qua việc chỉ đạo nhân viên kế toán khai thiếu, khai sai doanh thu, các nhân chứng còn cho biết ông Toản đã chỉ đạo và đồng ý dùng tiền Công ty để mua một số tài sản có giá trị lớn nhưng mang tên các cá nhân.
Nhập nhèm giữa tiền vay và vốn góp
Thời điểm Công ty Việt Thái lún sâu vào khó khăn, nhất là những năm 2012-2013, là người đứng đầu doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Toản đã tổ chức họp HĐQT, huy động các thành viên tiếp tục mượn thêm tài sản của bên thứ ba để thế chấp vay ngân hàng (việc này đã thực hiện từ giai đoạn còn Công ty Đại Minh), đồng thời kêu gọi thành viên bổ sung tiền mặt nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt. Ông Ngô Thế Cường nói: Vì chưa phát hiện những sai phạm, bất minh của ông Toản và muốn cứu doanh nghiệp nên chúng tôi cố gắng vay mượn người thân, bạn bè để cho Công ty vay lại hoặc đứng ra bảo lãnh. Mỗi người huy động được hàng tỷ đồng, cá nhân tôi cũng vay giúp Công ty trên 2 tỷ đồng. Cùng với đó, các thành viên HĐQT cũng mượn nhiều tài sản có giá trị của người thân, bạn bè để Công ty mang thế chấp ngân hàng.
Kỳ vọng doanh nghiệp sẽ “hồi sinh” và phát triển hơn nhưng các thành viên HĐQT Công ty Việt Thái bức xúc khi ông Hoàng Quang Toản tiếp tục có những bất minh trong chỉ đạo, điều hành. Doanh nghiệp không có báo cáo tình hình tài chính cụ thể trước Hội đồng Cổ đông (chỉ có báo cáo mang tính đối phó với cơ quan chức năng), các cổ đông và thành viên HĐQT không được biết thực hư lỗ lãi ra sao. Đến khi mọi người yêu cầu trả lại tiền và các tài sản mà họ đứng ra mượn giúp để thế chấp ngân hàng thì ông Toản nói đó là tài sản của Công ty, các thành viên thực hiện theo cam kết góp vốn.
Phản đối điều phi lý này, ông Vũ Văn Thanh và các thành viên khác trong HĐQT Công ty Việt Thái lập luận: Thứ nhất, đây là tiền Công ty đi vay để bổ sung vốn lưu động, các cổ đông chỉ là người đứng ra vay cho Công ty. Nếu đó là tiền vốn góp của các cổ đông thì phải có biên bản thống nhất trong HĐQT và phải được thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thứ hai, các tài sản của bên thứ ba bảo lãnh cho Công ty thế chấp vay vốn ngân hàng do chúng tôi đứng ra mượn cũng không có bất cứ cam kết hay thỏa thuận nào trong nội bộ HĐQT xác nhận đấy là tài sản góp vốn. Có thời điểm, chúng tôi bị ông Toản gây sức ép nên phải ký vào những văn bản bất lợi cho mình. Vì thế, tôi và ông Khánh đã rời bỏ Công ty dù vẫn là thành viên HĐQT.
Được biết, đến nay, sau nhiều lần căng thẳng giữa các bên, ông Hoàng Quang Toản đã buộc phải trả lại phần lớn số tài sản mà ông Cường, ông Thanh và ông Khánh huy động để Công ty Việt Thái thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền mặt mà 3 người này đứng ra vay cho Công ty vẫn chưa được thanh toán, cả gốc và lãi hiện lên đến nhiều tỷ đồng…