Cần chế tài quản lý người nghiện ma túy dưới 18 tuổi

09:31, 05/05/2020

Những năm gần đây, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên. Vấn đề đặt ra là cần sớm có chế tài để giúp trẻ em cai nghiện phục hồi sức khỏe, nhân cách, góp phần hạn chế lây lan nghiện ma túy nhưng vẫn bảo đảm quyền trẻ em.  

Dưới 18 tuổi coi như... khỏi đi trại!

Thống kê gần đây cho thấy, trong số hơn 235 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%.

Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 - 25 tuổi. Đặc biệt ngày nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Đáng chú ý, tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên nghiện ma túy cao gấp 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện.

Trước năm 2014, người nghiện chưa thành niên từ 12 đến dưới 18 tuổi thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Từ ngày 1/1/2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực pháp luật, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người dưới 18 tuổi lại không còn được thực hiện.

Tuy nhiên, quy định này tạo ra một khoảng trống, hiện tại có nhiều gia đình không thể tiếp tục đưa con em đi cai nghiện do điều kiện kinh tế một phần mà chủ yếu do các em chống đối, bất hợp tác.

Không ít trường hợp, để có tiền dùng ma túy nhiều trẻ em đã lừa gia đình, người thân, ra đường ăn cắp, ăn trộm, bỏ nhà đi lang thang, tụ tập cãi nhau, đánh lộn, sử dụng ma túy trước mặt anh em trong nhà, "phê, ngáo" tại chỗ… và bỏ trốn, thậm chí đe dọa (đánh, giết bố mẹ, đốt nhà…) mỗi khi được khuyên nhủ đi cai nghiện.

Nếu không được cai nghiện sớm thì liều lượng ma túy sử dụng hàng ngày tăng lên, sự lệ thuộc thể chất và tâm lý, tính chất bệnh lý tâm thần, sự lệch chuẩn hành vi ngày càng trầm trọng, các bệnh khác từ ma túy ngày càng phát triển nặng nề… khiến cho việc cai nghiên phục hồi hết sức khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần có chế tài như thế nào để giải quyết số trẻ nghiện dưới 18 tuổi đang chiếm khoảng 30% số người nghiện?

Đề xuất bổ sung chế tài

Hiện nay, Bộ Công an đang được giao chủ trì xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), trong đó nội dung cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi sẽ được nghiên cứu quy định thống nhất.

Mới đây, tại dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất việc quản lý, cai nghiện đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; tại các cơ sở cai nghiện bố trí một khu dành riêng cho người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi để bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật.

Trong khi đó, dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã đề xuất biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bổ sung đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định.

Đây cũng là nội dung được phân tích, trao đổi thẳng thắn tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 2 vừa qua. Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, những đề xuất của dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính về vấn đề này là có căn cứ, phù hợp với thực tiễn.

“Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành có hiệu lực thì việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy dưới 16 tuổi không được đề cập nữa, biện pháp cai nghiện bắt buộc chỉ còn được áp dụng đối với người từ 18 tuổi trở lên.  Như vậy, người dưới 18 tuổi, trong độ tuổi dễ nghiện nhất, dễ xảy ra các nguy hại cho xã hội thì gần như chúng ta chưa quan tâm, chưa quán xuyến đầy đủ”, Thứ trưởng Lê Quý Vương chỉ rõ.

Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, xung quanh vấn đề này cũng không ảnh hưởng gì đến quyền con người. “Ở 01 sân bay của Singapore, những suất ăn của cán bộ, nhân viên đều do nguồn cung cấp của một khu cải tạo. Họ lấy kinh phí đó để nuôi những người cải tạo. Rồi nhiều sản phẩm của Singapore là do phạm nhân sản xuất”, Thứ trưởng Lê Quý Vương dẫn chứng.

Linh hoạt, thận trọng nhưng vẫn nghiêm khắc

Dù vậy, nhìn từ góc độ lập pháp có thể thấy khá nhiều bất cập trong các đề xuất kể trên. Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các biện pháp để xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Trong khi đó, nghiện ma túy là một loại bệnh lý chứ không phải là hành vi. Người nghiện ma túy không chắc đã là người sử dụng trái phép chất ma túy.

Như vậy, trong trường hợp cần thiết phải quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy thì phải bổ sung điều kiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng người nghiện ma túy thì đương nhiên là người sử dụng trái phép chất ma túy nên không cần thiết phải bổ sung điều kiện này.

Thứ hai, với các điều, khoản liên quan đến trẻ em, theo Ủy ban Pháp luật, cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần và người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy, vì chưa phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Có ý kiến cho rằng trường hợp này chỉ nên xử phạt vi phạm hành chính (đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy) hoặc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không nên “cách ly” họ khỏi xã hội.

Ủy ban Pháp luật đề nghị đơn vị soạn thảo là Bộ Tư pháp làm rõ căn cứ, sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính; đánh giá thực trạng tình hình vi phạm, đánh giá tính hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp này, nhất là trong việc giáo dục hành vi cho người chưa thành niên và cai nghiện cho người nghiện ma túy.

Tất nhiên, sự khác biệt trong quan điểm của cơ quan thẩm tra và cơ quan trình dự án luật là bình thường khi một bên có thể tập trung vào yêu cầu của thực tiễn quản lý còn một bên phải chú trọng đến sự đồng bộ, tính khả thi, chặt chẽ của các điều luật.

Yêu cầu khi đưa ra các quy định pháp luật là vừa phải tuân theo các cam kết của Việt Nam với các công ước quốc tế nhưng cũng cần tính đến với hoàn cảnh của Việt Nam trước thực trạng trẻ hóa người nghiện. Do đó, việc đưa ra đề xuất phải hết sức khéo léo, thận trọng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, sẽ phải thận trọng nhưng vẫn đủ tính nghiêm khắc. Bởi xử lý vấn đề này rất tế nhị nhưng xét về góc độ ma tuý thì cần nghiêm khắc. Chúng ta cần tuân thủ điều ước quốc tế nhưng tuỳ vào điều kiện, đặc thù mỗi nước để có phương án ổn định xã hội.