Địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn có những hạn chế nhất định. Xác định rõ điều này, các cấp ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã vào cuộc tích cực, thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa kiến thức pháp luật về với cơ sở; đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng từng khu vực.
Với phương châm hướng về cơ sở để phục vụ, các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý lưu động vẫn giữ vai trò rất quan trọng; cung cấp cho người dân, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số thông tin pháp luật và dịch vụ pháp lý miễn phí, từ đó góp phần phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Cùng dự một buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý lưu động tại cụm dân cư miền Kim Tiến, xã Kim Phượng (Định Hóa) chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, hào hứng của người dân. Tổng cộng có hơn 100 người tham gia, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Cùng với triển khai một số văn bản luật mới, các tư vấn viên đã trực tiếp trả lời hơn 30 câu hỏi, thắc mắc của bà con. Nội dung chủ yếu về Luật Hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai, thủ tục và trình tự khi thực hiện khiếu nại…
Bà Bàn Thị Minh, ở xóm Kim Tiến 2 chia sẻ: Bình thường trên báo hay truyền hình cũng có nhiều chương trình phổ biến, giải đáp pháp luật nhưng không đúng vào cụ thể vấn đề mình đang vướng mắc. Gửi câu hỏi đi thì tôi không biết cách và có lẽ còn lâu mới được hồi âm. Vì vậy, chương trình hỗ trợ pháp lý như thế này thực sự hữu ích. Bản thân tôi có đăng ký hỏi về việc tranh chấp đất có nguồn gốc ông cha với hộ gia đình liền kề và được hướng dẫn cách giải quyết rất tỉ mỉ, dễ hiểu. Cán bộ còn cho số điện thoại để liên lạc hỏi thêm nếu còn chỗ nào chưa rõ.
Ông Ma Công Trình, Trưởng phòng Tư pháp huyện Định Hóa đánh giá: Với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thưa dân và trình độ dân trí còn thấp thì hình thức tuyên truyền miệng là phù hợp. Cung cấp thông tin liên quan đến chính sách pháp luật theo hướng đơn giản hóa, dễ hiểu hoặc lồng ghép thông qua các cuộc họp xóm, sinh hoạt cộng đồng sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.
Là địa phương vừa phối hợp tổ chức thành công buổi trợ giúp pháp lý lưu động, ông Đinh Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) cho rằng: Về tận cơ sở, tìm đến các đối tượng khó khăn, yếu thế để trợ giúp pháp luật có ý nghĩa rất lớn. Bà con được trực tiếp trao đổi, hỏi và giải đáp luôn nên nhớ lâu; lại tiết kiệm thời gian và công sức vì không phải đi xa. Hai xóm vừa được đón đoàn trợ giúp pháp lý là Làng Chàng và Bảo Nang thuộc vùng đặc biệt khó khăn, hầu hết là người Sán Dìu. Thực tế có nhiều vấn đề phát sinh ở cơ sở, bà con biết luật nhưng chỉ ở mức sơ sơ; cán bộ cấp xã tuyên truyền đôi khi lại chưa tin tưởng lắm. Được các tư vấn viên có chuyên môn sâu, nhất là luật sư giải thích cặn kẽ thì bị thuyết phục hoàn toàn, không còn thắc mắc hay kiến nghị vượt cấp nữa. Thời gian qua, xã Tân Lợi cũng chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ trưởng xóm, trưởng các đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng nhằm giúp họ hiểu biết hơn về pháp luật, trở thành tuyên truyền viên cho đông đảo người dân.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, phổ biến pháp luật ở cơ sở, thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp) đã tăng cường số lượng; đa dạng hóa thêm các phương thức truyền thông trên báo, hệ thống phát thanh - truyền hình hay Internet để phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đoàn thể có liên để phát hiện và trợ giúp pháp lý kịp thời người dân có nhu cầu… Cùng với trợ giúp pháp lý lưu động, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, lồng ghép trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân; quan tâm hình thức tuyên truyền cá biệt, các tuyên truyền viên đến từng gia đình, phổ biến pháp luật tới từng người và tổ chức cho các hộ ký các cam kết không vi phạm pháp luật.