Thời gian qua, tuy chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19 nhưng bằng sự nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm, hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Định Hóa vẫn đảm bảo chất lượng, kết quả cao. Các vụ án đều được xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không có án hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của thẩm phán.
Hiện, TAND huyện Định Hóa có 3 thẩm phán, 4 thư ký tòa. Mỗi thẩm phán, thư ký thường phải kiêm nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: Lãnh đạo quản lý, kế toán, văn thư, văn phòng…
Trung bình mỗi năm, một thẩm phán phải thụ lý, giải quyết trên 100 vụ, việc. Điển hình như năm năm 2021, TAND huyện thụ lý 337 vụ, việc các loại, nghĩa là mỗi thẩm phán phải thụ lý giải quyết 112 vụ, việc.
Chưa kể, việc xét xử án tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản thừa kế gặp nhiều khó khăn khi thẩm định, định giá do nhiều nguyên nhân như: Đất tranh chấp trải qua nhiều thời kỳ quản lý, sử dụng khác nhau; người sử dụng thay đổi; đất không có số thửa, bản đồ, sơ đồ... Đó là áp lực không nhỏ đối với các thẩm phán.
Ngoài ra, đặc thù là huyện miền núi, người dân tộc thiểu số chiếm phần lớn, trình độ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật chưa đồng đều thì việc xét xử dứt điểm, đạt chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm lớn của mỗi thẩm phán và hội đồng xét xử.
Để vượt qua những khó khăn trên, TAND huyện luôn tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của TAND tỉnh, của cấp ủy, HĐND và chính quyền địa phương để giải quyết án, đặc biệt là đối với những vụ có tính chất phức tạp, kéo dài.
Lãnh đạo đơn vị quán triệt từng cán bộ, thẩm phán, thư ký phải nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật; giải đáp, tổng kết thực tiễn xét xử và rút kinh nghiệm.
Trong xét xử án hình sự, những người được giao thụ lý giải quyết tập trung nghiên cứu ngay vụ án, trình tự tố tụng, chứng cứ, tích chất, hành vi, hậu quả của hành vi phạm tội để xét xử, giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Thẩm phán khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, nhất là vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nếu có vướng mắc, khó khăn cần kịp thời trao đổi với lãnh đạo đơn vị, với các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện, chính quyền địa phương. Khi cần thiết, thẩm phán trao đổi với gia đình bị hại và nhà trường để nắm bắt tình hình, tâm lý bị cáo, người bị hại...
Hội thẩm nhân dân được chọn phân công tham gia hội đồng xét xử phải là giáo viên, cán bộ đoàn, cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hay Hội Liên hiệp Phụ nữ - là người am hiểu tâm lý của bị cáo, bị hại để cùng thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, trao đổi đánh giá, giải quyết vụ án.
Thẩm phán, hội thẩm nhân dân ngoài nghiên cứu kỹ về trình tự tố tụng, nội dung vụ án, chứng cứ phạm tội còn làm rõ nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phát sinh, tính chất, hành vi phạm tội; hậu quả của bị cáo gây ra với bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án... để từ đó xét xử vụ án vừa đạt lý vừa thấu tình.
Trong giải quyết án dân sự, thẩm phán phải nghiên cứu kỹ nội dung, yêu cầu khởi kiện, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, từ đó có kế hoạch để thực hiện các hoạt động tố tụng theo từng ngày, từng tuần để xác minh thu thập tài liệu chứng cứ cho tốt, chính xác, tránh tạm đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa nhiều lần để xác minh thu thập thêm tài liệu, chứng cứ. Khi tiến hành thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, nhất là đất đồi rừng, thẩm phán phải chủ động nắm trước tình hình, vụ việc, thực địa... Từ đó có kế hoạch cụ thể cần triển khai, tài liệu chứng cứ kèm theo và trao đổi trước với cơ quan chuyên môn, cán bộ được phân công tham gia xem xét thẩm định.
Hằng tuần, hằng tháng, TAND huyện tổ chức giao ban, trao đổi án, sinh hoạt chuyên đề về giải quyết án để kịp thời báo cáo, thảo luận giải pháp, giải quyết dứt điểm các vụ việc. Những vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều nhiều ngành, lĩnh vực cần xin ý kiến của cấp trên, sự phối hợp của cơ quan chuyên môn được triển khai kịp thời, đúng quy định…