Đồng bộ các giải pháp thi hành án tín dụng ngân hàng

10:16, 10/08/2022

Những năm qua, số lượng việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng của tỉnh chiếm không lớn nhưng số tiền phải giải quyết chiếm tỷ lệ cao. Để giải quyết hiệu quả loại án này, ngành Thi hành án dân sự (THADS) của tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ…

Theo thống kê của Cục THADS tỉnh, tính từ ngày 1-10-2021 đến nay, số việc phải thi hành liên quan đến án tín dụng ngân hàng khoảng 150 việc với số tiền phải thi hành trên 357 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,9% về việc nhưng chiếm tới 46,81% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 90 việc với số tiền 258,9 tỷ đồng.

Cơ quan THADS 2 cấp đã thi hành được 19 việc, thu được số tiền trên 95,9 tỷ đồng (đạt tỷ lệ trên 21% về việc và 35% về tiền; số việc phải thi hành xong tăng 06 việc (46,81%) và tăng gần 54,7 tỷ đồng (132,48%) so với cùng kỳ năm 2021.

Các chi cục THADS có án tín dụng ngân hàng đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tại địa phương. Ngoài ra, các đơn vị có lượng án tín dụng ngân hàng lớn đã thành lập tổ công tác theo dõi như: Chi cục TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên. Các cơ quan THADS trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng và cơ quan, tổ chức liên quan để thống nhất kế hoạch tổ chức thi hành.

Đối với những vụ việc phức tạp, khó thi hành, cơ quan THADS chủ trì họp liên ngành, đồng thời báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp để được chỉ đạo phối hợp giải quyết.

Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, chưa thể giải quyết dứt điểm hoặc đã được giải quyết nhưng hiệu quả không như mong muốn do nhiều nguyên nhân.

Phần lớn các vụ việc thi hành án đều gặp nhiều khó khăn và phải thực hiện biện pháp cưỡng chế.

Hầu hết người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng không còn tài sản khác ngoài tài sản đã thế chấp tại ngân hàng, nên họ cố tình chống đối hoặc có tài sản nhưng không hợp tác. Nhiều tài sản đảm bảo phải định giá, giảm giá nhiều lần, nhưng khó bán hoặc chỉ bán được với giá rất thấp....

Ông Trần Bình, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả thi hành các vụ việc liên quan đến án tín dụng ngân hàng, Cục THADS tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp. Trước hết là trong quá trình thụ lý, các cơ quan THADS đọc, phân tích kỹ nội dung bản án, quyết định cũng như rà soát, phân loại đảm bảo cho việc ban hành quyết định thi hành án chính xác, đúng quy định. Trong quá trình thi hành án thì kết hợp hài hòa, mềm dẻo giữa tuyên truyền, vận động để đương sự tự nguyện chấp hành án. Đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài thì chủ động họp liên ngành, đồng thời báo cáo Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Cục THADS tỉnh cũng đề nghị các ngành, đơn vị liên quan phối hợp kịp thời, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên, cơ quan THADS trong quá trình xác minh, cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến tài sản thi hành án, cùng cơ quan THADS tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản.

Một trong những giải pháp quan trọng nữa là cơ quan THADS thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng, trao đổi, cung cấp thông tin cũng như thống nhất biện pháp để thu hồi nợ xấu hoặc để xử lý các khiếu nại, tố cáo liên quan đến thi hành án tín dụng ngân hàng.

Trên cơ sở quy chế phối hợp giữa Cục THADS tỉnh và Ngân hàng nhà nước tỉnh, hằng năm, hai ngành tổ chức hội nghị chỉ đạo, đôn đốc thi hành án tín dụng ngân hàng. Từ đó, các bên liên quan cùng phối hợp, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện để giải quyết những vụ việc có điều kiện thi hành.

Song song với đó, Cục THADS tỉnh kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thái Nguyên có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản bảo đảm, có biện pháp xử lý kịp thời khi có vướng mắc xảy ra.