Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở Phú Bình

09:45, 11/08/2022

Xác định công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, huyện Phú Bình đã triển khai nhiều giải pháp. Qua đó từng bước nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận pháp luật tốt hơn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Ngọc Cam, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Phú Bình, cho biết: Toàn huyện hiện có 20 xã, thị trấn. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của cấp trên và 5 tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, huyện sớm thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật. Sau khi được thành lập, Hội đồng đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các ủy viên nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xem xét, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; trên cơ sở đó tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện ra quyết định công nhận các xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm.

Phòng Tư pháp, với vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật huyện, đã ban hành công văn hướng dẫn và trực tiếp hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật ở địa phương.

Phòng cũng thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho đội ngũ công chức tư pháp các xã, thị trấn.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, công tác xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở Phú Bình đã đạt được những kết quả nhất định.

Tính đến hết năm 2021, toàn huyện có 16/20 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, còn 4 xã tiếp tục phấn đấu hoàn thành nội dung này là: Kha Sơn, Tân Khánh, Tân Thành, Thanh Ninh.

Các tiêu chí đạt kết quả cao là: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức, bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý (thuộc Sở Tư pháp) tổ chức được 2 buổi trợ giúp pháp lý với sự tham dự của gần 200 người dân thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Cán bộ tham gia trợ giúp pháp lý đã tuyên truyền các quy định của pháp luật và giải đáp 40 lượt ý kiến thắc mắc của người dân.

Tìm hiểu việc triển khai nội dung này tại một số xã, thị trấn của huyện Phú Bình, chúng tôi nhận thấy đa số chính quyền các địa phương đều ban hành kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Nhận thức về nhiệm vụ xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức các xã, thị trấn ngày càng được nâng lên. Hầu hết các thủ tục, hồ sơ của người dân đều được giải quyết trước và đúng thời gian quy định…

Để giữ vững những xã đã đạt chuẩn nội dung này và tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu 100% xã, thị trấn đạt chuẩn, thời gian tới huyện Phú Bình tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém tại cơ sở; biểu dương, nhân rộng điển hình, cách làm hay…