Giữa T.P Thái Nguyên náo nhiệt, Bảo Lâm Đường như ở một thế giới tách biệt. Nằm trong con ngõ nhỏ thuộc phường Gia Sàng, khuôn viên võ đường gần giống những gì tôi thấy trong các bộ phim võ thuật cổ trang: không gian rộng rãi, nhiều cây xanh và các công trình bố trí có nét gì đó cổ kính, trang nghiêm. Tại đây, tâm huyết mấy chục năm với nghiệp võ và y học cổ truyền được võ sư, lương y Đào Thanh Tịnh lan tỏa, truyền thụ cho lớp lớp các thế hệ học trò.
Võ sư, lương y Đào Thanh Tịnh là Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, trọng tài võ thuật cấp Quốc gia; năm 2017, ông được chứng nhận là võ sư cao cấp (7 đẳng). Tháng 1-2021, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã trao tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 7 cá nhân của môn phái Bảo Lâm Đường vì đã có thành tích duy trì, bảo tồn và phát triển võ thuật cổ truyền Việt Nam. |
Ở tuổi ngoại ngũ tuần, võ sư Đào Thanh Tịnh sở hữu thân hình rắn rỏi và thân thủ rất mau lẹ nhờ thường xuyên luyện tập. Mỗi tay hơn chục ki-lô-gam vòng sắt nhưng không làm miếng võ của ông chậm và mất đi sự uyển chuyển. Những đường quyền biểu diễn với đao và gậy cứ vun vút vào không khí khiến người “ngoại đạo” như tôi cảm thấy chóng mặt. Mái tóc cắt ngắn, bộ râu dài ấn tượng và vóc dáng cơ thể ông toát lên khí chất của người luyện võ.
Nhìn hình ảnh hiện tại, có lẽ ít người nghĩ võ sư Đào Thanh Tịnh khi còn nhỏ có thân hình mảnh khảnh, thể trạng yếu. Đó cũng chính là một trong những lý do ông tìm đến võ thuật để rèn luyện cho mình sức khỏe. Bắt đầu bằng những đòn, thế “học lỏm” từ các bậc cha, chú và võ sư ở nơi vùng quê Phú Xuyên (Hà Nội). Năm 1986, khi vừa học xong THPT, ông chuyển lên Hà Đông cùng bố để theo nghề xây dựng. Trong thời gian đó, ông đồng thời học trung cấp chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật nhiếp ảnh và kiên trì đam mê học võ vào buổi tối. Bôn ba ở nhiều nơi, tầm sự học đạo nhiều môn phái khác nhau, năm 1994 ông quyết định dời lên Thái Nguyên lập nghiệp.
- Vì sao ông quyết định chọn võ thuật cổ truyền mà không phải bất cứ môn võ nào khác? - tôi hỏi.
Võ sư Đào Thanh Tịnh cười lý giải: Tôi đến với võ thuật để rèn sức khỏe, luyện ý chí và cũng là thỏa mãn niềm đam mê. Chọn võ cổ truyền trước tiên vì lòng tự hào dân tộc. Môn võ này cũng có ưu điểm là phù hợp với thể trạng người Việt, với nhiều đối tượng có thể luyện tập và có nhiều quyền thế. Như môn phái Bảo Lâm Đường, bên cạnh quyền cước thì thế mạnh lớn nhất là về nội công, khí công. Người tập đến trình độ nhất định sẽ thực hành được những tuyệt kỹ rất khó như: đập gạch vào đầu; dùng yết hầu uốn cong thanh thép; dùng chân công phá vật cứng…
- Từ bỏ công việc làm xây dựng để lên Thái Nguyên lập nghiệp, những ngày đầu hẳn ông gặp không ít khó khăn?
- “Thời gian đi học và luyện tập, tôi có quen nhiều bạn bè, anh em ở Thái Nguyên. Tình cảm với mảnh đất và con người nơi đây xuất phát từ đó, vì vậy mà tôi quyết định lập nghiệp ở nơi này. Những ngày đầu mới lên, quả thực gặp trở ngại không nhỏ. Tôi mở lớp dạy võ nhưng vì mới nên ít người biết đến, số lượng tuyển sinh mỗi lớp chỉ được chừng 5-7 người, thậm chí ít hơn. Trong khi đó, đời sống cũng có rất nhiều thiếu thốn” - Võ sư Đào Thanh Tịnh chia sẻ.
Võ sư Đào Thanh Tịnh.
Nhưng không vì khó khăn trước mắt mà nản chí, võ sư Đào Thanh Tịnh kiên trì với tâm huyết và định hướng mà mình đã chọn. Thời gian đầu do không có địa điểm nên thầy, trò phải thuê nơi luyện tập: Khi ở nhà thi đấu thể dục - thể thao hay Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Để lo cho cuộc sống thường nhật, ông cùng một vài người bạn hợp tác buôn bán, chủ yếu là ắc-quy điện. Đồng thời tranh thủ thời gian để học tập thêm võ thuật và y học cổ truyền. Năm 2002, ông xây dựng võ đường theo mô hình truyền thống với nhà thờ Tổ (còn gọi là Tổ đình võ phái), khu sân luyện tập võ thuật và nhà ở cho võ sinh. Từ đây, người yêu thích võ thuật cổ truyền từ khắp nơi tìm về tập luyện.
Năm 2007, ông cùng cộng sự thành lập Công ty chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Y - Võ Bảo Lâm Đường với các hoạt động: Chẩn trị y học cổ truyền, chăm sóc sức khoẻ cho người có công, người tàn tật, đào tạo huấn luyện, biểu diễn võ thuật. Năm 2010, bài thuốc gia truyền chữa chứng tọa cốt thống (đau thần kinh tọa) của võ sư Đào Thanh Tịnh được Giám đốc Sở Y tế cấp giấy chứng nhận. Việc kết hợp luyện tập khí công, nội công, khai thông huyệt đạo, vật lý trị liệu và sử dụng cây thuốc Nam để chữa bệnh của ông đã mang lại kết quả tích cực. Nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh, tăng ni phật tử tìm đến võ đường khám, điều trị và luyện tập võ thuật chữa bệnh đều có thuyên giảm rõ rệt, nhất là các chứng bệnh: tê liệt thần kinh, tai biến não bị liệt, vôi hoá thoái hoá xương khớp, dạ dày, đại tràng, viêm xoang,…
Trở lại câu chuyện võ học, võ sư Đào Thanh Tịnh luôn nhấn mạnh phải lấy chữ đạo lên hàng đầu và tinh thần học, học nữa, học mãi. Ông tâm sự: Mấy chục năm với nghiệp võ, tôi đã có hàng nghìn học trò ở các lứa tuổi khác nhau, nhỏ nhất chỉ 4-5 tuổi đến các bậc cao niên đã ngoài 80. Cùng với đó là nhiều kỷ niệm vui và cảm động. Nhớ nhất là chừng năm 2004, có gia đình đưa một bệnh nhân là ông Đồng Minh Tôn, ở phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) tìm đến chữa bệnh. Lúc đó ông Tôn tuổi đã cao, bị đau dây thần kinh tọa hầu như không đi lại được nữa. Một thời gian kiên trì luyện tập kết hợp với châm cứu, xoa bóp và uống thuốc nam thì bệnh tình thuyên giảm. Cũng từ đó mà cơ duyên trở thành đệ tử của môn phái Bảo Lâm Đường. Mười mấy năm gắn bó, ông Đồng Minh Tôn nay đã ở tuổi 88 nhưng sức khỏe rất tốt, được công nhận là võ sư và thường xuyên tổ chức các lớp dạy võ cho học viên trên địa bàn phường Quang Trung.
Với vai trò là Trưởng môn phái Bảo Lâm Đường, võ sư Đào Thanh Tịnh đã đại diện tổ chức nhiều đoàn đi thi đấu võ thuật trong khu vực, toàn quốc và đạt được thành tích cao. Điều đặc biệt là tất cả đều từ nguồn xã hội hóa chứ không dùng ngân sách Nhà nước. Trong những môn sinh của võ sư có nhiều người trở thành huấn luyện viên giỏi, một số mở võ đường riêng của môn phái ở địa phương trong tỉnh hoặc tạo được tiếng vang tại các chương trình truyền hình thực tế. Nhiều năm nay, Bảo Lâm Đường tổ chức dạy võ miễn phí cho trẻ em nghèo, đồng thời là địa chỉ cung cấp vận động viên cho các đội tuyển võ thuật của tỉnh. Ông tâm đắc: “Võ cổ truyền là một di sản quý báu mà ông cha ta để lại, vì thế cần phải tiếp nối gìn giữ và phát huy. Tôi rất mừng là thời gian gần đây môn võ này ngày càng được nhiều người tập luyện, được đưa vào giảng dạy ở nhiều trường học.
Giản dị, khiêm tốn và chan hòa với mọi người, võ sư Đào Thanh Tịnh vẫn đều đặn hàng ngày dạy võ. Bảo Lâm Đường do ông xây dựng luôn đầy ắp tiếng cười của võ sinh và những người đến nhờ ông tư vấn, chữa bệnh và chia sẻ buồn vui của cuộc sống. Ông chia sẻ: “Võ là nghiệp, y là nghề”, việc kết hợp hai loại hình này để giúp học viên và mọi người xung quanh mình khỏe hơn, từ đó có tinh thần làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng là tâm huyết tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đến hết cuộc đời.