Để đạt được hiệu quả cao nhất trong phòng, chống dịch COVID-19 thì sự hợp tác của người dân là vô cùng quan trọng. Dù vậy, vẫn có những người vô ý thức, thiếu trung trực trong khai báo y tế; không chấp hành yêu cầu bắt buộc khi cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà... Sự thiếu ý thức ấy không chỉ khiến lực lượng chức năng và những người liên đới phải vất vả mà còn làm tiêu tốn nguồn lực rất lớn của Nhà nước và cộng đồng.
Từ sự vô trách nhiệm của cá nhân
Những ngày cuối tháng 7, dư luận Thái Nguyên bức xúc khi trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là V.K.N ở xã Tân Khánh (Phú Bình) đã thiếu trung thực trong khai báo y tế khi đi từ vùng dịch (Tiền Giang) trở về. Chớ trêu hơn khi sự gian dối của chị này đã không được phát giác do những buông lỏng trong công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Vì thế, dù là từ vùng dịch trở về, chị N. vẫn được ra quyết định cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi thay vì chấp hành quy định cách ly tại nhà, chị N. đã tổ chức sinh nhật cho con, tiếp xúc với nhiều người và làm lây lan dịch bệnh ra địa bàn (lây bệnh cho 7 người).
Ngoài chị V.K.N, trước đó, trường hợp không chấp hành quy định trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà của chị H.T.T khi tạm trú tại phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 17-6 vừa qua cũng gây hậu quả khá nghiêm trọng. Với lịch trình di chuyển khá dày đặc, sau khi được xác định là F0, tất cả các địa điểm bệnh nhân đến đều phải phong tỏa (Siêu thị Minh Cầu, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Thái Nguyên, Tiệm vàng Quý Tùng trên đường Hoàng Văn Thụ…) và những người có tiếp xúc gần với chị T buộc phải đi cách ly.
Một trường hợp khác là chị N.T.H.N, được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 26-5, có địa chỉ tại xã Thành Công (Phổ Yên). Dù có yếu tố dịch tễ khi đi từ vùng dịch Bắc Ninh trở về nhưng N. khai báo y tế thiếu trung thực, vẫn đi làm cho 3 công ty tại Khu Công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) từ ngày 18 đến 24-5. Hệ quả là sau đó, Sở Y tế đã buộc phải yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm trên 3.000 công nhân của 3 doanh nghiệp tại khu công nghiệp Điềm Thụy gồm: Công ty TNHH Hadanbi Vina, Công ty TNHH New One Vina và Công ty TNHH Daesin.
Đến tổn thất hàng chục tỷ đồng của Nhà nước
Từ những minh chứng nêu trên có thể thấy rõ hệ lụy từ việc thiếu ý thức của một vài cá nhân. Đó là những cuộc họp khẩn được tổ chức ngay trong đêm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh, huyện; là những buổi thức xuyên đêm để lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân; là bộ máy của các chốt kiểm dịch được kích hoạt ngay lập tức ở những vùng phải thực hiện giãn cách xã hội… Nhiều lực lượng và hàng trăm người đã phải ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Chưa dừng lại ở đó, hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm cũng phải thực hiện; nhiều tấn hóa chất khử khuẩn; hàng trăm nghìn bộ đồ bảo hộ chống dịch… mà lực lượng chức năng buộc phải sử dụng trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ truy vết, xét nghiệm, khử khuẩn… cũng tiêu tốn rất nhiều ngân sách của Trung ương và địa phương.
Chốt kiểm soát liên ngành của tỉnh đặt tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) mỗi ngày kiểm tra hàng nghìn lượt người và phương tiện đi từ Lạng Sơn về. Ảnh T.L
Đó là chưa kể những cơ sở kinh doanh, các văn phòng giao dịch và nhiều vùng quê đã buộc phải phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội…Bà Chu Thị Hoa, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Là người làm kinh doanh nên tôi hiểu, mỗi ngày ngừng bán hàng hoặc ngừng giao dịch là thất thu số tiền không hề nhỏ.
Thiệt hại rõ nhất là kéo theo các chùm ca bệnh liên quan đến V.K.N là việc phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cả xã Tân Khánh, 3 xóm của xã Tân Kim và 1 xóm của xã Nhã Lộng khiến cho hoạt động sản xuất và đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất lớn.
Thời điểm thực hiện giãn cách (cuối tháng 7), Tân Kim và Tân Khánh có khoảng 460 tấn gia súc, gia cầm và hàng tấn trái cây. Xóm Náng, xã Nhã Lộng cũng có khoảng 10ha rau, củ quả đến kỳ thu hoạch… Một ngày chậm tiêu thụ, tổn thất do phải đầu tư cho thức ăn chăn nuôi, công chăm sóc… lên đến nhiều tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, xóm La Đao, xã Tân Kim (Phú Bình) nói: Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, tất cả các hoạt động sản xuất của chúng tôi bị ảnh hưởng không ít. Nhất là việc mua các vật tư phân bón; thức ăn chăn nuôi và việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Cũng may, sau đó, những khó khăn đã được tháo gỡ kịp thời nhưng đã thực hiện giãn cách xã hội thì không thể “tất cả các dòng sông đều chảy” như những ngày bình thường được. Có đi qua những ngày thực hiện giãn cách xã hội mới biết cuộc sống bình yên đáng trân trọng biết nhường nào.
Không chỉ bị thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh, từ sự thiếu ý thức của cá nhân, rất nhiều người dân cũng bị “vạ lây”. Chỉ liên quan đến 3 ca bệnh nêu trên đã có khoảng 150 trường hợp F1 và gần 3.000 trường hợp F2 buộc phải cách ly tập trung và cách ly tại nhà.
Chị Quách Thị Thanh Huyền, cán bộ Trường Cao đẳngVăn hóa Nghệ thuật Việt Bắc cho hay: Đi mua đồ tại Siêu Thị Minh Cầu, đường Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) vào đúng khung giờ mà bệnh nhân H.T.T ghé qua nên tôi buộc phải đi cách ly tập trung. Suốt thời gian cách ly, toàn bộ công việc ở cơ quan và gia đình đều bị đình trệ. Với những người làm kinh doanh, thiệt hại còn lớn hơn tôi rất nhiều khi suốt quá trình cách ly, họ không thể làm việc.
Thực tế cho thấy, mỗi một người thực hiện cách ly, nhân với số giờ họ phải ở trong khu cách ly sẽ ra được số thời gian “chết” để đối chiếu với số tiền họ kiếm được trong từng ấy thời gian khi không phải thực hiện cách ly. Cách tính này cho ra một số tiền “khủng” ngoài sức tưởng tượng.
Cần một chế tài đủ mạnh
Cho đến nay, chúng tôi chưa nắm được kết quả xử lý các trường hợp F0 thiếu ý thức nêu trên. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có một chế tài đủ mạnh thì chắc chắn những sai phạm trong việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch trên địa bàn vẫn sẽ tiếp diễn.
Ông Hà Duy Hiệu, cán bộ hưu trí ở tổ 4, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Bởi vậy, cần xử lý “mạnh tay” những trường hợp không chấp hành quy định phòng, chống dịch để nêu gương.
Luật sư Ngô Hồng Ánh, giảng viên Trường đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên nói: Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau: “…Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền…”.
Trong trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 không tuân thủ biện pháp cách ly, khai báo y tế mà làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Đặc biệt như trường hợp bệnh nhân V.K.N, khai báo y tế chưa trung thực nên không bị đưa đi cách ly tập trung dù trở về từ vùng có dịch. Dù có quyết định cách ly y tế tại nhà, N. vẫn tụ tập tổ chức sinh nhật cho con, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại Công văn số 45/HĐTP ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo nhiều luật sư, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của bệnh nhân V.K.N; đồng thời điều tra trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhân viên y tế trong việc chỉ đạo, giám sát ở địa phương…