Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật T.P Thái Nguyên, chị Dương Thị Hòa Huệ chia sẻ: Chúng tôi là những người không may mắn, nhưng chúng tôi luôn tin yêu cuộc đời. Mỗi người trong chúng tôi đều cố gắng vượt lên chính mình để sống hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Chị từng có một tuổi thơ cực nhọc, lớn lên trong thiếu thốn, song chị luôn cảm ơn cha mẹ đã cho mình một cuộc đời, dù lắm lúc nước mắt nhiều hơn nụ cười. Và chị đã đứng lên trên đôi chân tật nguyền, trở thành một vận động viên khuyết tật giành được nhiều Huy chương các loại trên trường đấu.
Với anh Dương Văn Bình, Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) T.P Sông Công, tình cảm mến thương của mọi người trong cộng đồng xã hội dành cho NKT giống như liệu pháp tinh thần, giúp vơi nguôi nỗi đau tinh thần, thể xác.
Người xưa có câu: “Cuộc sống không ai biết trước được điều gì”. Thoạt nghe dễ lầm tưởng một ai đó thất bại trong cuộc sống đành an bài, đổ lỗi cho số phận. Song thực tế có không ít sự cố bất ngờ đau đớn, như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hoặc sau một cơn huyết áp tăng đột ngột, đột quỵ… nặng thì mất đi mạng sống, nhẹ hơn có thể suốt phần đời còn lại bị tàn phế. Như trường hợp anh Trần Quang Phòng, xóm Vải, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ), bị điện giật làm cụt 2 tay; anh Trần Văn Hiển, xóm Trường Giang, xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên), bị tai nạn giao thông làm mất hơn 80% sức khỏe; anh Lý Văn Sài, Trưởng xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), bị máy cắt cỏ lẹm vào chân… Trong tích tắc đồng hồ, họ trở thành NKT.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động – TBXH, toàn tỉnh có hơn 25.000 NKT. Bao gồm hơn 4.000 trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng; hơn 11.000 trường hợp khuyết tật nặng và gần 5.000 trường hợp khuyết tật nhẹ.
Hiện 100% người từ khuyết tật nặng trở lên đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật và được nhận trợ cấp hằng tháng của Nhà nước.
Tuy nhiên, số tiền trợ cấp dành cho NKT chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực. Ông Hoàng Văn Thanh, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm Bắc Thành, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), trăn trở: Xóm có 13 người sau tham gia kháng chiến chống Mỹ trở thành nạn nhân chất độc da cam. Đau xót hơn là nhiều con em của họ được sinh ra không lành lặn về thể xác, tinh thần. Với họ, tiền thuốc chữa bệnh còn nhiều hơn tiền ăn.
Có mặt ở đó, bà Phạm Thị Nhị nói trong nước mắt: Tôi có 4 người con trai, lớn nhất 45 tuổi, nhỏ nhất 37 tuổi đều bị thiểu năng trí tuệ. Chúng chỉ biết ăn và phá phách. Tôi từng mơ ước, giá như các con tôi bị đui què nhưng có một tinh thần lành lặn thì cuộc đời chúng có giá trị hơn.
Câu nói của một người mẹ khiến ai nấy bùi ngùi. Đau lắm chứ, bởi mỗi người con đáng ra là một niềm hy vọng, nhưng lại trở thành gánh nặng gặm nhấm vào nỗi đau lòng.
Chị Lê Thị May, giáo viên Trung tâm Dạy nghề người tàn tật Thái Nguyên hướng dẫn học viên thực hành tiêm phòng gia cầm.
Không bỏ rơi những cảnh đời éo le ấy, cả xã hội chung tay, góp sức san sẻ gánh nặng kinh tế, tinh thần với NKT. Giản đơn là gói quà ngày tết, lễ; lớn lao hơn là ngôi nhà trú mưa nắng. Cuối năm 2020, kết thúc Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 của Thủ tướng Chính phủ, kiểm lại mới thấy các cấp, ngành, đơn vị và mọi người trong cộng đồng xã hội luôn có sự quan tâm đối với NKT.
Việc trợ giúp NKT được gắn với nhiệm vụ của ngành, như: Ngành Giao thông - Vận tải đã có Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên đầu tư xây dựng lối đi, nhà vệ sinh dành riêng cho NKT; Sở Tư pháp trợ giúp pháp lý cho gần 100 NKT; ngành Y tế thực hiện hỗ trợ các dịch vụ khám chữa bệnh, hỗ trợ phục hồi chức năng, tư vấn sức khỏe… cho gần 100.000 lượt NKT; Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi; về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới cho hơn 40.000 lượt phụ nữ là NKT. Hội tặng 850 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ về nhà ở cho 2 hội viên, tặng xe lăn cho 100 hội viên, tặng gậy tập đi cho 50 hội viên, 71 hội viên nghèo được tín chấp vay vốn phát triển sản xuất, với tổng số tiền vay hơn 2 tỷ đồng…
Nhằm trao cơ hội việc làm cho NKT, Sở Lao động - TBXH phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức dạy nghề cho hơn 1.000 NKT, chủ yếu các nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp. Hầu hết NKT sau khi được đào tạo đã có cuộc sống ổn định hơn.
Bà Tạ Thị Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm dạy nghề người tàn tật Thái Nguyên cho biết: Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm tổ chức đào tạo nghề, dạy nghề cho hơn 400 NKT.
Còn chị Lê Thị May, giáo viên dạy nghề của Trung tâm nói với chúng tôi như tâm sự: Dạy nghề cho NKT là cả một nghệ thuật. Trước hết phải giúp họ vượt qua mặc cảm bản thân rồi hướng dẫn cho họ được thực hành. Một việc cần thực hành nhiều lần họ mới nhớ.
Chuyện dạy nghề cho NKT, chị Nguyễn Thị Bích Hải, giáo viên dạy nghề tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Thái Nguyên cho biết: Cùng dạy văn hóa, Trung tâm luôn coi trọng công tác dạy nghề để sau khi ra trường các em có thêm cơ hội việc làm.
Còn bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù tỉnh nói khiêm tốn: Hội có 4 trường hợp được vay với tổng vốn 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò, lợn sinh sản. 6 trường hợp khác được tham gia lớp học nghề xoa bóp, bấm huyệt với tổng số tiền hỗ trợ hơn 82 triệu đồng.
Những việc làm trợ giúp NKT hết sức bình dị nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Và trong cuộc đời thường, cử chỉ nghĩa hiệp đều diễn ra ở mọi nơi chốn, vô tư - không vụ lợi, với nghĩ suy “Trao cơ hội, nối ước mơ” cho NKT.