Hẳn không ít người nghĩ, muốn tham gia “cuộc chơi” chuyển đổi số phải có thiết bị máy móc hiện đại, nên đó là “sân chơi” dành cho “con nhà giầu”. Nhưng thực tế không hẳn vậy. Chỉ với thiết bị ít và cũ, người sử dụng công nghệ thiếu, sản phẩm trừu tượng, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vẫn chững chạc bước vào “đường đua” chuyển đổi số.
Tiếp cận “khách hàng” bằng phương pháp độc đáo
Những ngày đầu tháng 7-2021, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) tổ chức cuộc thi “Đọc từ trái tim”. Giải thưởng mang tính tinh thần: Người đoạt giải Nhất được tặng một năm đọc tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên (in).
Nói về ý tưởng tổ chức Cuộc thi, bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tâm sự: Trong thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, đất nước đối mặt với bao khó khăn, văn chương lúc này trở nên không thiết yếu. Nhưng khi “ở nhà cũng là yêu nước” thì việc tận dụng thời gian giãn cách xã hội để đọc sách, tiếp cận thông tin lành mạnh… là lựa chọn của nhiều người. Chúng tôi nắm cơ hội này để đưa đến cho “khách hàng” sản phẩm văn chương của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không “bưng” đến mời họ thụ hưởng mà để họ “đồng sáng tạo” - nghĩa là thể hiện tác phẩm đó. Đây là điểm khác biệt khiến “khách hàng” chú ý.
Thông tin về Cuộc thi đồng loạt được đưa lên các nền tảng công nghệ như Website, Fanpage của Văn nghệ Thái Nguyên điện tử, đưa lên hàng chục tài khoản Facebook của Ban tổ chức Cuộc thi, tạo ra một “làn sóng” quan tâm của cộng đồng mạng.
Đã có hơn 30.000 lượt tiếp cận, 5.000 lượt tương tác, 132 lượt chia sẻ và 217 bình luận trong một bài thông báo về việc tổ chức Cuộc thi. Với yêu cầu đọc tác phẩm đăng trên Văn nghệ Thái Nguyên điện tử (VNTNĐT), số người truy cập vào trang tăng vọt lên 60 nghìn lượt/tháng, gấp 12 lần so với trước. Sau 30 ngày công bố thể lệ đã có 130 người gửi bài dự thi (file ghi âm MP3 và ảnh chân dung), trong đó 79 người đủ tiêu chuẩn tham gia vòng 1 được Ban tổ chức đẩy bài thi lên Youtube cho bạn đọc thẩm định. Người vào nghe và đăng ký kênh Youtube của VNTNĐT lập tức tăng thêm hơn 300 lượt, trang Fanpage có hơn 2.000 người nhấn nút “thích”. Không chỉ thí sinh trong nước mà có cả kiều bào ở nước ngoài cũng dự thi, như chị Trần Diệu Hương ở Slovakia, chị Phạm Minh Thủy ở Nga.
Kỹ sư tin học Lê Anh Tú, quản trị viên của VNTNĐT cho biết: Gần 60% thí sinh dự thi “Đọc từ trái tim” ở độ tuổi từ 25 đến 45, thí sinh ít tuổi nhất là 18, cao nhất gần 70 tuổi; số người truy cập theo dõi cuộc thi ở 16 quốc gia. Nhiều nhất ở Việt Nam, Slovakia, Nga, Đức, Mỹ.
Bài thi của 32 thí sinh được vào vòng 2 chuyển đến cho 3 giám khảo là các giọng đọc uy tín thẩm định và đưa lên Youtube, Facebook cho bạn đọc bình chọn. Các giám khảo làm việc độc lập và nhận, gửi bài, kết quả qua mạng. Giọng đọc huyền thoại Hà Phương (Đài tiếng nói Việt Nam) đã 80 tuổi, không bước chân khỏi nhà ở Hà Nội vẫn làm tròn vai trò giám khảo bởi sử dụng thành thạo Internet.
Cuộc thi đã đạt kết quả ngoài mong đợi. Bà Quỳnh tâm đắc: “Chúng tôi đã đạt hai lợi ích cùng lúc, vừa tạo sân chơi lành mạnh cho bạn đọc vừa quảng bá được các tác phẩm trên Văn nghệ Thái Nguyên. Rõ ràng, để không “án binh bất động” thời điểm dịch dã phải nhờ đến vai trò của công nghệ”.
Không phải đến Cuộc thi này, Hội Văn học Nghệ thuật mới tận dụng thế mạnh của chuyển đổi số, mà từ đầu năm 2020, do dịch COVID-19, một số hoạt động không tổ chức được theo cách truyền thống, Hội đã thay thế bằng sử dụng mạng xã hội. Điển hình là cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ” thay thế cho Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Rằm tháng Giêng. Chỉ sau 15 ngày phát động đã có 500 tác giả trong và ngoài nước gửi bài dự thi. Cuộc tổng kết trao giải phát trực tiếp trên Fanpage có hàng nghìn người theo dõi.
Tương tự 2 sự kiện trên, Hội còn tổ chức ra mắt sách online chỉ với 3 khách mời; kỷ niệm 30 năm ra số Báo văn nghệ đầu tiên chỉ với 30 đại biểu có mặt trực tiếp.
Cách làm riêng
Thực sự bản thân tôi không hiểu lắm về kết nối Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)… nhưng khi tham gia chuyển đổi số, chúng tôi dùng phương pháp “đứng trên vai người khổng lồ” - Bà Quỳnh cho biết thêm. Đơn cử cuộc thi thơ “Tổ quốc và Mẹ”, Hội kết hợp với Quán Chiêu Văn, một trang mạng có hơn 30 nghìn thành viên yêu văn chương. Thông tin từ đây lan tỏa vô cùng nhanh, rộng và con số 168 tác phẩm vào chung kết đã nói lên chất lượng của Cuộc thi.
Kỷ niệm 30 năm ra số báo đầu tiên, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chỉ mời 30 khách đến dự.
Nếu so với các cơ quan báo chí khác trên địa bàn, VNTNĐT không có đội ngũ phóng viên hùng hậu, không có máy tính cấu hình cao, nhân sự cũng rất ít. Vậy nhưng họ đã mạnh dạn làm các tin bài video, Emagazine, Infographic (tác phẩm báo chí đa phương tiện); dự kiến sắp tới VNTNĐT mở mục Audio (đọc tác phẩm văn học), làm phim giới thiệu chân dung nghệ sĩ. Giải pháp của họ là tận dụng thế mạnh thiết bị và tay nghề của đội ngũ hội viên và cộng tác viên. Hội hiện có khoảng 50 hội viên và cộng tác viên có khả năng làm được tác phẩm theo hướng chuyển đổi số.
Hồng Hạnh sinh năm 1995 là một cộng tác viên như thế. Có ít nhiều kinh nghiệm truyền thông, Hạnh là thành viên Ban tổ chức cuộc thi “Đọc từ trái tim” và phát huy tốt vai trò của mình. Hạnh tâm sự: Cháu muốn được tham gia nhiều hoạt động truyền thông tương tự của Hội.
Đầu tư nhỏ, hiệu quả lớn
Những cuộc ra mắt sách, thi thơ, kỷ niệm ngày ra số báo đầu tiên, trại sáng tác… bằng hình thức online có sức lan tỏa thông tin lớn hơn so với cách làm truyền thống, hơn thế nữa còn tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
Bà Quỳnh đơn cử: Tháng 8 vừa qua chúng tôi tổ chức thành công Trại sáng tác văn học dành cho thanh thiếu nhi (20 ngày). Lúc đầu do e ngại dịch bệnh nên chỉ 20 thành viên đăng ký tham gia. Sau thấy Hội tổ chức trại qua ứng dụng Google Meet thì số đăng ký tăng lên 46. Chúng tôi mời cả diễn giả ở thành phố Hồ Chí Minh lên lớp thay vì chỉ “dám” mời diễn giả ở Hà Nội như trước. Chúng tôi không phải thuê hội trường, không phải lo ăn, nghỉ, quản lý học sinh và nhất là không lo lây nhiễm dịch bệnh do học online. Kết quả Cuộc thi ngoài dự kiến, 2 trang Báo Văn nghệ Thái Nguyên “ăm ắp” tác phẩm của các tác giả “nhí” đã nói lên mọi điều.
Việc tham gia “đường đua số” khiến từ người lãnh đạo, người thiết kế, người thực hiện cũng phải thay đổi phương pháp làm việc. Mọi điều hành, trao đổi đều qua mạng, từ đó ít họp hành hơn. Hoạt động “số” của Hội cũng khiến người tiếp nhận nó phải thay đổi theo. Đơn cử như muốn tham gia cuộc thi “Đọc từ trái tim”, thí sinh phải biết sử dụng thiết bị ghi âm, truy cập Youtube để chọn nhạc nền, dùng hộp thư điện tử để gửi bài. Nhiều người lớn tuổi đã vượt qua lạc hậu tuổi tác để tiếp cận với công nghệ nhờ cuộc thi này.
Sắp tới Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tiếp tục tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật và tổ chức biểu diễn sân khấu bằng hình thức online. Những hoạt động chuyển đổi số chưa từng có ở bất kỳ cơ quan văn nghệ nào khiến Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên đang là tâm điểm chú ý của giới làm văn nghệ cả nước.
Tuy mới bước đầu nhưng những thành công trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật cho thấy mỗi cá nhân, đơn vị đều có thể và cần phải chuyển đổi số. Sự chuyển động của từng con người sẽ làm ra thời đại công nghệ phù hợp với đời sống văn minh toàn cầu.