Ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và năm nay cũng đã ngót trăm tuổi. Con cháu ngại để ông tiếp xúc với bầu bạn, báo chí vì lo sức khoẻ cho ông. Nhưng khi đã ngồi trò chuyện với khách thì ông minh mẫn và cởi mở, những miền ký ức trong người lính già cứ ùa về ào ạt. Ông là Nguyễn Huy Văn, tên hoạt động cách mạng là Kim Sơn, đội viên, có lẽ là cuối cùng của Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái hoạt động chủ yếu bên sườn Đông Tam Đảo trước và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945…
Nguyên do từ bà Trương Thị Huệ, người dân tộc Sán Dìu, quê xã An Khánh, làm đến Chủ tịch, Bí thư huyện Đại Từ quê hương, về tỉnh giữ chức Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên rồi nghỉ hưu vẫn luôn trăn trở nhiều điều, trong đó có những địa chỉ thiêng liêng còn ít người được biết nơi sườn Đông dẫy Tam Đảo trùng điệp quê bà. Vậy nên, tôi cố tìm hiểu và cơ duyên được hầu chuyện Đại tá Kim Sơn là thế.
Cựu Đại tá Kim Sơn kể:
- Từ những năm 1940, phong trào cách mạng đã phát triển sang một giai đoạn mới. Ngày 15/9/1941, Trung đội Cứu quốc quân (CQQ) được thành lập tại rừng Khuôn Mánh, Tràng Xá (Võ Nhai), ngay sau đó đã lập nhiều chiến công và lớn mạnh nhanh chóng tại vùng Bắc Sơn - Võ Nhai. Ngày 22/12/1944, Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) được thành lập tại Nguyên Bình, Cao Bằng và nhanh chóng Nam tiến. Ngày 15/5/1945, tại đình làng Quặng, xã Định Biên (Định Hóa), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tổ chức Lễ thành lập Việt Nam Giải phóng quân (VNGPQ) trên cơ sở thống nhất lực lượng CQQ và VNTTGPQ. Còn Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái hoạt động vùng ở Tam Đảo. Năm 1940, gia đình anh trai tôi - ông Thạch Sơn (Nguyễn Huy Minh) dưới chân núi lên đây lập ấp, mở lò đốt than, địa danh Lán Than ra đời từ đó. Đến năm 1943 thì ông Minh lập Đội tự vệ Tam Đảo. Tháng 8-1944, Đội đã có hơn chục chiến sĩ, có vũ trang và hoạt động trên một vùng rộng lớn thuộc Đại Từ, Phổ Yên và vùng sườn Tây Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc ngày nay)…Trong các trận đánh của Trung đội Phạm Hồng Thái có nhiều trận đáng nhớ. Đó là trận chúng tôi vượt núi sang bên kia Tam Đảo vây đánh đồn Nhật, giải phóng hàng trăm tù thường phạm, tù chính trị người Việt và người Pháp. Vũ khí, điện đài thì chuyển lên giao cho chỉ huy ở căn cứ Tân Trào; người Pháp thì đưa lên sân bay Lũng Cò trên Sơn Dương giao cho Đồng Minh. Rồi trận chúng tôi tràn xuống phát động nhân dân các xã nổi dậy phá kho thóc của Nhật ở xóm Tràng Dương, xã Vạn Thọ, cung cấp lương thực cho bộ đội. Những ngày giữa tháng Tám năm 1945, Trung đội xuống núi, hợp quân giải phóng cả một vùng Nam Thái Nguyên, góp phần vào cuộc khởi nghĩa thành lập chính quyền Cách mạng tỉnh ngày 20/8/1945.
Tìm trong sử liệu, chúng tôi thấy có đoạn: Theo chỉ đạo của Trung ương, Chỉ huy Đội Cứu quốc quân 2 Chu Văn Tấn đã về Tam Đảo kiểm tra hoạt động và công nhận Đội tự vệ Tam Đảo, Quân Chu là tổ chức cách mạng. Tháng 4/1945, đồng chí Chu Văn Tấn, Nhị Quý (Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đầu tiên) và Lê Trung Đình (Chủ tịch Chính quyền cách mạng Thái Nguyên sau này) về đây, sáp nhập thêm các đội tự vệ nhỏ lẻ thành lập Đội du kích Cao Sơn, sau đổi thành Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái, đồng chí Huy Minh làm Trung đội trưởng và Vũ Tuân làm Chính trị viên…
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Trung đội đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cơ sở Việt Minh ở Đại Từ, Phổ Yên, Đồng Hỷ (Thái Nguyên); Tam Đảo (Vĩnh Yên); chiến đấu chống Nhật, Pháp, trừ gian, diệt phỉ bảo vệ nhân dân; giữ vững đường dây liên lạc từ miền xuôi lên Căn cứ địa Tân Trào, Định Hóa; tham gia đuổi Nhật, giành chính quyền tại tỉnh lỵ Thái Nguyên ngày 20/8/1945.
Từng nghiên cứu về địa lý và lịch sử vùng đất này, lại được đọc các tài liệu ít nhiều nói về ngôi chùa Tây Thiên Trúc 500 năm tuổi và Di tích lịch sử Lán Than - nơi thành lập Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái 76 năm trước nên tôi đã mấy lần tìm lên đây. Nhà bia tại Di tích Lán Than trên Tam Đảo ghi: Đến cuối năm 1942, du kích Lán Than thành lập Đội Du kích Cao Sơn do ông Nguyễn Huy Minh (Thạch Sơn) làm Đội trưởng; các đội viên: Nguyễn Huy Chổi, Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn), Nguyễn Huy Khoa, Trịnh Bình Di, Trịnh Xuân Kỳ… Sau sự kiện thành lập Việt Nam Giải phóng quân ngày 15/5/1945 tại đình Làng Quặng, xã Định Biên (Định Hoá), Đội Du kích Cao Sơn đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân Phạm Hồng Thái, vẫn do đồng chí Thạch Sơn làm Trung đội trưởng, hoạt động tuyên truyền nhân dân khắp vùng phá tề, trừ gian, chống Nhật.
Trong một lần lên tìm hiểu tại Di tích, vãn cảnh non thiêng Tam Đảo và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, chúng tôi gặp ông Vũ Xuân Thuận, ở xóm Đền, năm nay vào tuổi 86. Nói về Đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái, ông tâm sự: Những năm ấy nơi này hoang vu rậm rạp, chỉ một ít người dân tộc Trại, Tày sinh sống men sườn núi chạy dài cả trăm cây số. Các chiến sĩ chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công, rồi sau đó lại đi kháng chiến… Mãi năm 2006, tỉnh, huyện mới về dựng bia Di tích lịch sử này.
Trở lại câu chuyện với Đại tá Kim Sơn để chắp mối dòng lịch sử, ông bảo: Võ tướng Mạc Đăng Dung giành ngôi từ Lê Cung Hoàng (Hậu Lê) tháng 6 năm 1527, nhưng chỉ tồn tại 50 năm (1527-1677), trong đó nhiều năm lập cứ ở các tỉnh miền núi, ngoài xây thành, đắp lũy, thời Mạc là giai đoạn phát triển giáo dục, giao thương, văn hoá, dựng nhiều ngôi chùa, chủ đạo trong tu hành là Thiền phái Trúc Lâm. Căn cứ Lán Than của Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái nương náu chủ yếu tại ngôi chùa cổ. Hiểu giá trị của di tích lịch sử, biết ngôi chùa báu nằm trong cụm chùa Tam Đảo, từ năm 2014, được sự cung thỉnh của các cấp chính quyền, đoàn thể và phật tử, Nhà sư Thích Kiến Nguyệt đã đề nghị và được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ lập dự án tôn tạo chùa, xây dựng Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc, tạo nên một quần thể di tích văn hoá đậm đà bản sắc Việt Nam.
Từ trên sân Thiền viện, cạnh đó là Di tích lịch sử cấp tỉnh nơi ra đời và là căn cứ của Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái, sau lưng là vách núi cao, đỉnh có cột phát sóng truyền hình Tam Đảo, dưới chân núi là làng mạc Quân Chu, Cát Nê, Ký Phú, Văn Yên, Mỹ Yên, xa nữa là vùng hồ Núi Cốc… tôi chợt nghĩ về nguyện vọng của cụ Kim Sơn: “Nếu anh có viết báo đề nghị với tỉnh nghiên cứu để làm sao cho Di tích Lán Than tương xứng với tầm vóc của một đội quân ra đời trước Cách mạng và tên tuổi các đội viên được ghi danh, nhắc nhớ…”.