6 năm rồi chúng tôi mới có dịp trở lại Đồng Giong, xã Phương Giao (Võ Nhai). Đang thời điểm nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã vào bản nên con đường vào Đồng Giong khó như đường “lên trời” vậy. Nhiều đoạn lồi lõm, đất đá lổm nhổm như thử thách tay lái của chúng tôi. Dù vậy, không thể phủ nhận khung cảnh nơi rẻo cao này đẹp đến nao lòng với những nương ngô, rừng keo lai xanh ngút tầm mắt. Thích nhất là dãy núi đá vôi với tầng tầng, lớp lớp cây xanh ngả bóng trong nắng Thu thật nên thơ. Cả những ngôi nhà đơn sơ và nụ cười đôn hậu của người dân nơi đây cũng khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.
Mảng sáng ở bản vùng cao
Ở xã vùng cao Phương Giao, Đồng Giong là bản có khá đông hộ dân (gần 250 hộ) với nhiều thành phần dân tộc sinh sống như Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông. Nằm dọc theo dãy núi đá vôi, Đồng Giong được chia làm hai vùng rõ rệt. Phía bên ngoài, người dân thường gọi là miền Đồng Giong, đời sống người dân có phần khấm khá hơn. Phía bên trong, nơi có hơn 90 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, bà con thường gọi là khu Lân Thùng (khu vực bằng phẳng nằm sâu trong lũng núi), cuộc sống của người dân vẫn còn không ít những nhọc nhằn.
Từ bao đời nay, người dân Đồng Giong sống dựa vào cấy lúa, trồng ngô. Hiện, diện tích cấy lúa của cả bản lên tới trên 60ha. Ngô từng là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu ổn định cho người dân Đồng Giong. Có thời điểm, diện tích trồng ngô của bản lên đến trên 400ha. Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, khi đầu ra cho hạt ngô khó khăn, người dân chỉ để lại những phần đất ở thấp để trồng ngô, phân nửa diện tích còn lại (hơn 200ha ở địa thế cao hơn) được bà con chuyển sang trồng cây keo lai. Ông Dương Văn Mức, Bí thư Chi bộ nói: Khoảng 10 năm trở lại đây, Đồng Giong có những chuyển biến tích cực khi nhiều hộ dân đã mạnh dạn thay đổi tư duy, đưa giống lúa lai, ngô lai vào gieo trồng thay thế cho các loại giống địa phương năng suất thấp. Chưa bao giờ, năng suất ngô, lúa ở Đồng Giong đạt “con số” ấn tượng như hiện nay: Trên 2 tạ thóc/sào và từ 5 đến 6 tạ ngô/sào. Ngoài ra, trồng rừng thành công cũng như làn gió mới thổi vào đời sống người dân nghèo ở vùng rẻo cao này sự no ấm khi chỉ hơn 5 năm trồng, rừng keo của các hộ dân đã cho thu từ 70 đến 80 triệu đồng/ha.
Theo lý giải của ông Mức, Đồng Giong có sự “chuyển mình” là nhờ từ năm 2012, một phần con đường từ trụ sở UBND xã đi vào bản được đầu tư xây dựng. Ba năm sau, trên 6km đường vào khu Lân Thùng tiếp tục được mở rộng, cứng hóa theo Đề án 2037 “Phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”, đã giúp cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân được thuận lợi. Vì thế các mặt hàng nông sản do bà con sản xuất ra đã đến gần hơn với người tiêu dùng. Ông Ngô Văn Xinh, Phó Trưởng bản cho hay: Có đường đẹp để đi, bà con vui lắm. Giờ muốn đi ra trung tâm xã chỉ cần chạy xe máy chưa đầy 20 phút là đến nơi rồi.
Tuyến đường từ trung tâm xã Phương Giao vào Đồng Giong đang được thi công cải tạo.
Theo đó, kết cấu hạ tầng cũng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cho vùng khó Đồng Giong. Bởi lẽ ấy, dù ở cách xa trung tâm huyện như vậy nhưng phân trường (bậc mầm non, tiểu học) ở đây lại khang trang và người dân được dùng nguồn điện lưới quốc gia chứ không phải chịu cảnh “ăn cơm đèn, đi ngủ điện”.
Cái khó ở Đồng Giong
Không thể phủ nhận những thay đổi tích cực ở Đồng Giong. Dù vậy, một thực tế là đời sống của nhiều hộ dân nơi đây vẫn còn khó khăn lắm khi bản còn 86 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo, trong đó chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao.
Khó khăn hiện hữu rõ nhất là bản vùng cao này nằm ở “ngõ” cụt. Khu Lân Thùng là điểm cuối cùng của đất Phương Giao, Võ Nhai, phía bên kia núi là địa phận của Lạng Sơn. Dù giáp ranh với tỉnh bạn nhưng do không có tuyến đường nối giữa hai tỉnh (mà chỉ là đường mòn nhỏ hẹp), không đảm bảo được cho việc di chuyển của xe ô tô nên không tạo ra được sự lưu thông, trung chuyển hàng hóa giữa hai địa phương.
Thêm một khó khăn nữa là sau nhiều năm sử dụng, phần đường được đầu tư năm năm 2012 đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng do địa hình phức tạp nên việc thi công gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân Đồng Giong. Tuy nhiên, ông Đặng Thành Quang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phương Giao cho rằng, khó khăn này chỉ là tạm thời. Cái khó hơn cả đó là nhận thức của không ít người dân, nhất là một số đồng bào dân tộc Mông còn nhiều hạn chế, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa chủ động trong phát triển kinh tế gia đình.
Chia sẻ của ông Quang là hoàn toàn có cơ sở khi gần chục năm nay, các cấp, ngành chức năng của tỉnh, huyện đã triển khai rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp như trồng na, chăn nuôi trâu… cho các hộ dân tham gia. Nhưng khi được hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật… thì bà con làm theo. Đến khi mô hình kết thúc, không có hộ dân nào tiếp tục theo đuổi và mở rộng quy mô. Vì lẽ đó, các dự án, mô hình đưa về Đồng Giong đều “chết yểu”. Đơn cử như năm 2014, 5 hộ dân ở khu Lân Thùng được hỗ trợ nuôi trâu. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ còn duy nhất một hộ là ông Dương Văn Hầu vẫn duy trì nuôi hai con trâu. Những hộ còn lại đã bỏ cuộc giữa chừng…
Một góc “bức tranh” Đồng Giong.
Ở Đồng Giong, chuyện học hành của con trẻ cũng chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết, trẻ em đến tuổi đều được đi học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và cả con trẻ trong bản, nhất là bậc làm cha, làm mẹ ở khu Lân Thùng thường “đổ” tại đường xa nên đa số trẻ chỉ học hết bậc tiểu học (do có phân trường). Lên bậc THCS, phải ra tận trung tâm xã để học nên số trẻ ở bậc học này đã giảm dần. Bởi vậy, số người học hết THPT ở Đồng Giong chỉ có khoảng hơn 50 người và số người có trình độ đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay (hơn 10 người). Cũng bởi chưa miệt mài “cõng chữ” về bản nên con đường đến với tri thức ở Đồng Giong vẫn còn nhiều gian nan. Người dân vì thế cũng chưa tiếp cận được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Nỗ lực của địa phương
Với đặc thù là địa bàn vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Đồng Giong luôn nhận được sự quan tâm đầu tư về mọi mặt của Nhà nước. Chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực hết mình trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, địa phương còn vận động người dân đi làm việc tại các nhà máy, xí nghiệm trong, ngoài tỉnh để có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, đến nay, nhiều người dân ở Đồng Giong đã “đầu quân” cho nhiều doanh nghiệp và làm quen với môi trường làm việc khá chuyên nghiệp. Điển hình như anh Đào A Chu, người dân tộc Mông, đi làm công nhân tại Quảng Ninh, có nguồn thu nhập ổn định từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Hay như hộ ông Lý Văn Sầu, ngoài mạnh dạn mở cửa hàng tạp hóa, bố con ông có nghề mộc trong tay, đã đi làm ở nhiều nơi trong tỉnh nên có nguồn thu nhập ổn định, tích lũy được hàng trăm triệu đồng/năm…
Ông Hoàng Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Phương Giao thừa nhận: Chỉ có một bộ phân rất nhỏ người dân (ở vùng đồng bào dân tộc Mông) có sự tiến bộ, ham học hỏi. Vì vậy, để có sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của người dân nơi đây, đặc biệt là ở khu Lân Thùng, chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong công tác tuyên truyền, vận động. Chúng tôi hy vọng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ Chi bộ đến Chi hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên… vào cuộc, vận động theo cách “mưa dầm thấm lâu” sẽ tạo ra sự chuyến biến, làm thay đổi tư duy của người dân nơi đây.