Sáng đầu năm, trong tiết trời se se, giữa những thanh âm mùa Xuân rộn rã tươi vui, tôi cùng các con dạo chơi, chụp ảnh ngoài Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trước ngôi nhà cấp bốn nhỏ xinh được phục dựng theo phong cách văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, chúng tôi bắt gặp nhiều nhóm người đang vây quanh xin chữ hai thầy đồ trẻ.
Xin chữ đầu Xuân là một nét văn hóa truyền thống của người Việt từ bao đời nay. Trong ảnh: Các em nhỏ thích thú ngắm nhìn thầy đồ viết tặng chữ. |
Chị Trần Lan Hương, ở tổ 1, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) tươi tắn, cẩn thận cầm trên tay những chữ được thầy đồ viết tặng, vui vẻ bảo: Hôm nay, tôi xin chữ “Bình An”. Từ trước đến giờ, tôi vẫn thích nhất chữ này, cầu năm tới bản thân và gia đình sẽ được mạnh khỏe, may mắn. Tôi còn xin tên chữ hai con là Vi Anh và Bảo Nhi cùng dòng chữ: "Tâm sáng như ngọc - Hiếu học chăm ngoan" để treo tại góc học tập của các con. Mong rằng trong năm mới, hai con gái tiếp tục cố gắng luyện rèn và có nhiều thành công trong học tập.
Cạnh đó, đón nhận chữ “Lộc” từ thầy đồ, em Hoàng Thảo Linh, học sinh Trường THCS Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), vui vẻ nói: Lần đầu tiên con đi xin chữ và được thầy viết tặng chữ rất đẹp. Năm mới, con mong muốn gia đình mình luôn mạnh khỏe, con thì học hành tiến bộ hơn.
Hai thầy đồ 8X gọn gàng, mực thước trong trang phục áo the khăn xếp màu đen truyền thống, được nhóm trẻ con và nhiều người vây xung quanh xem viết chữ hôm ấy là Mai Thanh Tùng và Nguyễn Giang Thanh. Các anh hiện là giáo viên Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc và Trường Tiểu học Phú Xá. Hàng năm, cứ vào độ hoa đào nở, các anh lại có mặt tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và nhiều địa điểm tổ chức lễ hội đầu Xuân, bày mực tàu giấy đỏ cùng bút nghiên để viết thư pháp Việt cho mọi người.
Thầy đồ Nguyễn Giang Thanh vừa thư thả phóng bút vừa nói: Từ nhiều năm nay, chúng tôi viết và thấy, cơ bản ước mong đầu năm của mọi người như nhau. Ví dụ như người lớn thích xin các chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An Khang”, “Bình An”, cầu mong sự bình yên cho cả gia đình. Người đi học hay xin chữ “Trí”, “Tài”, “Nhẫn”. Người kinh doanh xin chữ “Hưng”, “Thịnh”, “Phát”, “Tín”, “Vượng”, mong cho công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió. Có người lại xin chữ “Nhẫn”, “Tâm”, “Đức”, “Duyên”, “Hiếu”.
Đầu năm, hướng tới hoạt động tổ chức mừng thọ cho các cụ cao niên, nhiều người cũng xin chữ “Thọ” để đóng khung tranh mừng. Ngoài ra, trước Tết, các gia đình xin chữ về trang trí, tạo cảnh sắc Xuân trong tổ ấm, như: “Chúc mừng năm mới”, “Mã đáo thành công”, “An khang thịnh vượng”… Thường chữ được viết trên nền giấy đỏ, cầu mong năm mới rực rỡ, tươi vui, may mắn.
Những chữ viết, câu chúc bằng mực tàu trên giấy đỏ đã trở thành món quà tinh thần độc đáo, thể hiện ước vọng đầu Xuân của mọi người, mọi nhà. |
Nhìn thầy đồ 8X đang cặm cụi viết, trong đầu tôi làm ngay một cuộc “hành trình” ngược thời gian khám phá về tục lệ văn hóa đẹp này của dân tộc. Chưa rõ thời gian cụ thể nhưng chỉ biết rằng tục xin chữ đã có từ mấy trăm năm trước, được người dân Việt vô cùng coi trọng. Trước khi đi xin chữ, mọi người thường chọn rất kỹ thầy đồ có đức, có tài, rồi chuẩn bị khăn áo chỉnh tề, sắm lễ, chọn ngày, chọn giờ, chọn hướng.
Tục xin chữ ngày Xuân thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người xưa, cũng là ước vọng mong cả năm may mắn, tốt lành, cầu tài lộc, sức khỏe của mọi người. Xin chữ đầu năm, mọi người cũng tự răn mình một năm mới cần cố gắng nhiều hơn trong học tập, công việc, cuộc sống…
Với Thái Nguyên, mấy năm gần đây, trong những ngày Tết, ở các địa điểm như Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các đình, đền, chùa hay một số trường học, đơn vị tổ chức lễ hội Xuân thường tổ chức hoạt động cho chữ đầu năm, thu hút đông đảo mọi người từ lớn tuổi đến học sinh.
Những con chữ thư pháp như “rồng bay phượng múa” hiện lên qua các nét cọ điêu luyện khiến cho hoạt động viết chữ thư pháp còn là dịp để mọi người thưởng thức khả năng viết chữ đẹp của các thầy đồ. Và “hồn dân tộc” không chỉ “sáng bừng trên giấy điệp” mà còn trên nhiều chất liệu như gỗ, mành tre, qua những nét thư pháp sáng tạo của các thầy đồ tạo nên sự hấp dẫn với khách xin chữ. Những không gian Tết được trưng bày chữ thư pháp Việt cũng trở thành điểm “check-in” ấn tượng, tạo không khí Xuân rộn ràng cho nhiều người, trong đó có giới trẻ…
Trò chuyện cùng hai thầy đồ 8X Mai Thanh Tùng và Nguyễn Giang Thanh, tôi thấy thật vui bởi sự đam mê và tâm huyết của các thầy mong muốn góp phần giữ gìn phong tục đẹp này thật đáng trân trọng. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển được các thầy viết chứa đựng trong đó bao ước vọng về một năm mới với nhiều thuận lợi, may mắn và bình an cho mọi người. Chắc chắn rằng mỗi người được nhận món quà tinh thần quý báu này đều cảm thấy hạnh phúc, đúng như câu nói của người xưa: “Nhất tự thiên kim”, tức “Một chữ đáng nghìn vàng”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin