Mặt trời nhô qua mỏm núi. Nắng vàng tô điểm những cánh rừng ở Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai). Ven đường, nhiều loài hoa chúm chím đón nắng Xuân, thấp thoáng tà váy xếp ly rung rinh như những cánh bướm muôn màu theo nhịp bước chân người phụ nữ Mông xuống chợ chuẩn bị thực phẩm cho 3 ngày Tết...
Các tuyến đường trục chính ở xóm Mỏ Chì đã được đổ bê tông, giúp người dân đi lại và mua bán hàng hóa thuận lợi. |
Nhớ ngày “giá lạnh”...
Nhà Trưởng xóm Ngô Văn Chú ở lưng chừng núi, nhưng chúng tôi không cần phải đi bộ như vài năm trước mà phóng ô tô đến tận cổng. Anh Chú đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu. Trong nếp nhà sàn, chuyện xưa, chuyện nay rôm rả như không có hồi kết...
Cách đây 30 năm (năm 1993), chỉ có hai hộ dân người dân tộc Mông ở Cao Bằng di cư về vùng đất Cúc Đường. Thời đó, xung quanh là núi cao, thung sâu, cây rừng mọc um tùm. Họ chủ yếu sống bằng hái lượm, săn bắt thú rừng và đào mố tra hạt ngô. “Đất lành chim đậu”, năm 1998, xóm Mỏ Chì chính thức được thành lập với 27 hộ dân. Nay xóm có gần 170 hộ dân. Nhiều năm trước, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác; điện, đường, trường, trạm chưa được đầu tư. Có những năm, tỷ lệ đói, nghèo của bản gần 100%... Nhớ lại những Tết xưa, anh Chú không khỏi bùi ngùi: Bản mình những ngày đó, cái bụng còn chưa được no, làm gì có tâm trạng vui Xuân, đón Tết.
Đường lên xóm lúc đó chỉ đủ bước chân, người dân phải vén cây dại, bám vào tai đá để đi, sơ xảy một chút có thể rơi xuống vực. Cơm không no ngày 3 bữa nên hầu hết các hộ dân trong xóm không đủ điều kiện cho con tới trường, nhiều học sinh phải bỏ học để ở nhà đi rừng, làm nương rẫy giúp bố mẹ. Có nhiều hộ trong xóm rơi vào bế tắc tưởng chừng không lối thoát, phải cứu đói thường xuyên, bệnh tật dày vò không có tiền chữa trị. Có hộ nghèo tới mức, mỗi đứa con chỉ có duy nhất một bộ quần áo lành lặn để mặc…
Đến “thời” ấm no
Nay, điện lưới Quốc gia đã được kéo về làm “bừng sáng” Mỏ Chì, giúp cả xóm thoát khỏi những tăm tối, lạc hậu. Nhiều gia đình được Nhà nước hỗ trợ tivi, tủ lạnh, máy giặt..., khiến cuộc sống như được “lật sang” một trang mới. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Người ốm được đưa đến Trạm Y tế xã khám, chữa bệnh kịp thời...
Nhờ ơn Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, người Mông Mỏ Chì đã từng bước thoát khỏi đói nghèo, đời sống vật chất, tinh thần dần được cải thiện. Nếu như năm 2020, cả xóm có 129 hộ nghèo thì nay giảm xuống còn hơn 70 hộ. Giọng anh Chú phấn chấn: Tết này, Mỏ Chì không có hộ nào không có Tết. Như gia đình tôi, cá dưới ao cũng nặng hơn 2kg; gà rừng, gà ta hú một tiếng là đầy sân... Tết đã về tới cổng rồi!
Bà con người Mông ở xóm Mỏ Chì thu hoạch lúa xuân trên ruộng hợp tác sản xuất với người dân xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường. Ảnh: T.L |
Chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá bản Mông sau khi rời nhà anh Chú. Giữa lưng chừng núi, Nhà văn hóa xóm hiện lên khang trang, sạch, đẹp, xung quanh có lắp đặt các thiết bị thể dục... Đứng ở sân Nhà văn hóa xóm Mỏ Chì, chúng tôi có thể dễ dàng quan sát một vùng trời, một vùng đất xanh tươi, trù phú bởi những rừng cây keo xanh bát ngát, thấp thoáng những ngôi nhà sàn ẩn hiện, thỉnh thoảng vọng ra tiếng mõ trâu lốc cốc.
Anh Chú giải thích: Nhiều hộ dân trong bản thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu, bò và trồng rừng. Năm qua, gần 30 hộ được Nhà nước hỗ trợ làm nhà mới và sửa chữa nhà ở nên xóm đã cơ bản xóa nhà dột nát. Tổng dư nợ vốn của cả xóm hiện nay là hơn 2 tỷ đồng, chưa có hộ nào nợ quá hạn. Từ chỗ đồng bào Mông Mỏ Chì chỉ ăn mèn mén chống đói, nay 100% số hộ trong xóm đã có gạo ăn thay ngô...
Xuống núi, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Hoàng Văn Sỹ, một trong những hộ khó khăn vươn lên có cuộc sống khá giả. Chiếc xe ô tô đời mới 5 chỗ ngồi đỗ dưới gầm nhà sàn. Trong nhà, màn hình hiển thị hệ thống camera an ninh… Anh Sỹ bảo: “Người Mông hay bất kỳ người dân tộc nào đều phải nỗ lực vươn lên, dám nghĩ dám làm mới mong thoát cảnh đói nghèo”.
Háo hức chờ Xuân
“Khắp núi đồi nắng lấp lánh/ Tiếng chim rừng, suối reo mừng/Khắp bản làng vui xuân về/ Rộn ràng nhà vui anh đến”..., tiếng hát từ một gia đình vọng lại khiến chúng tôi ai nấy đều rộn ràng, phấn chấn. Anh Chú bảo: Có lẽ năm nay người Mông Mỏ Chì đón Xuân vui nhất kể từ trước đến nay. Bởi không có hộ nào phải cứu đói dịp Tết. Có nhà đã thịt lợn để mời họ hàng, anh em, bạn bè đến ăn trước Tết cả tuần.
Ở Mỏ Chì hiện nay đã có điện, sóng điện thoại, giúp người dân tiếp cận với thông tin thuận lợi hơn. |
Người Mông Mỏ Chì đón Tết gần giống như người Kinh. Những ngày giáp Tết, họ sẽ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa bằng giấy đỏ, thể hiện sự tươi mới, may mắn. Lợn, gà được nuôi từ trong năm, nhốt sẵn vào chuồng, chờ khách đến là thịt. Rượu ngô và bánh dày là hai món không bao giờ thiếu trong mâm cỗ của người Mông.
Với người Mông Mỏ Chì, 30 Tết là một ngày quan trọng để cả nhà sum họp, đoàn viên, hàn huyên trò chuyện, bàn chuyện chăn nuôi, cấy trồng trong năm mới. Ngày mùng Một, người dân sẽ đi thăm hỏi, chúc Tết nhau. Từ ngày mùng Ba trở đi được xem là thời điểm vui nhất trong dịp đầu năm mới, người dân tham gia lễ hội được tổ chức ở nhà văn hóa, chơi các trò chơi dân gian như kéo co, tung còn, đẩy gậy... và vui Xuân đến hết tháng Giêng.
Chị Lương Thị Nùng, người dân xóm Mỏ Chì vui vẻ nói: Tôi đã mua được mấy bộ váy áo mới cho bản thân và các con để mặc trong dịp Tết. Ngày trước, chị em phụ nữ Mông chúng tôi phải tự khâu váy mất rất nhiều thời gian, nay chỉ cần có tiền xuống chợ là có thể mua được những bộ váy mình yêu thích. Nói rồi, chị Nùng xoay xoay một vòng, chân váy mềm mại xòe rộng như chiếc ô nhỏ. Anh bạn trong đoàn chúng tôi nói như reo: Trang phục phụ nữ Mông quả là rất đẹp!
Mặt trời đã chạm đỉnh ngọn núi phía Tây, chúng tôi bịn rịn chia tay những con người thật thà, chất phác, độn hậu của xóm Mỏ Chì. Năm cũ sắp qua, chúng tôi cùng phấn khởi chào đón một năm mới với niềm hy vọng về những điều may mắn, tốt đẹp. Mong sao nếu có dịp trở lại Mỏ Chì, trong câu chuyện của chúng tôi không còn phải nhắc tới con số hộ nghèo... Để mỗi dịp Xuân về, lòng người được hạnh phúc trọn vẹn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin