Ánh sáng cuộc đời

Phạm Ngọc Chuẩn 14:41, 07/01/2024

Đi đến tận cùng của khổ sở, họ mới nhận ra ánh sáng chân lý của cuộc đời từ những buổi học ghép vần tại Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh (Cơ sở). Một lớp học xóa mù chữ cho học viên đang chấp hành cai nghiện ma túy tập trung đang được tổ chức. Rất giản đơn, nếu biết đọc, biết viết, nhiều người trong lớp học này sẽ có kỹ năng tốt hơn để bản thân không vướng vào tệ nạn xã hội.

Anh Dương Văn Sửu, giáo viên phụ trách lớp học, kiên trì hướng dẫn học viên cách cầm bút tập viết.
Anh Dương Văn Sửu, giáo viên phụ trách lớp học, kiên trì hướng dẫn học viên cách cầm bút tập viết.

Sau cắt cơn, sức khỏe bình phục, học viên bắt đầu tham gia một số hoạt động chung, như lao động trị liệu, văn nghệ, thể thao hoặc viết thư, nhắn tin về cho người thân. Riêng những người mù chữ có một hoạt động khác. Họ được tập trung lại thành… lớp học ánh sáng.

Nhờ có lớp học này, nhiều người trước đây chưa được đi học thì nay được xóa mù chữ. Chính vì thế học viên của lớp không cùng độ tuổi, quê quán, nhưng giống nhau là tự vùi chôn tuổi xuân mình vào lầm lỗi với tệ nạn ma túy.

Để chúng tôi không bỡ ngỡ, chị Hoàng Hữu Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Cơ sở, cho biết: Ngay từ lúc tiếp nhận đối tượng, Cơ sở đã rà soát, phân loại học viên. Từ đó phát hiện ra các trường hợp mù chữ để có kế hoạch tổ chức lớp học. Chúng tôi coi đó là một trong những giải pháp quan trọng, giúp học viên nâng cao nhận thức, vượt qua mặc cảm, tự ti. Sau cai nghiện thành công, những học viên này có kỹ năng sống hòa nhập tốt hơn với cộng đồng xã hội.

Từ năm 2018 lớp học xóa mù chữ đầu tiên được mở tại Cơ sở. 1 năm 2 lớp, bình quân 1 lớp có 10 học viên. (riêng trong 2 năm 2020, 2021 không tổ chức lớp do dịch COVID - 19). Theo đó đã có 8 lớp học xóa mù chữ cho khoảng gần 100 người. Học viên trẻ nhất chưa đến tuổi 20; người cao tuổi nhất hơn 60 tuổi. Nhưng ai nấy đều chăm chú học tập để khi về đời bớt thẹn lòng với bạn bè, người thân.

Sẽ rất bình thường nếu như lớp học xóa mù chữ được tổ chức ở một bản làng nơi non cao, rừng thẳm từ nhiều năm trước đây, nhưng ở thời đại của công nghệ thông tin, nhiều hoạt động xã hội được số hóa thì việc có một lớp học xóa mù chữ trở thành câu chuyện lạ. Anh Dương Văn Sửu, cán bộ Phòng Tư vấn, Giáo dục, Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, đồng thời là giáo viên phụ trách lớp học, chia sẻ: Trong lớp có người đáng tuổi anh, có người bằng tuổi con mình. Nhưng khó khăn nhất là phải làm như thế nào đó để các học viên vượt qua mặc cảm, tự ti, cố gắng học để biết đọc, biết viết.

26 năm công tác tại Cơ sở, tiếp xúc và hỗ trợ cai nghiện ma túy cho hàng nghìn người, anh nghiệm thấy có nhiều học viên khi ở ngoài đời chẳng chịu nghe lời khuyên bảo của ai, nhưng khi vào Cơ sở chấp hành cai nghiện, họ được tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và hầu hết trong số họ đều nhận ra bản thân đã lãng phí quá nhiều thời gian vì ma túy. Nhất là với những người có trình độ học vấn thấp, đặc biệt với người mù chữ, họ khao khát được vươn lên để không bị bạn bè khinh rẻ, giễu cợt.

Là cử nhân luật, làm công tác cai nghiện ma túy, “đột nhiên” trở thành giáo viên dạy học cho người mù chữ từ năm 2018 đến nay, để hoàn thành nhiệm vụ “gõ đầu người lớn”, anh phải “tầm sư học đạo”, tham khảo cách dạy học của giáo viên bậc tiểu học. Rồi tự soạn cho mình một giáo án riêng, tìm ra cách dạy riêng. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, dạy đâu chắc đó, học viên nắm được bài mới dạy tiếp sang bài sau.

Với tinh thần “Thầy tận tình mẫu mực/Trò nỗ lực quyết tâm”, cứ 6 tháng 1 lớp học hoàn thành, chất lượng học viên được đánh giá bằng cách viết 1 lá thư về cho người thân. Từ năm 2018 đến nay, 100% học viên các khóa học đều biết đọc, biết viết. Có học viên khi tái hòa nhập cộng đồng, viết thư cho thầy, khoe: “Không những đọc thông, viết thạo, em còn dạy được cho vợ cùng biết chữ. Nhờ đó, vợ chồng em viết được đơn xin đi làm công ty”.

Vào Cơ sở, tôi xin được tham dự một giờ học, chứng kiến các học viên khóa 8, tức là lớp học thứ 8 do Cơ sở tổ chức. Lớp có 9 học viên, Mùa A Chứ (Sìn Hồ, Lai Châu), nhà xa nhất. Trần Văn Minh nhà gần nhất (tại TP. Thái Nguyên). Giờ học vần, cả lớp ê a đọc theo hướng dẫn của thầy giáo. Cực nhất là giờ tập tô chữ, các học viên mặt mày căng thẳng, gồng hết người để cây viết đi đúng nét, thẳng hàng… Đáng ra họ phải làm công việc này từ vài mươi năm trước, chứ không phải sau một quãng dài của cuộc đời chật vật mưu sinh.

Đợi giờ giải lao, tôi tranh thủ trò chuyện với các “học trò”. Thật bất ngờ là ai cũng phấn khởi, bảo: “Trong cái rủi có cái may”. Rủi là phải đi cai nghiện bắt buộc. Nhưng may là được học chữ ngay trong thời gian đang chấp hành cai nghiện ma túy.

Mùa A Chứ kể: Bố chết lúc tôi lẫm chẫm tập đi. Mẹ con tần tảo nương bãi nuôi nhau, nghèo quá, không được đi học chữ. Nên với tôi, đây là cơ hội tốt để được đi học… Câu chuyện giữa chúng tôi chợt phấn chấn. Chẳng phải giấu diếm, che đậy niềm khổ đau. Học viên Lưu Văn Thành, 58 tuổi, kể: Ở nhà, các con nó cũng dạy chữ cho bố. Nhưng chỉ được một lúc là nó mắng, tôi tự ái bảo “Mù chữ cũng là thằng bố chúng mày”. Giận nhau ít bữa, bố con lại làm lành. Con gái, con rể đề nghị địa phương cho tôi đi cai nghiện ma túy. Hôm rồi vào thăm, biết bố đang học xóa mù chữ, chúng nó phấn khởi treo thưởng: Tốt nghiệp, chúng con sẽ đến tặng hoa cho bố.

Học viên Trần Văn Thịnh góp vui bằng câu chuyện nhẹ nhàng: Hôm bị bắt do đang sử dụng ma túy, thấy tôi không ký biên bản, cán bộ cho rằng tôi chống đối nên gọi mấy ông hàng xóm của tôi đến, ai cũng xác nhận bằng một câu rất chua xót: “Thằng này mù chữ thật”. Vậy là lăn tay, vào Cơ sở và được học văn hóa.

Giờ học mới lại bắt đầu. Tiếng ê a tập đọc vang lên khàn đặc. Cái âm hưởng độc lạ ấy đã trở thành quen thuộc ở nơi bao con người đang cùng nhau sửa chữa lỗi lầm. Cái chữ, “nó” là một thứ ánh sáng văn hóa giúp mỗi người nhận diện, hiểu đầy đủ hơn về tác hại của ma túy, giúp những người lầm lỗi cơ hội hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

(Tên các học viên đã được thay đổi)