Xuân đến sớm trên những xóm bản người Mông

13:28, 11/02/2021

Ở những xóm, bản người dân tộc Mông huyện Võ Nhai, mùa Xuân dường như đến sớm hơn khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với đồng bào đem lại hiệu quả thiết thực. Tiếng khèn, tiếng sáo, điệu múa của chàng trai, cô gái Mông hòa quyện với hoa đào, hoa mận bung nở làm cho mùa Xuân nơi đây thêm ấm áp.

Những ngày cuối năm Canh Tý 2020, khi những nụ đào hé nở trên những cánh rừng báo hiệu mùa Xuân đã về, đồng bào các dân tộc Võ Nhai tất bật hoàn tất công việc chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Anh Lầu Văn Cường, xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung, cũng tất bật hoàn tất những phần việc cuối cùng để kịp khánh thành căn nhà sàn mới của gia đình đến kịp đón Tết Nguyên đán. Sau nhiều năm dành dụm, gia đình anh đã có thể cất được ngôi nhà sàn mới, rộng trên 80m2 để thay thế cho căn nhà tạm. Anh Cường chia sẻ: Được sự hỗ trợ của Nhà nước cho vay vốn va tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, gia đình tôi phát triển kinh tế tổng hợp chăn nuôi, trồng trọt và ngày một khấm khá hơn trước nên mới đủ tiền dựng căn nhà mới. Dù còn khó khăn nhưng chắc chắn gia đình tôi đón Tết này đầm ấm hơn những năm trước.

Cách không xa vùng đất “tam lũng” (Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài, xã Thượng Nung), người dân tộc Mông xóm Mỏ Chì (Cúc Đường) cũng tất bật chuẩn bị Tết. 10 năm trước, 100% hộ dân Mỏ Chì là hộ nghèo. Đến nay, tuy cả xóm vẫn còn 62 hộ nghèo trong tổng số 152 hộ (chiếm hơn 40%) nhưng đời sống của bà con cơ bản đã khấm khá hơn, không còn nhà nào thiếu ăn, đứt bữa. Người dân Mỏ Chì thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của Nha nước giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất cây trồng và đặc biệt là được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hàng chục hộ dân Mỏ Chì đầu tư bò, trâu, lợn nuôi thương phẩm thành công đã không chỉ mở ra cơ hội thoát nghèo mà còn giúp một số hộ làm giàu như gia đình các ông: Lý Văn Nùng, Hoàng Văn Ninh, Hoàng Văn Tám… Hiện, toàn xóm Mỏ Chì còn dư nợ ngân hàng khoảng 2 tỷ với gần 50 hộ vay từ 20 triệu đến gần 100 triệu đồng nhưng không có nợ xấu, người dân vay vốn đều sử dụng hiệu quả và trả nợ đúng hạn.

Cho thu nhập khá, nghề trồng mía làm đường phên góp phần đáng kể giảm số hộ nghèo trong xóm Lân Vai, xã Dân Tiến từ 60% năm 2015 xuống còn 37% năm 2020.

Bên cạnh chăn nuôi, cả xóm có 30 hộ mạnh dạn đầu tư tiền thuê từ 3-7 sào ruộng của bà con trong vùng để trồng lúa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, bà con Mỏ Chỉ có thể thu hoạch từ 3 đến 4,5 tạ lúa mỗi sào. Qua đó, đã có nhiều hộ thoát nghèo. Ông Ngô Văn Chú, Trưởng xóm Mỏ Chì cho biết: Cũng nhờ sự hô trợ của Nhà nước, trong 2 năm gần đây, xóm mở được 2 con đường rộng 3m, dài 1,2 km trong đó, Nhà nước đã hỗ trợ đổ bê tông 1,2km nên việc đi lại của bà con đã thuận lợi hơn rất nhiều. 100% trẻ em trong độ tuổi được ra lớp đầy đủ, học sinh bỏ học giữa chừng gần như không còn. Các mặt hàng nông sản bán được giá cao hơn so với trước.

Toàn huyện Võ Nhai hiện có trên 1,4 nghìn người dân tộc Mông sinh sống chủ yếu tại 12 khu, xóm. Trong đó, 7 xóm có 100% là đồng bào Mông, còn lại là các khu người Mông sống xen kẽ với các dân tộc khác. Ông Nguyễn Việt Hưng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Võ Nhai cho biết: Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” tại huyện Võ Nhai đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp đời sống của đồng bào ơ các xóm, bản ngày càng no ấm hơn…

Huyện đã giải ngân trên 23 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện 8 tuyến đường bê tông vào các xóm, bản có đông đồng bào Mông sinh sống, xây dựng 3 nhà văn hóa xóm, xây dựng lớp học; hô trợ các hộ vay vốn chăn nuôi trâu, bò, trồng cây ăn quả, hỗ trợ ngô giống, phân bón cho các hộ trồng ngô. Huyện còn triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ muối iốt phòng, chống bướu cổ cho người dân vùng dân tộc và miền núi; chính sách bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ cho học sinh; chính sách cử tuyển, chính sách bảo tồn di sản văn hóa theo quy định của Nhà nước.