Nơi này nặng lắm niềm thương

Cao Nguyên 12:27, 21/01/2024

Họ không chạy trốn cuộc đời. Cuộc đời cũng không từ chối họ. Họ là những người bệnh tâm thần thể kích động đặc biệt nặng. Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trở thành mái ấm chở che cho những phận đời khiếm khuyết về trí tuệ. Bởi lẽ ấy, nhiều người khi vào thăm Trung tâm đã thảng thốt: Nơi này nặng lắm niềm thương.

Các bệnh nhân tâm thần ngồi với nhau, nhưng... chẳng có chuyện gì để nói.
Các bệnh nhân tâm thần ngồi với nhau, nhưng... chẳng có chuyện gì để nói.

Chiều cuối năm, da thịt như có kim châm, gai chọc vì buốt lạnh. Bệnh nhân các khoa nam, nữ không nằm yên trong chăn ấm. Họ chụm lại thành từng nhóm, cùng đốt lên những đống lửa nhỏ để hong tay, hơ người và nói những gì mình thích, hát những câu mình thuộc, hoặc nhìn than lửa với cái đầu trống rỗng.

Anh Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh (gọi tắt là Trung tâm), chia sẻ: Các bệnh nhân đều cảm nhận được ngày Tết đang về rất gần. Họ thích Tết, ngoài được ăn ngon hơn còn được tham gia các trò chơi: Kéo co, tung còn, đập niêu, đẩy gậy, cầu lông, bóng chuyền… và được lãnh đạo Trung tâm lì xì.

Cũng như các cơ sở bảo trợ xã hội công lập trên cả nước, dịp Tết Nguyên đán hằng năm, Trung tâm tổ chức cho bệnh nhân ăn Tết 5 ngày, trong đó có 2 ngày trước Tết và 3 ngày Tết. Các chế độ về dinh dưỡng cho bệnh nhân được cấp phát theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Cũng trong dịp Tết, những bệnh nhân ổn định thể trạng tâm thần, gia đình có nhu cầu đón về đều được Ban Giám đốc tạo điều kiện. Tuy nhiên việc “người về, kẻ ở” cũng làm xáo trộn tâm lý của không ít bệnh nhân.

Nhiều bệnh nhân cũng nhận thức rõ: Nếu về nhà mình có thể gây tai họa cho người thân và xã hội. Ông Trần Tuấn Khang kể: 60 tuổi đời, nhưng tôi đón hơn 40 cái Tết ở các trung tâm. Người thân không ai dám đón vì trông thấy tôi ai cũng sợ ăn đòn... Còn anh Hoàng Văn Thịnh thì bảo, khi đang là sinh viên Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), tôi đã chém mẹ đẻ. Bị công an bắt, tôi thành khẩn khai báo là mình đã chém chết một con yêu tinh, trừ hại cho dân làng.

Góp chuyện, bà Lê Thị Điệp cười khà khà làm lộ hàm răng mẻ: Tôi vào Trung tâm này từ những ngày đầu thành lập (năm 1993). Khi đó toàn đồi cỏ guột, buồn lắm, nhưng tôi không trốn. Vì đi lang thang ngoài đường rồi bị người ta đánh, dọa nạt…

Những người đàn bà “vui vẻ”.
Những người đàn bà “vui vẻ”.

Được biết năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận 96 lượt đối tượng tự nguyện, 3 lượt đối tượng quyết định và 1 trường hợp tiếp nhận khẩn cấp. Trong năm Trung tâm cũng đã điều trị cho 341 lượt đối tượng, đạt 162% kế hoạch trên giao. Có 27 lượt đối tượng đi điều trị tại các bệnh viện tuyến trên; 252 lượt đối tượng đi khám tiểu đường, tăng huyết áp tại bệnh Viện A. Trung tâm đang quản lý, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho 253 đối tượng.

Anh Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm, nói với chúng tôi đầy suy tư: Cực nhất là 40 bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, suy nhược cơ thể không tự phục vụ được bản thân, thường xuyên phải có người chăm sóc, giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người bị mắc các bệnh nền khác phải chuyển tuyến trên điều trị. Trong thời gian bệnh nhân nằm nội trú thì chúng tôi là người nhà chăm nom phục vụ 24/24 giờ/ngày.

Mỗi bệnh nhân một bệnh án, có người bị tâm thần bẩm sinh, suốt cuộc đời khóc cười trong vô thức. Nhưng nhiều người mắc chứng tâm thần vì thất bại trong cuộc sống, suy nghĩ quá nhiều đến phát điên. Những năm gần đây có thêm bệnh nhân do nghiện games, nghiện ma túy… Nên trước lúc vào Trung tâm có người là giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, bí thư đoàn thanh niên, giám đốc doanh nghiệp, học sinh, sinh viên… Họ tự hào về quá khứ, sống bằng quá khứ nên thường kể đi kể lại đến nhàm chán về câu chuyện của mình. Bởi chỉ có như thế lòng họ được thanh thản, nhiều khi anh chị em cán bộ trong Trung tâm phải ngồi đó lắng nghe những câu chuyện vô bổ, song phải thể hiện mình rất tâm đắc.

Nếu ở bên ngoài bờ rào Trung tâm, sẽ không ai biết đây là những bệnh nhân tâm thần. Tất cả họ đều hiền lành như chưa từng gây tai họa. Họ cùng hút chung điếu thuốc, véo mời nhau điếu thuốc lào và trêu chọc nhau như đám trẻ. Họ khoe: Tết Nguyên đán được ăn bánh chưng, giò, chả và bánh kẹo. Tết Trung Thu được chơi các trò chơi như: Bịt mắt bắt vịt, đi cầu khỉ, làm đèn Trung Thu, trang trí mâm cỗ Trung Thu… sướng rên người.

Rèn luyện thể dục thể thao giúp người bệnh nâng cao thể lực, tinh thần thoải mái.
Rèn luyện thể dục thể thao giúp người bệnh nâng cao thể lực, tinh thần thoải mái.

Bác sĩ tâm thần chuyên khoa I, anh Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng khoa điều dưỡng Người có công, chia sẻ: Bệnh nhân có được tinh thần tỉnh táo là bởi ngoài có chế độ dinh dưỡng tốt, thuốc chữa bệnh tốt, phương pháp điều trị tốt còn có liệu pháp tâm lý tốt. Quan trọng là cán bộ Trung tâm gần gũi nhiệt tình, trách nhiệm, tạo cho người bệnh cảm nhận được mình cũng là một con người.

Để làm được điều này, từ các khoa, phòng chuyên môn đã thường xuyên tiến hành khám, theo dõi sát diễn biến bệnh của từng đối tượng. Trên cơ sở đó đưa ra được phác đồ điều trị, chế độ chăm sóc phù hợp đối với từng bệnh nhân.

Đặc biệt, Ban điều trị và Phục hồi chức năng không sử dụng thuốc đã xây dựng, thực hiện điều trị theo phác đồ tích cực, bằng cách phân loại đối tượng theo nhóm, tổ chức cho đối tượng tham gia lao động trị liệu phù hợp với thể trạng sức khỏe từng người, như tổ chức cho bệnh nhân lao động liệu pháp; sinh hoạt nhóm với các nội dung âm nhạc trị liệu; xem chương trình ti vi; can thiệp bằng hóa dược kết hợp với tâm lý liệu pháp; tập máy; tập thể dục, thể thao... Qua đó giúp các bệnh nhân nâng cao được thể chất, tinh thần thoải mái, tích cực tham gia các hoạt động chung như vệ sinh môi trường nơi ăn, ở, tham gia trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Những lúc tỉnh táo, tất cả họ đều khát khao trở về với gia đình, xã hội. Nhưng họ cũng biết chỉ có ở Trung tâm mới thật sự là mái nhà đủ lớn, có những con người mang lòng bao dung, chia sẻ, chở che, chăm lo cho họ từng bữa ăn, giấc ngủ, và họ được sống như một con người. Cảm thông với những phận đời không may mắn, nhất là khi trực tiếp nghe họ kể về “chiến tích” đánh người thân, đập phá tài sản, bỏ nhà đi lang thang, sống bằng cách ăn xác động vật chết ném ngoài bãi rác... thì thực sự xót xa lắm, và càng thấy nơi này nặng lắm niềm thương.