Tâm thần - căn bệnh phổ biến của xã hội hiện đại

Văn Hiến 15:36, 29/10/2023

Tâm thần là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng và bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thái Nguyên hiện có gần 3.400 người mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, do nhận thức hoặc định kiến mà nhiều người mất đi cơ hội được thăm khám và điều trị kịp thời. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới số ca bệnh tâm thần ngày càng tăng, để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh, gia đình và cộng đồng.

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều chính sách chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh tâm thần, trẻ tự kỷ - ảnh minh họa.
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều chính sách chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh tâm thần, trẻ tự kỷ - ảnh minh họa.

Bệnh tâm thần hay còn gọi là rối loạn sức khỏe tâm thần, gây ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ thời thơ ấu cho đến những năm tháng trưởng thành, gây nên ảnh hưởng tạm thời hoặc lâu dài.

Người bệnh tâm thần có thể mắc hội chứng suy nhược, như: Rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon, mệt mỏi, không quan tâm bản thân; luôn muốn cách ly với xã hội, giảm giao tiếp, thời gian ở trong phòng một mình nhiều hơn; suy giảm hiệu suất làm việc và học tập; lời nói khác lạ, bí hiểm; thay đổi về hành vi; ý nghĩ kỳ lạ cho rằng mình ở thế giới khác, mình là người cõi trên, cho rằng thức ăn có độc, có ai đó muốn hại mình; có người vui vẻ quá mức, múa hát, làm duyên, đập phá…

Thêm nữa, cuộc sống ngày càng có thêm nhiều áp lực, như: Công việc gia tăng, học hành căng thẳng, biến đổi trong đời sống cá nhân, môi trường xã hội phức tạp... cũng có thể là yếu tố gây bệnh tâm thần. 

Theo thống kê của Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia, tỷ lệ người Việt Nam có khả năng mắc bệnh tâm thần một lần trong đời là 15-20% dân số. Trong đó, trầm cảm chiếm tới 6% dân số, các rối loạn lo âu chiếm hơn 10%, tâm thần phân liệt 1%, rối loạn cảm xúc chiếm 1%, còn lại là người nghiện rượu, ma túy, game online... với tổng gần 300 mã bệnh khác nhau.

Việc kỳ thị người bệnh mắc rối loạn tâm thần hay không chấp nhận các chẩn đoán rối loạn tâm thần dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình chẩn đoán, điều trị hoặc gia đình, người bệnh tìm đến các phương pháp điều trị cực đoan như cung tế, tự điều trị bằng thuốc đông y, tây y tại nhà. Cùng với đó là phần lớn người dân chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần từ cơ sở, nên khi đến cơ sở y tế tuyến cao hơn thì bệnh đã nặng.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 3.400 người mắc bệnh tâm thần cần phải điều trị toàn diện. Trong khi nguồn ngân sách chỉ đáp ứng điều trị, chăm sóc 24/24 giờ được gần 400 bệnh nhân tại Trung tâm Phục hồi tâm thần kinh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Số bệnh nhân còn lại vẫn ở ngoài xã hội, do các gia đình tự quản lý, chăm sóc, chi trả kinh phí điều trị.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 04/KH-UBND về thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễm tâm trí, giai đoạn 2021-2030, dành các nguồn lực cho công tác này. Song, để công tác trợ giúp người bệnh tâm thần hiệu quả, toàn diện hơn, cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nhận thức, hợp tác, chia sẻ của người bệnh, gia đình, cộng đồng.

Để giảm thiểu số bệnh nhân tâm thần mắc mới và không để bệnh nhân tâm thần chuyển nặng, ngành Y tế đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, điều hành, phối hợp và huy động nguồn lực xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; nâng cao sức khỏe tâm thần và dự phòng các rối loạn tâm thần; củng cố năng lực và tính hiệu quả của nguồn nhân lực sức khỏe tâm thần về dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội đối với người có rối loạn tâm thần; củng cố hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần để cung cấp dịch vụ y tế và xã hội toàn diện, lồng ghép và dựa vào cộng đồng...

Theo kết quả khảo sát mới đây của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước có 398/649 bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh tâm thần. Trong số đó, chỉ có 59 cơ sở tuyến huyện tổ chức khám, chữa bệnh nội trú cho người bệnh tâm thần. Cả nước có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần, nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu chuyên tư vấn, điều trị bệnh nhân tâm thần.