Vẫn “nóng” tình trạng nợ bảo hiểm

Nguyễn San 09:15, 29/10/2023

Gần đây, việc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên công bố danh sách các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Mặc dù câu chuyện về nợ bảo hiểm lâu nay vẫn được xem là vấn đề “xưa như trái đất”, nhưng ở lần công bố này, điều đáng nói là số lượng lên tới trên 460 đơn vị.    

Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bảo hiểm Xã hội tỉnh.
Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

Chính xác con số DN nợ bảo hiểm tính đến 30/9/2023 trên địa bàn tỉnh là 464 đơn vị. Có thể nói, đây là một trong số ít lần Bảo hiểm xã hội tỉnh công bố danh sách nợ bảo hiểm với số lượng lớn như vậy. Tổng số tiền nợ đọng cũng lên tới trên 31,5 tỷ đồng - một con số đáng lưu tâm.

Theo thống kê, có gần 3.700 lao động chưa được chủ DN đóng bảo hiểm, với số tháng quá hạn dao động từ 3 đến 21 tháng. Cá biệt, có DN chậm nộp đến 66 tháng mà chưa có giải pháp khắc phục. Số tiền chậm nộp của hầu hết DN không quá lớn, từ một vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, nhưng cũng có DN nợ hàng tỷ đồng, điển hình như: HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công (trên 2,6 tỷ đồng), Công ty May Thành Hưng (trên 2 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet (trên 1,7 tỷ đồng), Công ty TNHH bao bì Anh Dương (trên 1,4 tỷ đồng)…

Không ít DN nợ đọng bảo hiểm khi được hỏi thay vì lo lắng, ái ngại vì bị công khai khoản nợ thì lại tỏ ra bình thản. Họ cho rằng, những năm trước kinh tế thuận lợi, đời sống DN khấm khá, nhiều đơn vị vẫn phải nợ bảo hiểm, huống chi năm nay, kinh tế khó khăn sau thời kỳ dịch COVID-19.

Không ít chủ DN chia sẻ, năm 2023, nếu DN nào duy trì được việc làm ổn định, không phải cắt giảm lao động, trả lương đầy đủ, đúng hạn cho công nhân đã là nỗ lực rất nhiều. Bởi vậy, nếu có chậm đóng bảo hiểm một số tháng cũng là điều dễ hiểu.

Ngay như nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, không phải DN nào cũng hoàn thành đúng hạn. Thống kê của Cục Thuế tỉnh cho thấy, tính đến 30/9/2023, cả tỉnh có 47 DN nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước. Trong đó, cao nhất có DN nợ tới trên 49 tỷ đồng…

Các nhà phân tích cho rằng, năm 2023 kinh tế có nhiều khó khăn, cộng đồng DN phải gồng mình để trụ lại trên thị trường. Chính quyền các địa phương cũng phải tăng cường nhiều giải pháp nhằm nỗ lực hoàn thành những chỉ tiêu kinh tế quan trọng.

Xã hội đều thông cảm và chia sẻ với những khó khăn mà cộng đồng DN đang gặp phải. Tuy nhiên, bảo hiểm là quyền được hưởng, là lợi ích sát sườn và quan trọng đối với mỗi người lao động. Thực tế đã chứng minh, rất nhiều trường hợp người lao động gặp rủi ro hoặc nghỉ chế độ, nghỉ đột xuất nhưng không được hưởng đầy đủ quyền lợi từ bảo hiểm do chưa được chủ DN thực hiện nghĩa vụ với cơ quan bảo hiểm. Không ngoại trừ có những DN lợi dụng việc chậm nộp hoặc không nộp tiền bảo hiểm cho người lao động để trục lợi.

Việc chủ DN đóng bảo hiểm chính là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của người lao động đã được pháp luật quy định. Đối với những trường hợp chây ì, chậm nộp kéo dài, dư luận cho rằng cần phải có chế tài mạnh hơn để đảm bảo công bằng không chỉ đối với người lao động, mà còn cả cộng đồng DN.