Hơn cả tình thân

Cao Nguyên 12:34, 29/10/2023

Sau nhiều năm chạy chữa không khỏi, tần suất lên cơn tăng, họ không còn kiểm soát được hành động của bản thân: Đánh người, đốt nhà, đập phá... Căn bệnh tâm thần khiến họ trở thành “đối tượng” mất an toàn cho xã hội. Thế rồi họ vào Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên...

Bệnh nhân tham gia lao động cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Bệnh nhân tham gia lao động cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Lúc tỉnh táo, bệnh nhân tâm thần kinh hoạt bát, nhanh nhẹn, thiện lương như bao con người trong xã hội. Nhưng khi lên cơn, không ít người trở nên hung hãn, không phân biệt phải trái, xuống tay với bất cứ ai, ngay cả người thân... 

Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên trở thành “cái giỏ” gom lại những phận đời éo le như vậy, để điều dưỡng, phục hồi chức năng tâm thần kinh, đúng như cái tên của nơi này.

Hiện, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho 256 bệnh nhân tâm thần. Trong số đó có 63 trường hợp bị tâm thần mãn tính, kèm theo nhiều bệnh nền khác như: Đái tháo đường, huyết áp, tim mạch. Nhiều trường hợp đau ốm triền miên phải chăm sóc cấp độ 1.

Công việc vất vả, nhiều khi không an toàn vì bệnh nhân có thể lên cơn kích động bất cứ lúc nào, nhưng vì nhiệm vụ, vì tình yêu thương con người, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không rời bỏ vị trí, động viên nhau gắn bó cuộc đời mình với những phận đời bị xã hội xa lánh.

Không như định kiến của tôi, bên trong Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên giống như một an dưỡng đường. Từng nhóm người ngồi tán gẫu, đánh cờ tướng, tập thể dục, lao động tăng gia hoặc ngồi lặng lẽ nhìn về miền quá vãng…

Họ đang rất tỉnh táo. Tôi biết thế nên nấn ná lại gần, chợt nhận ra trong lòng những bệnh nhân ở đây rất thèm khát được chia sẻ. Bệnh nhân Trần Văn Tuấn kể: Tôi đã có hơn 30 năm ở trong Trung tâm. Tôi từng đánh cán bộ vì nghĩ họ giam giữ mình như một người tù. Mãi sau này tôi mới biết mình sai... Ngồi cạnh đó, ông Hoàng Trung Kiên giơ tay xin được "phát biểu": Tôi có hơn 40 năm ăn cơm ở các trung tâm tâm thần. Riêng ở Trung tâm này tròn 30 năm. Tôi đã nhiều lần đánh người thân của mình nhập viện...

Theo như bệnh án: Trong số những bệnh nhân ở Trung tâm, có nhiều người bị tâm thần bẩm sinh, nhưng cũng có những người từng là giáo viên dạy giỏi, sinh viên xuất sắc, kỹ sư kinh tế, kỹ sư nông nghiệp, bác sĩ… Vì nhiều lý do không mong muốn, họ trở thành người điên khùng, không kiểm soát được hành động của bản thân. 

Giờ tập luyện thể thao tại khu nội trú bệnh nhân nam.
Giờ tập luyện thể thao tại khu nội trú bệnh nhân nam.

Vào Trung tâm thăm con trai, ông Lục Văn Bình kể: Vợ chồng có 1 con. Năm lên 10, thấy cháu không bình thường, tôi mù mờ nhận ra những biểu hiện của người mắc chứng bệnh tâm thần, nhưng cố giấu vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của cháu. Nhưng càng lớn, bệnh càng nặng, nhiều lần tôi phải xích cháu vào cũi. Sau này biết ở Trung tâm có liệu pháp điều trị phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân, tôi mới dám gửi cháu vào đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Trung tâm là đơn vị bảo trợ xã hội đầu tiên ở các tỉnh miền Bắc thực hiện việc đấu thầu thuốc chữa bệnh, vật tư y tế và cung cấp lương thực, thực phẩm. Việc đấu thầu công khai đã mời gọi được nhà cung cấp uy tín, chất lượng, trong nội bộ cũng tránh được các hiện tượng tiêu cực phát sinh. Về công tác điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng được Trung tâm thực hiện theo phác đồ phù hợp với thể trạng từng trường hợp. Từ đó bệnh nhân khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, tích cực tham gia các hoạt động do Trung tâm tổ chức.

Thả bộ qua các khoa, phòng, khu ăn, ở, lao động, vui chơi giải trí, tập luyện thể thao dành cho bệnh nhân, tôi bất ngờ khi thấy những con người từng hóa điên hóa khùng ở ngoài xã hội lại rất đỗi hiền lành. Họ thích uống trà, hút thuốc và trò chuyện. Họ hăng hái tham gia lao động, tăng gia cải thiện bữa ăn; chơi cờ tướng, vệ sinh môi trường…

Tất cả các hoạt động được Trung tâm tổ chức có nền nếp. Một số người khỏe mạnh được phân công giúp đỡ người đau yếu; hoặc tham gia cùng nhà bếp dọn dẹp, chia cơm.

Điều dưỡng viên Phạm Thị Luyến nói: Bệnh nhân nào cũng thế, khi tỉnh táo họ thường mặc cảm với căn bệnh tâm thần kinh của mình. Họ sợ nhất khi nói đến từ “điên, rồ, chập mạch”. Nắm bắt được tâm lý này, cán bộ Trung tâm luôn nhắc nhở nhau tận tâm, tận lực, cố gắng hết mình để chia sẻ, giúp bệnh nhân nguôi quên những gì không nên nhớ. 

Anh Trần Đình Tân, Khoa Phục hồi chức năng, kể: Trị bệnh cho người mắc chứng tâm thần kinh, ngoài cơm đủ no, áo đủ ấm, thuốc uống đều đặn còn cần liệu pháp tâm lý nên chúng tôi luôn gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với bệnh nhân.

Trở lại phòng làm việc của Giám đốc Trung tâm, anh Hiếu nói rủ rỉ đủ cho tôi nghe: Trong cuộc đời có những thứ không thể đong, đếm và tiền bạc nhiều đến mấy cũng không thể đổi, mua được, đó là tâm hồn con người. Với những phận đời éo le như bệnh nhân tâm thần, chúng tôi luôn động viên nhau khắc phục khó khăn, bảo đảm cho bệnh nhân được ăn, ở sạch sẽ và điều trị tốt.

Giản đơn vậy thôi, nhưng tôi chắc chắn chỉ ở nơi có những con người mang trái tim nhân hậu, biết sẻ chia mới làm được.