Xứ Đoài, vùng địa linh xưa

10:19, 21/11/2007

Lấy kinh đô Thăng Long làm trung tâm thì vùng đất phía tây kinh thành là xứ Đoài. Xứ Đoài xưa gồm vùng đất rộng lớn. Từ Cầu Giấy, chạy theo đường Đê La Thành lên đường Lạc Long Quân qua sông Hồng đến Phúc Yên hất lên phía tây tới tận Hưng Hóa.

Lại cũng từ Cầu Giấy xuôi theo đường Láng đến Ngã Tư Sở chạy theo đường 6 đến thị xã Hà Đông hất qua vùng Quốc Oai, Hòa Lạc bây giờ. Ấy là xứ Đoài. Ở đây trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ giới thiệu vùng đất chạy theo quốc lộ 32 gồm các quận, huyện: Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng và tỉnh Sơn Tây cũ với một phần tỉnh Phú Thọ thôi. Thành cổ Sơn Tây ngày nay là thủ phủ xứ Đoài.

Vậy là xứ Đoài đã ôm cả ba dòng sông lớn: Sông Đà, sông Thao và sông Lô. Ngã ba Hạc là nơi hợp thành của ba sông để tạo nên nơi tụ thủy ở đầu sông Cái, con sông tạo dựng thành vùng châu thổ trù phú với một nền văn minh rực rỡ: Văn minh sông Hồng. Núi Ba Vì không chỉ là ngọn núi huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh mà còn là ngọn núi linh của xứ Đoài, của nước Đại Việt ta. Chả vậy, vua nhà Đường đã cử vị tướng kiêm thầy phù thủy Cao Biền sang triệt long mạch nước Nam để nước Nam không thể phát vương. Vua Đường chỉ dụ cho thầy phù thủy Cao Biền phải đào 100 chiếc giếng ở chân núi Ba Vì. Vua Đường ví núi Ba Vì là một cái đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt vào phương Nam tức dải Trường Sơn ngày nay. Cứ theo ý của vua Đường suy ra thì đuôi rồng vào đến tận cực nam Trung Trung bộ. Và đất xứ Thanh Nghệ ở đúng lưng rồng. Nhưng trời không dung, đất không tha ý đồ xấu xa của đạo quân xâm lược nên Cao Biền cứ đào được gần xong cái giếng nào, cái giếng ấy đều bị sập. Quân của Cao Biền chết vì sập giếng, vì rừng thiêng nước độc, ruồi vàng, bọ chó không biết bao nhiêu mà kể. Cao Biền đành bỏ cuộc, chạy về xây thành Đại La. Mặc dù Cao phù thủy đã yểm rất nhiều tiền vàng nhưng cứ xây đến đâu thành đổ đến đó.

Xứ Đoài không chỉ có núi Ba Vì, có đất tụ thủy của ba sông mà còn có thêm hai con sông nữa chảy qua. Ấy là sông Tích và sông Đáy. Sách Đại việt sử ký toàn thư còn ghi, năm 1010, vua Lý Thái Tổ đi kinh lý phía tây. Thuyền rồng của đức vua đến khúc sông Cù (một đoạn của sông Đáy) phía tả ngạn là làng dừa Yên Sở, hữu ngạn là vùng núi thập bát gồm 18 ngọn núi đá vôi thuộc các xã: Sài Sơn, Phượng Cách, Yên Sơn, Hoàng Ngô mà người đời vẫn gọi là "vịnh Hạ Long cạn". Ngài thấy tâm thần sảng khoái, rung động. Đức vua sai bày hương án ra mạn thuyền rồng. Ngài thắp hương khấn rằng: "Trẫm thấy nơi đây sơn kỳ thủy tú (núi lạ sông đẹp) ắt có nhân kiệt địa linh, xin hưởng lễ này". Khấn xong, đức vua rót ba chén rượu đổ xuống sông.

Có lẽ hiếm có đất nào ở nước ta được như đất xứ Đoài. Bởi ở xứ Đoài có làng cổ Đường Lâm, đất hai vua: Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) và Ngô Quyền. Kế tục sự nghiệp của bố vợ là Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đánh đuổi giặc Nam Hán, giữ vững nền độc lập. Ngài là người đầu tiên nghĩ ra cách đánh đóng cọc xuống dòng sông để chôn vùi xác giặc ở cửa sông Bạch Đằng. Phía trên làng cổ Đường Lâm vài kilômét còn có mộ cụ Man Thiện, thân mẫu của hai vua bà: Trưng Trắc và Trưng Nhị. Lịch sử nước Việt ta hiếm có trang sử nào đẹp như cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, một đêm giải phóng 65 thành trì của Hai Bà Trưng.

Nói đến xứ Đoài, không thể không nhắc đến những người thợ mộc làng Chàng. Chính họ đã dựng chùa Tây Phương và tạc tượng La Hán cho làng mình, quê mình. Họ cũng được triều đình tin cậy giao cho làm Văn Miếu Quốc Tử Giám và chùa Kim Liên ở Hà Nội.


Cách chùa Tây Phương không xa về phía đông là chùa Thầy với sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh và dòng họ Phan Huy nổi tiếng. Cụ tú kép Phan Huy Chú đã để lại cho đời bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Ở chùa Thầy còn để lại dấu tích hai cột trò vảy với vết rìu của vị thiền sư. Trước cửa chùa có hai cái cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Các học giả xưa như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú và Quốc sử quán triều Nguyễn đều đánh giá cụ là một nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, kinh tế, quân sự ngoại giao kiệt xuất. Nói đến xứ Đoài xưa không thể không nhắc đến hai danh thần nổi tiếng làm quan đồng triều là Tô Hiến Thánh quê ở Đại Mỗ và Đỗ Kính Tu quê ở Vân Canh. Đỗ Kính Tu còn được ban quốc tính họ Lý. Ở Vân Canh còn một tôi trung chỉ thờ một chủ thể hiện tinh thần bất hợp tác với triều đại khác là Lý Trần Quán. Ông nhờ người đào huyệt, hạ quan tài xuống, rồi mặc triều phục nằm vào quan tài, đậy nắp lại, đắp đất lên...