Thành cổ Luy Lâu, nơi lưu giữ giá trị lịch sử và văn hóa

17:40, 24/08/2010

Men theo con sông cổ vẫn được gọi là sông Dâu (nằm trên địa phận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), du khách sẽ đến với thành Luy Lâu, nơi được coi là kinh đô thứ hai của nước ta sau Cổ Loa, là trung tâm văn hóa, giáo dục của đất nước từ thế kỷ thứ II.

Trên con đường lổng chổng gạch vụn nằm tiếp giáp với sông Dâu. Khung cảnh làng quê Kinh Bắc yên ả, thanh bình với đàn vịt khua chân trên sông, với rặng bạch đàn rì rào đón gió. Nếu không am hiểu về vùng đất này thì ít ai ngờ rằng, vùng đất đầy vẻ nguyên sơ và bình dị ấy lại mang trong mình những giá trị lớn về văn hóa và lịch sử.

 

Thành Luy Lâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành ngày nay. Qua nhiều lần khảo cổ, các nhà khoa học phát hiện nhiều hiện vật có giá trị và đã đưa ra đánh giá: Trước đây, chúng ta vẫn coi Luy Lâu là sở lị của chế độ phong kiến Bắc Thuộc, nhưng thực chất, đây còn là một đô thị cổ diễn ra nhiều hoạt động phong phú của người Việt.

 

Không chỉ thời nay, giá trị thành cổ Luy Lâu mới được biết đến, mà trước đây, sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã nêu cao vai trò của người xây dựng nên thành Luy Lâu: "Sử thần Ngô Sỹ Liên đánh giá: "Nước ta được thông thi thư, tập lễ nhạc là một nước văn hiến là bắt đầu từ Sỹ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà có thể truyền mãi đời sau…". Với giá trị lịch sử to lớn, nhà nước đã sớm nghiên cứu và công nhận thành Luy Lâu là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1964.

 

Mặc dù thành Luy Lâu có từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, đã qua nhiều thăng trầm, chịu sự tàn phá của thiên nhiên, con người, nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích cổ.

 

Bờ thành bằng đất còn cao khoảng 1-2m, mặt thành rộng 1,5m. Trong khu vực thành còn đền, mộ, chùa, tứ trấn (4 gò đất nhô cao lên so với mặt thành). Đặc biệt, di tích cổ vẫn còn tồn tại từ thế kỷ thứ 2 chính là chiếc cầu đá, lối đi vào đền thờ Sỹ Nhiếp.

 

Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, thành cổ Luy Lâu có sự phát triển thăng trầm, vừa là cái nôi của Phật giáo, vừa là nơi tiếp cận tư tưởng Nho giáo, với mối liên hệ chặt chẽ với các mục tiêu đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc từ thời kỳ Tây Hán đến thời kỳ nhà Đường, qua các triều đại nhà Ngô năm 226, nhà Tấn năm 280, nhà Tùy năm 589, nhà Đường năm 618. Chính quyền đô hộ phong kiến cho xây đắp các thành lũy lớn, chắc chắn và những giáo đường. Cũng thời kỳ này, Nho giáo được truyền bá vào nước ta. Ngay từ buổi đầu Công nguyên, các thái thú Tích Quang, Nhâm Diên và sau này, nhiều nho sỹ người Hán có tài được chính quyền phương Bắc cử sang xứ Giao Chỉ để truyền bá Nho giáo, nhất là thời kỳ Sỹ Nhiếp làm thái thú xứ Giao Chỉ. Việc truyền giáo như vậy gắn liền với nhu cầu xây dựng và mở các trường dạy học và tu vấn Hán học. Hàng loạt các trường được mở ra, trong đó phải kể đến Luy Lâu, Long Biên. Như vậy, chúng ta nhận thấy, Thành cổ Luy Lâu được hình thành với giá trị nguyên thủy của nó gắn với việc truyền giáo đạo Phật đã được sử dụng vào các mục đích khác nhau của các thế lực phong kiến phương Bắc.

 

Qua một số đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều cổ vật quý, dày đặc dưới lớp đất canh tác như: đồ gốm, gạch ngói thời Hán, hàng trăm lò nấu đồng, móng gạch có niên đại sớm và dấu tích của một kiến trúc cổ đã bị cháy… Năm 2006, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh đã có kế hoạch trùng tu, tôn tạo và tới năm 2011 sẽ có hướng bảo tồn cụ thể.