Bình Định được mệnh danh là vùng “đất võ, trời văn”, là quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị lãnh tụ kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn lừng lẫy cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19, từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất giàu tiềm năng du lịch ở khu vực Nam Trung bộ của Việt Nam.
Về miền đất võ
Một trong những dấu ấn nổi bật nhất của mảnh đất Bình Định là hệ thống di sản thời Tây Sơn do “Tây Sơn tam kiệt”, tức ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ để lại từ thế kỉ 18. Những chiến tích oai hùng cũng như sự nghiệp võ công (công trạng trong nghiệp nhà binh) hiển hách của Tây Sơn tam kiệt, mà nổi bật nhất là của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trong quá trình xây dựng nghĩa quân, rèn binh luyện tướng, chinh Nam phạt Bắc… đã tạo nên những trang sử oai hùng cho vùng đất “địa linh nhân kiệt” này.
Để ghi nhận công lao của Tây Sơn tam kiệt, Bình Định đã cho xây dựng Bảo tàng Quang Trung ngay trên quê hương của ba vị anh hùng ở làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 Tết Nguyên Đán, hàng vạn du khách lại đổ về Bảo tàng Quang Trung dự Lễ hội Đống Đa để kỉ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của Hoàng đế Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) và thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa mang đậm tinh thần thượng võ như: biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn, nhạc võ, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng…
Tái hiện hình ảnh vua Quang Trung cưỡi voi xung trận trong Lễ hội Đống Đa tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn
Bình Định được mệnh danh là “đất võ” bởi từ xưa vùng đất này đã nổi tiếng với nhiều lò võ lớn tồn tại ở trong dân chúng. Các lò võ này thừa hưởng những tinh hoa võ học từ thời Tây Sơn, được truyền từ đời nọ sang đời kia theo lối cha truyền con nối và đã sản sinh ra rất nhiều bậc kì tài trong giới võ học Việt
Lễ khai mạc Liên hoan võ thuật cổ truyền quốc tế được tổ chức tại Bình Định |
Để cổ xúy cho phong trào võ học Việt Nam nói chung và võ thuật cổ truyền Bình Định nói riêng, từ năm 2006 Bình Định đã đăng cai tổ chức Liên hoan võ cổ truyền quốc tế nhằm quy tụ hàng nghìn võ sĩ đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới về so tài và cũng là dịp để Bình Định giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch đặc sắc của mình.
Bên cạnh những di sản thời Tây Sơn, Bình Định còn có nhiều di sản văn hóa quý giá có từ thế kỉ thứ 10 do vương quốc Champa cổ xưa để lại. Tại huyện Tây Sơn hiện còn di tích thành Đồ Bàn được xây vào cuối thế kỷ 10, dưới triều vua Yangpuku Vijaya, kinh đô cuối cùng của vương quốc Champa.
Tháp Chăm cổ ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước
Bình Định còn có hệ thống di tích tháp Chăm gồm 14 tháp được xây dựng từ khá sớm vào khoảng thế kỷ 11 - 12, được đánh giá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Các tháp đều được xây dựng hoành tráng với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, họa tiết trang trí tinh tế, sống động. Những ngôi tháp Chăm cổ kính sừng sững giữa đất trời hiện vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Quần thể tháp này hiện đang được trùng tu, bảo tồn để phát huy những giá trị văn hóa Champa, hướng đến việc bình chọn là di sản văn hóa thế giới.
Về Bình Định, du khách sẽ có cơ hội được dạo chơi một vòng qua một vài nơi trong số 54 làng nghề để tận mắt ngắm nhìn các sản phẩm mĩ nghệ độc đáo, tinh xảo; để đi chợ nón Gò Găng họp từ lúc nửa đêm trong ánh đèn dầu tờ mờ; để nếm thử món nem Chợ Huyện có vị chua cay dìu dịu; hay ăn thử chiếc bánh ít lá gai đơn sơ mang hương vị của một làng quê; nếm chút hương vị rượu Bàu Đá nóng hổi thơm nồng…
Ngược lên vùng thượng lưu sông Côn, đến với công trình thủy điện hồ Định Bình, một điểm du lịch mới giữa đôi bờ núi non xanh trùng điệp có mặt hồ như tấm gương xanh phẳng lặng giữa núi rừng. Khung cảnh nên thơ, món ngon của núi rừng, men rượu cần say nồng và giai điệu những bài hát, điệu múa của người Bana bay bổng... tạo cho nơi này nét quyến rũ rất riêng.
Tiềm năng vùng biển
Ngoài những di sản văn hóa cổ, Bình Định còn là địa phương có tiềm năng thế mạnh về du lịch biển. Xuôi quốc lộ 1A, đổ dốc trên quốc lộ 1D (đường Quy Nhơn - Sông Cầu), khi màn đêm buông xuống, biển Quy Nhơn hiện ra trong vầng ánh sáng xanh của vô số ngọn đèn như một bầu trời đầy sao. Hàng ngày, nơi đây có hàng trăm tàu thuyền ra vào neo đậu, cảnh những người ngư dân hồn hậu mải mê phơi lưới hay sửa sang phương tiện để chuẩn bị ra khơi.
Một góc khu Life Wellness Resort Quy Nhơn thuộc khu du lịch
Từ đường Xuân Diệu, hướng tầm mắt ra biển, bên phải thành phố Quy Nhơn, đỉnh đồi Ghềnh Ráng hiện lên xanh mờ trong mây. Dưới chân đồi, nơi thi nhân tài hoa Hàn Mặc Tử yên nghỉ là những ghềnh đá tuyệt đẹp chạy sát biển và bãi tắm Hoàng Hậu êm đềm cùng những viên đá cuội được sóng biển mài nhẵn mịn.
Nơi yên nghỉ của thi nhân Hàn Mặc Tử tại Ghềnh Ráng
Phía bên kia Ghềnh Ráng, biển Quy Hòa xanh biếc, hiền hòa dưới hàng dương, bãi cát vàng luôn ngập tràn nắng và gió biển lồng lộng thổi. Bên trái thành phố Quy Nhơn, dãy núi vươn ra biển trông giống đầu rồng phủ phục. Nếu du khách thích hòa mình vào cuộc sống thường nhật, có thể đến chợ cá bến Hàm Tử ngắm nghía hàng trăm loại cá vừa đánh bắt từ biển lên còn tươi rói. Chợ cá náo nhiệt từ nửa đêm, mỗi ngày trung chuyển hơn 70 tấn cá các loại.
Chợ cá Hàm Tử
Ven bờ biển Bình Định có 33 đảo lớn, nhỏ, mỗi đảo có một nét đẹp riêng. Đảo Cù Lao Xanh ở nơi “đầu sóng ngọn gió” có những rạn san hô nguyên sơ và làng chài dung dị. Đảo Yến nằm trong bán đảo Phương Mai có những hang động thiên tạo lâu đời, kì thú. Mỗi mùa xuân về, chim yến ríu rít gọi nhau về xây tổ trên các vách đá cheo leo. Đảo Yến có tất cả 30 hang lớn, nhỏ với số lượng lớn yến sào mang lại nguồn lợi kinh tế lớn từ xuất khẩu. Hiện nay, mỗi mùa, Bình Định thu hoạch khoảng 450 – 500kg tổ yến.
Du khách tham quan đảo Yến
Xuôi về hướng Đông có cửa biển Đề Gi, một trong ba cửa biển lớn và đẹp nhất của vùng biển Bình Định. Hàng năm, tại cửa biển Đề Gi, cư dân trong vùng có Lễ hội Cầu ngư rất lớn tại lăng thờ Ông Nam Hải để cầu cho trời yên biển lặng, ngư dân được mùa cá tôm. Từ cửa Đề Gi xuôi về một chút là đầm Thị Nại, đầm nước mặn lớn nhất Bình Định có diện tích hơn 5 nghìn ha, du khách sẽ có cơ hội được khám phá sự đa dạng sinh học của rừng ngập mặn với hàng trăm loài tôm cá, cỏ biển, chim muông…
Ngoài lợi thế về du lịch, biển Bình Định còn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Vùng biển nơi đây có hơn 500 loài cá và đặc sản biển, trong đó có 38 loài có giá trị kinh tế cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như cá ngừ đại dương, cá thu, yến sào, tôm hùm, cua hoàng đế, mực...
Sự đa dạng về loại hình du lịch cùng với tiềm năng kinh tế và con người sẵn có, Bình Đình hứa hẹn sẽ trở thành một địa chỉ du lịch thú vị trên hành trình khám phá ở dải đất miền Trung.