Thang Hen, một trong những danh thắng đẹp nhất của vùng biên viễn Cao Bằng vào mùa nước cạn có nét lôi cuốn riêng biệt mà ít nơi nào có được.
Là hồ nước ngọt, nằm trên địa bàn xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), Thang Hen có độ cao lên tới cả nghìn mét so với mực nước biển. Hồ có chiều rộng khoảng 300m, dài chừng cả nghìn mét tuỳ thuộc vào mực nước lên xuống. Điều thú vị là vào mùa mưa lũ nước từ các sông suối đổ về rất lớn, hồ chứa không hết làm tràn sang các thung lũng bên cạnh tạo thành chuỗi lên kết cả thảy 36 hồ nước lớn nhỏ. Theo mấy người bạn ở Báo Cao Bằng cùng đi giải thích thì tên Thang Hen theo tiếng Tày chính là “đuôi ong”. Nếu nhìn từ trên cao xuống, hồ có hình tựa như chiếc đuôi con ong nên người dân địa phương mới lấy đó để đặt tên cho hồ.
Vào mùa khô mực nước hồ xuống rất thấp, nên du khách thường lấy việc đi bộ dưới lòng các thung lũng để thay cho chèo thuyền, đi xuồng ngoạn cảnh. Nghe thì có vẻ chẳng mấy hấp dẫn nhưng thực tế đi khám phá mới thấy nhiều điều kỳ thú. Chúng tôi rong ruổi đi bộ qua các thung lũng cạn mà mùa nước là đáy hồ để thấy được độ sâu thẳm và mênh mông của vùng đất này. Nằm bao bọc các thung lũng là hệ thống núi đá vôi dựng đứng có độ cao khoảng 200m so với mực nước biển. Những rừng cây thân nhỏ mọc thẳng nằm quanh bờ như đang cố sức vươn ra những tán lá xanh để che lấp phần thân đã bị bùn đóng vẩy nhem nhuốc do cả một mùa bị ngập trong nước. Các thung lũng khô cạn của hồ Thang Hen mùa này nhiều chỗ giống như một góc của thảo nguyên mênh mông, thỉnh thoảng lại thấy mấy chú ngựa tha thẩn gặm cỏ.
Điều làm chúng tôi bất ngờ và tò mò nhất chính là những hố sâu dưới đáy hồ Thăng Luông, một trong 36 hồ nhỏ nằm cạnh hồ Thang Hen. Từ trên cao nhìn xuống các hố nước này giống những cái miệng khổng lồ đang ngoác ra chực muốn nuốt tất cả mọi vật. Nhiều thân cây gỗ và có cả chiếc thuyền nan gẫy gập của ai đó bị hút xuống nằm ngáng chéo cửa miệng. Theo giải thích thì đây là những cửa thoát nước ngầm của hồ vào mùa nước lên. Hồ giống như bể nước kín tự nhiên hội tụ bởi nhiều dòng sông suối ngầm đổ về. Không giống các hồ nước khác, tại đây hàng ngày vẫn có hai đợt thuỷ triều lên xuống. Điều thú vị là bắt đầu vào mùa cạn, nước trong hồ xuống dần, tại các hố ngầm tạo ra những dòng xoáy hình phễu rất nguy hiểm. Khi cạn hẳn, nước ngầm chảy từ trong các rặng núi đá qua hồ và đổ toàn bộ vào các hố nước. Khi mùa mưa đến, nước được đẩy lên từ dưới lòng đất thông qua các hố ngầm đó, nhiều khi tạo thành vòi sục nước lên trông rất đẹp mắt.
Chúng tôi tiếp tục dảo bước theo hướng thượng nguồn của hồ Thang Hen, nơi có hang động cùng tên nằm ẩn sâu bên trong dãy núi đá vôi được bao phủ bởi cây rừng sum suê. Trong hang động mùa này mặc dù ít nước nhưng độ ẩm rất lớn, nhiều chỗ nước vẫn nhỏ giọt từ các nhũ đá xuống lòng hang tạo ra âm thanh lách tách nghe khá vui tai. Miệng hang không quá rộng nhưng lòng hang thì lớn bằng cả hội trường có thể chứa vài trăm người. Những hình thù bằng đá trông khá lạ mắt được tạo hoá sinh ra, biến đổi theo thời gian cứ ẩn hiện trước mắt chúng tôi. Ánh đèn máy ảnh của anh em trong đoàn liên tục nháy sáng càng tạo cho quần thế nhũ đá sự lung linh, huyền ảo. Phía trên hang động, theo người dân bản địa cho hay thì còn khá nhiều loại cây gỗ, trong đó phải kể đến cây báng với thân có thể ủ men nấu ra loại rượu báng ngon nổi tiếng của đất Cao Bằng.
Trong khoảng thời gian không dài ở Thang Hen, chúng tôi còn được nghe một câu chuyện huyền thoại kể về hồ nước tự nhiên này. Chuyện kể rằng xa xưa ở vùng Trà Lĩnh có một chàng trai khôi ngô tuấn tú và rất thông minh. Chàng đã thi đỗ làm quan và được ban thưởng 7 ngày về quê vinh quy bái tổ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở quê, chàng đã kết hôn cùng một nàng sơn nữ xinh đẹp. Quá quyến luyến bên người vợ mới cưới, chàng quên mất đã đến lúc phải về kinh. Đến ngày cuối cùng chàng mới sực nhớ và vội vàng khăn gói từ biệt mọi người lên đường. Chàng đã vượt qua 36 thung lũng giữa đêm tối và kiệt sức ngã quỵ mà chết. Tương truyền rằng chính nơi chàng ngã xuống là hồ Thang Hen ngày nay, còn 36 thung lũng chính là 36 hồ nước lớn nhỏ.
Như vậy là chỉ nửa ngày ngắn ngủi, chúng tôi đã được trải nghiệm biết bao cảm xúc trước những khung cảnh thiên nhiên kỳ thú của vùng đất sơn thuỷ hữu tình. Mặc dù khám phá hồ Thang Hen không phải vào mùa mưa, nhưng chính điều đó đã tạo những dấu ấn riêng, độc đáo, khó quên đối với tất cả chúng tôi.