Thổ cẩm Mai Châu- sự trau chuốt của người phụ nữ Thái.

13:57, 27/12/2011

Thổ cẩm Mai Châu (Hòa Bình) được làm nên từ đôi bàn tay của những người phụ nữ Thái với những mảng màu rực rỡ, hoa văn sinh động.

Đến nơi nào của Mai Châu (Hòa Bình) bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy một chiếc khung cửi dệt vải thổ cẩm. Ở đây, nghề dệt thủ công vẫn còn rất phát triển. Mỗi gia đình người Thái đều có vài khung cửi tương ứng với số người phụ nữ trong nhà.

 

Con gái Thái xưa ngoài lao động giỏi, chăm chỉ ruộng nương ít nhất cũng phải biết kéo sợi, dệt vải. Họ biết tìm cây tô mộc (cây phang) làm màu đỏ, cây chàm (hóm) làm màu xanh và đen, củ nghệ (nghín) làm màu vàng và cô đặc lá chàm bằng nhiều động tác phức tạp làm “chua” bằng nước lá trầu, nước chanh cùng lá các loại cây có chất keo làm bền sợi, sau đó mới đem nhuộm màu. Đến tuổi lấy chồng, người con gái phải tự tay dệt lấy vỏ chăn, đôi gối, đệm… Những cô gái nết na, chăm chỉ, giỏi dệt thổ cẩm tuy hình thức bình thường nhưng rất “đắt chồng”. Ngược lại, những cô gái tuy có nhan sắc mà không biết dệt vải không những bị “ế” mà còn bị chê trách. Tục ngữ Thái có câu: “Con gái nối nghiệp dệt hoa, con trai nối nghiệp dòng họ”.

 

 

Để dệt được một tấm vải thổ cẩm người thợ phải dùng những nguyên liệu tự mình tạo nên từ trồng dâu, nuôi tằm và cây bông cỏ. Với hai nguyên liệu chính này, họ dệt thành những tấm vải với những hoa văn hết sức đa dạng, phong phú. Nhiều vị khách đến với Mai Châu đã cho rằng đây là loại vải có chất lượng cao vì 100% sợi vải đều bằng cotton. Tuy nhiên, giai đoạn chăm sóc hai loại cây này đều phải mất nhiều thời gian, nhất là với cây bông cỏ phải sau 3 tháng thì cây mới cho thu hoạch.

 

Đối với sợi thổ cẩm bằng tơ tằm còn phải mất nhiều thời gian hơn. Một vòng tằm là 28 ngày, sau khi thu được những nong kén vàng óng, người phụ nữ Thái tiếp tục xe sợi. Công đoạn này đòi hỏi chị em phải hết sức khéo tay thì sợi vải mới mịn, đều, khi dệt thành vải mới có chất lượng tốt.

 

Cầm trên tay mảnh vải thổ cẩm bạn có thể cảm nhận được màu xanh của cây lá, màu vàng, trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời, những đường nét hoa văn trên mảnh vải thổ cẩm thể hiện nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái.Thế mới thấy hết sự kỳ công, tỉ mỉ, kiên trì, sự tinh tế trong từng cử chỉ, thao tác, bởi đó chính là công sức bao tháng ngày của người phụ nữ Thái.

 

Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm. Với những cô gái Thái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, mát dịu về những đường nét rắn rỏi mang đậm suy tư.

 

Thổ cẩm Mai Châu đẹp nổi tiếng còn bởi sự trau chuốt của người phụ nữ Thái. Nét đẹp ấy được đưa vào trong trang phục rất rõ: khăn chít ngang đầu, áp ba gang màu thanh thiên, váy thâm chùng kín gót, mỗi cô quấn quanh ngực một tấm thổ cẩm làm “cạp váy” ép chặt bộ ngực tạo nên vẻ dịu dàng, kín đáo. Không có một nét phô diễn, khơi gợi nhưng khiến cho ta nhớ mãi tôn trọng và nâng niu.

 

Đi qua các xóm, bản ở Mai Châu ta thường bắt gặp hình ảnh của các cô gái Thái xinh đẹp miệt mài bên khung cửi, dịu dàng trong lách cách tiếng thoi đưa rộn rã vui tai. Thoả thích ngắm nhìn và chọn lựa những mặt hàng thổ cẩm mang đậm dấu ấn của văn hoá Thái rực rỡ sắc màu, đa dạng về mẫu mã, chủng loại như váy áo, khăn, mũ, ví, túi sách… được bày bán dọc lối đi vào bản và ngay dưới chân cầu thang nhà sàn.

 

Du khách có thể đặt vải ở bất cứ một khung cửi nào, chỉ vài tiếng đồng hồ sau chiếc áo thổ cẩm theo thiết kế riêng đã được hoàn thành. Mặt hàng chủ đạo, rất được ưu chuộng đem lại thu nhập cao cho người dân hiện nay là khăn tống và khăn pha lai.

 

Nghề dệt thổ cẩm đã mang lại cho người dân nguồn thu nhập và cuộc sống khá ổn định. Thổ cẩm Mai Châu đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước, xuất khẩu đi các nước Châu Âu, đặc biệt là Nhật Bản và rất được ưa chuộng.

 

Hình ảnh những cô gái Thái xinh đẹp hát khắp tua rất hay, múa xoè rất giỏi, đồng thời cũng là những người thợ dệt thổ cẩm tài hoa đang mải mê bên khung cửi kiên nhẫn dệt từng đường vải, thêu từng hoa văn, khéo léo đẩy con thoi, luồn sợi chỉ… đã trở thành biểu tượng văn hoá đẹp và sống động của vùng đất du lịch Mai Châu.