Chợ Viềng năm có một phiên

08:50, 30/01/2012

Chợ Viềng năm có một phiên / Cái nón em đội cũng tiền anh mua… Câu ca cấy đã trở nên quen thuộc, thu hút du khách đến với chợ Viềng Nam Định. Đó là phiên chợ đầu năm và chứa đựng nhiều giai thoại, phiên chợ mà kẻ bán người mua không cốt lấy hàng, lấy tiền, một năm chỉ họp một ngày mùng 8 Tết, đúng hơn là từ chiều tối mùng 7 kéo dài đến đầu giờ chiều hôm sau.

Trong những tư liệu dân gian, Viềng không phải là một địa danh cụ thể, ở Nam Định, danh từ Viềng chỉ một khái niệm mang nghĩa định tính. Bởi vậy, chợ Viềng phiêu bạt trên đất huyện Nam Trực theo những quyết định qui hoạch và từ khoảng gần 10 năm nay chợ Viềng họp tại xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tuy nhiên do nằm kề Phủ Giầy thờ bà chúa Liễu Hạnh, nên chợ Viềng họp la cả sang khu vực này và kéo dài tới cả thị trấn Gôi của huyện Nam Trực cách đó gần mười cây số!

 

Theo truyền thuyết thì người bán kẻ mua ở chợ Viềng chỉ để lấy may là chính. Dân gian, và những chiếc... loa treo ngoài cổng chợ nói rằng, không đi chợ Viềng trong lòng day dứt, đi mà không mua không bán gì thì cũng buồn bực không yên. Vật phẩm đến chợ gồm mấy mặt hàng chính: thịt bò, cây giống, đồ đồng và đồ mây tre. Với những “thuộc tính” kể trên, có thể thấy Viềng là một phiên chợ đầy màu sắc văn hóa, thậm chí thêm cả một chút tín ngưỡng. Tuy nhiên, đến với chợ Viềng, người ta có thể mua rất nhiều thứ ngoài bốn mặt hàng truyền thống kể trên đồng thời không bao giờ quên... nói thách và mặc cả!

 

Theo nhận xét của nhiều người, các bậc tiền bối sáng lập phiên chợ dân gian này phải là những người rất “siêu” về kinh tế, đặc biệt là kinh nghiệm tiếp thị và nghiên cứu tâm lý khách hàng. Có thể dẫn chứng như sau:

 

Chợ mở vào dịp đầu năm, khi những ngày Tết vừa qua, nhưng không khí Tết vẫn còn, tâm lý ăn chơi, tiêu xài (tháng giêng là tháng ăn chơi - ca dao) và người ta không ngại tiêu tiền, cho dù là việc tiêu tiền cho những món hàng tương đối không quan trọng trong đời sống. Chính vì thế, ngoài bốn “đặc sản” kể trên người ta mới bán được những món hàng mang tính chất “chổi cùn rế rách” vốn cũng là một đặc điểm rất lâu đời của chợ Viềng. Chân lý: đi chợ mua lấy may, bán lấy may, là một sáng kiến tiếp thị tuyệt vời. Nó làm cho người mua hết phân vân, còn người bán có cơ hội thuyết phục.

 


Thị bò là mặt hàng không thể thiếu trong những phiên chợ Viềng

 

Tấp nập nhất là chợ bán cây cảnh với các loại từ lộc vừng, tùng la hán, trà, cúc hay chỉ đơn giản là một gốc chanh đang ra hoa, ra quả, một cành lộc xanh tươi. Đến chợ Viềng, ai cũng muốn mình mua được ít nhất một cây cảnh về làm kỷ niệm và cũng bao hàm ý nghĩa cầu may cho năm mới.

 

Phiên chợ Viềng xuân còn bày bán các nông cụ như cuốc, xẻng, cày bừa… tấp nập người mua. Các nông cụ này đều do gia đình làm ra, mang đến phiên chợ Viềng bán. Quan niệm, chợ Viềng là chợ “bán rủi mua may” nên người bán không nói thách nhiều và người mua cũng ít mặc cả.


Như một điểm hẹn cho những chuyến du xuân đầu năm nên từ lâu, chợ Viềng đã thu hút đông du khách từ khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình… Dù xa xôi, ai cũng phấn khởi đi chợ, tìm mua bằng được một món hàng với ý nghĩa cầu may mắn cho một năm mới.