Thờ tổ tiên, nét đẹp văn hóa của người Việt

09:39, 13/01/2012

Thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa của người Việt xưa nay. Thông thường, bàn thờ được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất. Bàn thờ tổ tiên chính là một cách thể hiện chữ Hiếu của nhân dân. Không chỉ nhớ về nguồn cội, nhân dân ta coi tổ tiên của gia đình chính là các vị thần linh thiêng luôn ở bên cạnh để phù hộ độ trì cho con cháu.

Về nguyên tắc nơi đây phải được thanh tịnh và mang tư cách nơi để thông tam giới, để con người làm lễ thông linh. Cụ thể là, để biểu tượng cho bầu trời thì ở hai góc ngoài của Ban thờ phải có hai cây đèn hoặc nến để tượng trưng cho mặt trời (đặt phía bên trái ban thờ) và cho mặt trăng (bên phải ban thờ). Bát hương ở giữa để tượng cho tinh tú.

 

Ở trên trục trung tâm của Bàn thờ, ngay sau bát hương thường để một chiếc Tam sơn dạng như chiếc ỷ có ba cấp chênh lệch. Tam sơn (đỉnh núi ba ngọn) tượng trưng cho gạch nối giữa trời và đất với ý thức chuyển tải sinh lực từ tầng trên xuống tầng dưới. Trên tam sơn thường đặt ba cái đài đựng ba chén nước trong. Người Việt vốn dĩ là nông dân, nên rất trọng nước, vì thế ba chén nước trong này vừa là nước thiêng đồng thời cũng tượng trưng cho hạnh phúc tràn vào cõi thế (không để rượu hoặc nước chè).

 

Phía sau Tam sơn (với một số Ban thờ của gia đình bình thường), đa số xếp một cái đỉnh ba chân (những đỉnh bốn chân thường là sản phẩm muộn), nắp đỉnh được thể hiện phổ biến hình một con lân trong tư thế nhìn ra. Người xưa quan niệm rằng lân là hiện thân của sức mạnh tầng trên, của sự trong sáng và trí tuệ, nên nó có trách nhiệm kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương (kiểm soát sự trong sáng của con cháu khi đứng trước Bàn thờ).

 

Đây là đỉnh trầm, nó chỉ thiêng nhờ chất liệu bằng đồng/đất nung và khói thơm. Đỉnh phải được đặt một chân đưa ra phía trước, hai chân để phía sau, nhằm biểu tượng cho chính nhân quân tử. Mỗi chân của đỉnh còn được coi là một con “quỳ”, linh vật có đầu giống hổ phù và chỉ có một chân mà thôi.

 

Ở một số gia đình có khả năng, thường đằng sau chiếc đỉnh có đặt một khám thờ được chạm trổ rất kỹ, khám có mái mui luyện hoặc mái chảy xuống phía sau, mặt trước tạo "cửa võng" theo lối "trướng rủ màn che", điểm xuyết những đề tài hoa, lá, rồng cùng các linh vật khác... đã tạo thêm sự linh thiêng và vẻ đẹp uy nghi cho Bàn thờ. Khám có cửa ở phía trước, hé mở vào ngày giỗ tết, trong lòng khám thường chỉ để một bài vị chung, hoặc bài vị ông tổ của dòng họ.

 

 

Ban thờ của người Việt còn chịu ảnh hưởng của Đạo phật và tín ngưỡng dân gian, vì thế ở hai bên của chiếc đỉnh, cũng thường được bày theo cách: "đông bình, tây quả". Có nghĩa là bên trái của đỉnh đồng thường chỉ đặt một chiếc bình không (độc bình). Những người theo phật giáo cho rằng tuy đây là một điểm nhấn về nghệ thuật ở trên Bàn thờ, song ý nghĩa phật triết còn cao hơn, vì nó tượng trưng cho tâm không của nhà Phật, để nói lên bản thể chân như, tức cốt lõi chung của muôn loài, muôn vật. Từ đó đưa tới ý thức đại từ tâm…

 

 

Bình này cùng lắm chỉ sử dụng để cắm cành đào ngày tết với ý thức cho tâm thanh, lòng tĩnh và hạnh phúc tràn đầy. Vì cành đào khúc khuỷu như hình tượng của cây thiên mệnh (cây chứa đầy sinh khí và quyền lực). Hoa đào màu đỏ tượng trưng cho sức sống vô biên, cành đào còn mang nghĩa trừ tà ma, giữ yên bình cho con người, cắm trong độc bình có nghĩa như một lời nhắc nhở với những Phật tử : Hãy vén đám mây mù ngu tối che đậy thân tâm thì tự nhiên ánh sáng trí tuệ sẽ rọi tới…

 

Phía bên phải của đỉnh đồng thường để một mâm bồng thấp đựng quả, tượng cho "ngũ phúc lâm môn". Gồm Phú: Giàu có, Quý: Sang trọng, Thọ : Sống lâu, Khang : Khỏe mạnh, Ninh : Yên ổn ; cũng tượng trưng cho nguồn của cải năm phương đổ về, tạo nên sự trù phú viên mãn. Thông thường đó là nải chuối xanh tượng trưng cho phương Đông, bưởi vàng tượng trưng cho Trung phương, hồng đỏ: Nam phương, lê trắng: Tây phương, một quả sẫm màu : cho phương Bắc, năm quả này tùy theo điều kiện mà có thể thay thế, song màu thì ít thay đổi. Cũng có người nói năm quả tượng cho ngũ hành (trong trường hợp không có đỉnh đồng, mà thay bằng bàn tròn thái cực). Người Việt thường hay kết hợp những ý nghĩa về các loài quả với việc cầu sinh sôi phát triển. Nên cũng hay sử dụng quả có nhiều hạt, nhiều múi, chùm.

 

Vào những ngày giỗ tết, lòng thành kính của con cháu muốn dâng lên những "kiếp đời đã qua" một số đồ mặn, thì các đồ này thường được đặt ở một bàn phụ phía trước, thấp hơn Bàn thờ chính chút ít. Nhiều gia đình cầu kỳ thường lấy con số chín (là số phiếm chỉ, tượng cho số nhiều, đầy đủ) nên kích thước của mọi Ban thờ dù chính dù phụ, ngang, dọc đều chia hết cho con số chín, người ta tin rằng với con số này thì sức linh của tổ tiên ứng cho con cháu được đủ đầy hơn.

 

Còn thời điểm nào thiêng liêng hơn khi cả nhà thành kính đứng trước bàn thờ tổ tiên thắp những nén hương trầm ngào ngạt. Tình người nồng ấm, tình đời rộng mở. Và, một năm mới tràn đầy hy vọng bắt đầu...