Về Vĩnh Phúc dự Hội chọi trâu

13:44, 09/02/2012

Trong rất nhiều lễ hội văn hóa nước ta lễ hội chọi trâu là nghi lễ đặc biệt của bà con nông dân trong dịp đầu năm. 

Hội chọi trâu xã Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) được tổ chức vào ngày 16, 17 tháng giêng âm lịch hàng năm, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc về dự. Đây là một lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa, độc đáo, mang nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh.

 

Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì Hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ II - trước Công nguyên, cách nay 2200 năm. Tương truyền, đầu thời Bắc thuộc, Thừa tướng Lữ Gia quê gốc Nghệ An, là tướng tài của nhà Hán đã về lập căn cứ ở vùng đất Lập Thạch để cự lại triều đình. Ông đã nhiều lần đánh bại các đợt tiễu phạt của triều đình.

 

Và mỗi lần thắng trận, để động viên binh sỹ, ông đều cho mổ trâu để khao quân. Đặc biệt, trước khi giết trâu, ông đặt ra trò đấu ngưu để mua vui cho dân làng và binh sỹ. Từ đó, vùng này có hội đấu ngưu.

 

Sau hơn 50 năm bị gián đoạn (từ năm 1947) đến năm 2002, Hội chọi trâu Hải Lựu chính thức được khôi phục lại, nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Những nét mộc mạc, dân dã và mang nhiều ý nghĩa tâm linh là điểm độc đáo, hấp dẫn của lễ hội. Gần 10 năm nay, việc nuôi và chăm sóc trâu chọi khá sôi động, Hải Lựu đang tìm lại tiếng tăm của lễ hội độc đáo mà làng quê mình thừa hưởng.

 

Trâu chọi thường được tìm mua từ các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang..., phải có trọng lượng từ 5 - 6 tạ, vòng ngực từ 1,8 - 2 m, cao trên 1,3 m và phải có độ tuổi từ 9 đến 13 tuổi, không quá non hay quá già. Cách nuôi trâu chọi cũng rất cầu kỳ, có chế độ ăn và chăm sóc đặc biệt.

 

Tùy vào từng năm mà số lượng trâu nhiều hay ít. Trâu được chọn phải đáp ứng những tiêu chuẩn như: ngoại hình đẹp, cân đối, lông màu đen, da trê… Trước vài ngày thi đấu trâu được chăm sóc rất chu đáo. Nét đặc biệt so với nhiều lễ hội chọi trâu khác chính là trâu không phải được nuôi theo cá nhân và được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng và chăm sóc. Chính nét đặc sắc này khiến bà con nông dân  trong vùng thêm gần gũi và thân thiết với nhau hơn.

 

Thường thì lễ hội chọi trâu được diễn ra ba vòng, mỗi vòng sẽ chọn ra những con trâu khỏe nhất, đẹp và “duyên dáng”. Những chú trâu được rèn luyện kĩ lưỡng, béo tốt và tràn đầy sinh lực trước khi bước vào thi đấu. Tiếng chiêng trống, tiếng hò hét bên ngoài làm tăng thêm khí thế chiến đấu của những chú trâu đầy hiếu chiến. Trâu chọi bao giờ cũng có đôi sừng dài và to, đấu nhau và lối đối mặt dùng sừng, những thế tấn công của cặp trâu thi đấu sôi nổi, hấp dẫn và nhận được rất nhiều sự cổ vũ của mọi người.

 

Kết thúc lễ hội bất kể trâu thắng hay trâu thua đều được đem giết thịt, liên hoan tập thể và mời những du khách phương xa tham dự ly rượu thịt trâu đầu năm. Mọi người cùng thưởng thức miếng thịt trâu thơm ngon và cùng nhau bàn luận sôi nổi, vui vẻ với những pha gay cấn đã diễn ra trong cuộc thi.