Đây không phải lần đầu tiên tôi đến Lai Châu. Vậy nhưng, niềm háo hức say sưa vẫn choáng ngợp trong tôi. Những nếp nhà chênh vênh mép đá, thách thức gió trời quanh năm lồng lộng; những em bé da mịn, má đỏ au, cười tươi rói; những phụ nữ Mông đôi tay màu chàm thoăn thoắt tước lanh…, Lai Châu dù đổi thay vẫn mộc mạc đằm thắm như ngày nào.
Về Lai Châu lần này, tôi cùng mây bồng bềnh đến với cao nguyên Sìn Hồ.
Lên cao, lên cao mãi, con đường uốn quanh nhẫn nại đưa tôi lên 1.500 mét so với mực nước biển. Nơi đó, nóc nhà của Lai Châu với người Dao, Mông, Hà Nhì, Lự…. cặm cụi vun từng nắm đất tra ngô, hái từng nắm lá thuốc bí truyền, tỉ mẩn xẻ từng thớ núi làm ruộng bậc thang. Ngày qua ngày, họ làm nên cảnh sắc độc đáo cao nguyên.
Ở Báo Lai Châu, tôi gặp Yến, cô phóng viên người Dao Khâu da trắng mịn, mắt trong veo. Cô là cư dân gốc của Sìn Hồ. Cô dặn tôi, đến Sìn Hồ không thể bỏ qua Núi Ô, địa điểm tâm linh độc đáo ở bản Bành Phán, xã Tả Phìn quê cô.
Nằm trên cánh đồng khá bằng phẳng, khuất sau những căn nhà lợp đá đen, men theo con đường có nhiều cây đỗ trọng cổ thụ, là ngọn núi đá giữa thắt lại, trên phình ra như một cái ô khổng lồ. Chiếc ô đá được che chở bởi tán cây chò chỉ nghìn năm, gắn bó với dân tộc Dao Khâu bao đời.
Chuyện kể rằng lâu lắm rồi, từ khi trời là nơi sinh sống của tiên. Có một tiên ông muốn du ngoạn hạ giới mà bay về Tả Phìn. Ở đây dân bản đang mở hội múa hát khiến tiên ông mê mẩn quên thời gian. Chợt nhớ ra đã đến lúc phải về trời, ông vội vã cất mình bay đi để quên chiếc ô vẫn cắm trên đất. Chiếc ô hóa đá mà trở thành di tích cấp tỉnh hiện nay. Nơi này không chỉ là địa điểm tham quan của khách phương xa, mà còn là nơi bà con gửi gắm niềm tin vào thần linh, cầu nguyện tốt lành cho cuộc sống.
Sìn Hồ có nhiều thứ độc đáo, những mái nhà lợp đá đen óng ánh đã cuốn hút tôi. Mái nhà lợp đá bền hàng thế kỷ, mùa hè thì mát bởi đá không hấp thụ nhiệt, mùa đông “nước đóng băng trong điếu cày” đá cũng chẳng cong vênh. Quả là món quà quý thiên nhiên dành cho người Sìn Hồ.
Trong hơi gió lành lạnh, vừa ngắm mây quẩn bên cửa sổ, vừa nâng đũa thưởng thức món ăn đậm chất Sìn Hồ, là hạnh phúc không phải ai cũng có. Gà luộc thịt thơm phức, chắc nịch; canh chua dọc mùng nấu với cá tằm vùng nước lạnh; dê núi chấm tương cay; tôm sông Đà rang mặn ăn cùng cơm gạo nương. Dân bản còn tự hào giới thiệu với khách món cá thủy tinh. Loại cá trắng muốt như thủy tinh đánh bắt được ở sông Đà, rang khô ăn ngon tuyệt.
Ở nơi mây vờn núi đá này, nhịp sống thật chậm rãi, bình yên. Thị trấn rực ánh điện, vang vang chương trình ca nhạc trên hệ thống loa truyền thanh. Thiếu nữ Mông xuống núi, nếp váy sóng sánh, tay bấm điện thoại di động nhoay nhoáy. Khách sạn ở Sìn Hồ căng đét oai phai (wife). Trên bàn uống nước đặt ở sảnh khách sạn tôi thấy quyển truyện bằng tiếng Anh “The Lovers Guide to Rome” tác giả Mark Lamprell (tạm dịch: Chỉ dẫn đến Rome của những người đang yêu).
Thật sự, Sìn Hồ hấp dẫn, đáng ngạc nhiên hơn tôi tưởng tượng.