Vào động Phong Nha xem triệu năm tuổi đá

15:23, 05/07/2016

Từ thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên, chúng tôi về miền Trung, rồi háo hức đến Quảng Bình thăm động Phong Nha - Kẻ Bàng. Một hang động lớn có nước chảy, gió reo với vô vàn nhũ đá được du khách ví von là Thiên Nam đệ nhất động.

Biết chúng tôi là dân đồng rừng, ông Nguyễn Văn Tâm, chủ thuyền số 310, Đội thuyền Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng nhanh nhẹn giữ cho chiếc thuyền không bị chòng chành, rồi bảo chúng tôi cứ bạo chân mà bước. Mỗi người một áo phao, mặc vào, vì từ bến lên đến cửa hang mất hơn 30 phút, rồi tiếp tục đi thuyền trong động để ngắm thạch nhũ.

 

Gần 20 năm đưa khách trên dòng sông Son này, ông Tâm thuộc nằm lòng luồng lạch, chỗ nào nhiều rong rêu, bờ đá ngầm, nên ông lái chiếc thuyền đi trên mặt sông giống như một nghệ sĩ. Ông bảo: Tôi cũng như tất cả người dân xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình biết ơn tạo hoá ban cho quê tôi dòng sông Son và động Phong Nha - danh thắng tiêu biểu nhất của hệ thống hang động thuộc quần thể danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng, một danh thắng được các tổ chức liên quan về hang động bình chọn là một trong những hang động đẹp nhất thế giới, bởi các tiêu chí: sông ngầm dài nhất, hồ nước ngầm đẹp nhất, hệ thống thạch nhũ kỳ ảo nhất.

 

Vì đi nhiều trên dòng sông Son và trong động Phong Nha, nên ông Tâm - chủ thuyền nói chuyện với chúng tôi như một hướng dẫn viên du lịch. Đến cửa động, ông tắt máy cole, dùng mái chèo khua trên mặt nước đưa chúng tôi vào gầm núi, bỏ lại sau lưng nắng lửa Quảng Bình và gió Tây từng cơn nóng như thiêu. Cảm giác đầu tiên của mỗi người khi vào động Phong Nha là bằng da thịt, vì cái cảm giác man mác, khoan khoái khi hơi gió lùa qua khắp thân thể. Sau mới đến cảm giác bằng mắt vì được tận hưởng vô số nhũ đã treo trên vách hang, hoặc từ dưới mặt nước thách nhũ nhô lên lên như măng rừng. Tầng tầng, lớp lớp, thạch nhũ biến hoá khôn lường, chẳng có nhũ đá nào giống nhau, ai nấy thoả sức tưởng tượng những hạt nước bồi vun thành đá nhũ triệu năm. Từ lâu, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã kỳ công lắp đặt một hệ thống điện chiếu sáng trên vòm mái hang, và ở phía sau những khối nhũ đá lớn, nhỏ làm tôn thêm vẻ đẹp hồn nhiên, hoang sơ của đá. Cũng vì vẻ đẹp của động, nên dù ở xa trung tâm thành phố hàng chục km, nhưng từ hàng chục năm nay, động Phong Nha trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế.

 

Đi trong lòng động, giữa thứ ánh sáng chới với của đèn điện từ vách hang hắt xuống, bị khúc xạ hắt lên đỉnh hang, tạo cho khung cảnh của lòng hang huyền ảo, mơ hồ, gợi cho mỗi người cảm giác thực mà như mơ. Có khối đá lặng phắc, thản nhiên toạ trên mặt nước trông giống như bức tượng Quan thế âm Bồ Tát đang làm phép phổ độ chúng sinh. Lại thấy tiếng du khách rì rầm hoà cùng mái chèo khua trên sóng nước, va vào vách hang, vọng lại huyền bí, nghe âm u, sâu thẳm như lời của núi sông triệu triệu năm non nỉ, cùng tích tắc nước từ đỉnh vòm hang rơi xuống đếm nhịp thời gian. Những giọt nước tinh khôi tựa mồ hôi đá cả triệu triệu năm chưa bao giờ vơi cạn, lặng lẽ rơi, lặng lẽ gom lại thành thạch nhũ từ vách hang mọc ra như măng, như nấm. Nhiều đoạn vách hang mở rộng, thạch nhũ vô số với đủ dạng hình hài làm du khách thoả sức tưởng tượng. Chỗ như cung điện nguy nga, với từng khối thạch mang dáng vân bồng, bồ tát toạ thiền hoặc khuôn mặt ông Thiện, ông Ác. Kia nữa là từng đoàn thợ săn của thời tiền sử, và ở góc khác là cảnh sinh hoạt của các tộc người… Rồi từ đỉnh hang rủ xuống từng thạch nhũ như cây, như hoa, như từng chùm đèn lồng cách điệu; và như bồng đảo sơn nữ no tròn, chỗ lại như bầu ngực mẹ căng sữa tí tách rơi từng giọt để triệu triệu năm sau, từ phía dưới lại lớn lên một thạch nhũ mang hình hài của tự do.

 

Mỗi người một cảm xúc, từng giọt nước từ đỉnh hang rơi xuống như mang theo một phép màu thần diệu, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ, lý thú, có chỗ thạch nhũ chảy dài như ngọc rủ, tóc suôn, chỗ xếp vô số tượng đá với đủ mọi hình thù kỳ dị, hỗn độn. Trong khung cảnh nhờ nhờ ánh sáng lân tinh, chợt thấy một thiên đường thạch nhũ với khuôn mặt kỳ quặc của sơn thần, thuỷ quái, rồi lại chợt bắt gặp một khung cảnh thanh bình, thạch nhũ xếp hình mẹ cho con bú; một đàn voi nằm phủ phục; hoặc tựa cánh rừng đá chạy tít hút về miền huyền thoại của đá núi.

 

Giữa một thế giới đầy thạch nhũ có hàng trăm triệu năm tuổi, con người được thoả trí ngắm nhìn, tưởng tượng. Cho tới khi thuyền trôi ra ngoài cửa hang, ngoái đầu trông lại, tôi cũng như bao du khách Việt Nam, và những du khách đến từ các chân trời trên thế giới đều tỏ vẻ nuối nhớ “món thạch nhũ” mãn nhãn. Để từ của hang, xuôi dòng sông Son về bến, ngắm nhìn khung cảnh làng quê yên bình, có lão ngư tiều đánh cá, có bé em thổi sáo chăn trâu và lòng mong có một ngày nào đó ở thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên, những hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Phú Thượng, Võ Nhai); hang Tiên (Văn Lăng, Đồng Hỷ); chùa Hang (thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ) và nhiều những hang, động khác được đầu tư, nâng cấp đúng tầm để đưa vào khai thác, phục vụ du khách trong nước và quốc tế.