Một làng nghề đã có trên 500 tuổi và vẫn còn lưu giữ những cách thức làm gốm thủ công: Sử dụng bàn xoay bằng gỗ truyền thống và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã biến những cục đất "khô khốc" trở thành những sản phẩm gốm đặc sắc, tinh xảo - nơi gửi gắm hồn quê hương xứ sở.
Tương truyền, vào thế kỷ 16, 17, những người thợ thủ công từ Nghệ An, Thanh Hóa vào Thanh Hà (Quảng Nam) lập làng, xây dựng nên nghề gốm và truyền lại cho đến ngày nay. Cho nên, làng gốm Thanh Hà đã nức tiếng tài hoa, thiện nghệ dưới triều nhà Nguyễn. Từ xưa, làng gốm Thanh Hà đã rất thịnh với những cảnh nhộn nhịp, đông vui trên bến dưới thuyền để vận chuyển gốm, đất nung trao đổi, bán buôn nhiều nơi. Có lúc xuất khẩu ra nước ngoài. Các sản phẩm gốm Thanh Hà đã được sách Ðại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi danh trong phần thổ sản tỉnh Quảng Nam. Và chính những người thợ gốm Thanh Hà đã cung cấp ngói lợp, gạch lát nền cho các ngôi nhà cổ Hội An và những khu vực lân cận. Cả làng hiện nay có 23 hộ sản xuất gốm với hơn 100 lao động, hằng năm sản xuất khoảng 400 nghìn sản phẩm, doanh thu hơn 600 triệu đồng.
Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn hiền hòa, thơ mộng. Trải qua những giai đoạn thăng trầm theo thời gian và lịch sử, làng gốm Thanh Hà dường như có lúc bị lãng quên. Thế nhưng với tâm huyết của những bậc cao niên, tiền bối trong làng, gốm Thanh Hà lại dần dần được phục hồi trong sự phát triển kinh tế và văn hóa du lịch của phố cổ Hội An. Từ đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện của những nghệ nhân trong làng, những sản phẩm từ đất nung như bình vôi, bùng binh, bình rượu, những chiếc ấm, chum, vại và cả những con vật gần gũi, thân thương hằng ngày như 'lục súc tranh công' cũng ra lò từ đó.
Chúng tôi ghé thăm lò gốm của ông Nguyễn Lành (79 tuổi) tại tổ 24, khối 5, phường Thanh Hà. Từ trong nhà đến ngoài sân, đâu đâu cũng thấy bộn bề đủ loại các sản phẩm như bình hoa, bình rượu, chum, hũ, vại, tò he... Ông Lành cho biết: 'Làm nghề gốm rất vất vả mà thu nhập chẳng được là bao, do sản phẩm chủ yếu bán cho khách du lịch. Một ngày làm cật lực cũng chỉ được trên dưới 35.000 nghìn đồng/người. Cụ thể, như ngày hôm nay, gia đình tôi làm hết sức nhưng cũng chỉ bán sỉ cho các đại lý được khoảng 100 con tò he với giá 700 đồng/con.
Nguyên liệu làm gốm là đất sét, người trong làng phải lên huyện Ðiện Bàn mua với giá 200 nghìn đồng/ghe. Sau đó mang về ủ đất để giữ độ ẩm, trước khi tạo ra sản phẩm phải nhồi, đánh cho đất 'chín' rồi mới mang ra nặn. Có những sản phẩm tinh xảo, mỹ thuật đòi hỏi đất phải mịn thì phải qua một công đoạn công phu khác là lọc đất hai, ba lần để loại bỏ những tạp chất. Sau khi nặn thành sản phẩm, phải mang ra phơi nắng một ngày rồi 'làm nguội' để tạo ra những hoa văn, họa tiết hoặc tạo những chi tiết tinh xảo, sơn vẽ lên sản phẩm, cuối cùng mới đưa vào lò nung khoảng 24 tiếng.
Hiện nay, nghệ nhân cao tuổi nhất trong làng vẫn còn giữ nghề là bà Nguyễn Thị Ðược (86 tuổi). Bà là một trong những nghệ nhân giỏi nhất làng. Chị Nguyễn Thị Vân, cháu nội của bà Phú cho hay, bà làm nghề từ khi mới 13 tuổi, cả làng Thanh Hà hết thế hệ này tới thế hệ khác đều là học trò của bà. Cho đến bây giờ, bà Phú vẫn đam mê với nghề truyền thống của gia đình. Chúng tôi rất hâm mộ đôi tay già nua của bà 'biểu diễn' nặn những bình vôi, bùng binh... thoăn thoắt trên bàn xoay bằng gỗ truyền thống rất là điệu nghệ.
Hiện nay, du lịch làng nghề đang trở nên phổ biến và có sức hấp dẫn đối với du khách gần xa. Ðến làng gốm Thanh Hà, du khách không chỉ được tham quan làng nghề, tìm hiểu các công đoạn sản xuất để tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống mà họ còn có thể mua tại chỗ các sản phẩm mình ưa thích với giá 'mềm'. Ðiều đặc biệt, du khách còn được các 'nghệ nhân' hướng dẫn tự tay 'sáng tác' các sản phẩm theo óc tưởng tượng của mình. Chính vì vậy, làng gốm Thanh Hà vẫn là một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo khách ghé thăm mỗi khi đến phố cổ Hội An.
Tin vui đến với làng nghề, vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gốm Thanh Hà - Hội An, Quảng Nam. Theo đó, Chủ giấy chứng nhận là Hiệp hội Sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ Hội An. Nhãn hiệu gốm này được thiết kế trên nền vuông, bên trong là hình bình gốm tạo thành từ hai chữ T và H cách điệu, viết tắt của từ Thanh Hà. Nhãn hiệu có mầu sắc trắng, đỏ; phía trên có chữ GỐM THANH HÀ, dưới là chữ HỘI AN.