Dưới dải Trường Sơn hùng vĩ

10:04, 04/07/2021

Dải Trường Sơn hùng vĩ, vững chãi như cánh tay người khổng lồ vươn về phía phía biển. Núi biển liền kề, một vùng “Sơn thủy hữu tình” với cỏ xanh, hoa vàng, mây trắng.

Gió mang theo hơi thở biển cả muôn đời, mơn man vào vai núi, tạo cho Phú Yên một cảnh đẹp hoang sơ mà gần gụi. Chúng tôi từ miền Bắc vào, mới qua đèo Cù Mông, chợt thấy lòng sảng khoái vì nhận ra mình đã đến được một vùng “non xanh nước biếc”. Hơn nữa, đó còn là nơi Tổ quốc đón bình minh đến sớm.

Mặn mà như tình yêu lứa đôi, bởi núi và biển quện vào nhau mà vùng đất Phú Yên “sản sinh” nên những thắng cảnh độc, lạ, đẹp mê hồn, như: Ghềnh Đá Đĩa, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, bãi Rạng, hòn Chùa… Đặc biệt ở thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa có một mũi đá sõng xoài, nhoài hẳn ra biển gọi là mũi Đại Lãnh.

Men theo sườn núi, nhẹ chân bước dưới tán rừng hướng về cây đèn biển (Hải đăng), cảm nhận hơi thở từ hừng Đông mặn mòi, ấm áp, lòng nhẹ nâng một cảm khoái chinh phục thiên nhiên. Bởi chỉ ít khắc giây nữa là đến đỉnh mũi cực Đông Tổ quốc. Mấy bước chân về phía biển mà lòng nhẹ tênh, dải Trường Sơn hùng vĩ lùi dần về phía sau, ghềnh đá lô nhô như ai xếp, gió từ biển thổi vào mát như ai quạt, để một đêm nôn nao không ngủ, chờ đợi bình minh gọi mặt trời.

Cái sở thích rất đời ấy vốn bình đẳng, không phân biệt giàu - nghèo và ai cũng có quyền được nhìn ngắm, cảm nhận theo cách riêng. Trong rì rào khúc ru tình biển, gợi bước chân hồ hải bao người nhớ về một thời xa lơ lắc.

Hơn 100 năm về trước, Cap Varella - viên tướng người Pháp khi đến mũi đá này, nhận ra vẻ đẹp hồn nhiên của nơi đón ánh mặt trời sớm của một quốc gia mang hình chữ S. Cũng từ đó người Pháp kì công khảo sát, vẽ lại thành bản đồ và lấy tên của viên tướng này đặt cho mũi đá cực Đông. Để thuận tiện cho tàu bè ra vào cửa biển, tránh giông bão, năm 1890 người Pháp tiến hành xây dựng tại đây một cây đèn biển. “Nó” được thắp sáng suốt 55 năm với bao nước mắt đắng cay của người dân mất nước. “Nó” chứng kiến và mang đi tất cả những câu chuyện tủi nhục, buồn bã đời người gác đèn biển.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, thực dân Pháp không còn sức lực duy trì cây đèn biển. Ngọn đèn dẫn đường bị bỏ bê, lịm vào đêm đen, mũi Đại Lãnh trở nên hoang sơ cho cây rừng bao phủ. 16 năm sau (1961), chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tìm đến, khôi phục, thắp lại ngọn đèn biển. Nhưng vì chiến tranh, cây đèn biển bừng sáng trở lại được ít năm lại rơi vào thảm cảnh bị hủy bỏ hoàn toàn. Lửa trên đài vụt tắt, biển cực Đông tăm tối, người đi biển lo lắng vì khó định hình đâu là bến đợi.

Cao 110 mét so với mực nước biển, ngọn hải đăng- mũi Đại Lãnh có thể phát tín hiệu đi xa gần 40 km.

Mấy lần bị phế bỏ vì thời cuộc, vì chiến tranh, gần 30 năm sau (1995), Nhà nước ta mới có điều kiện khôi phục, phục dựng lại nguyên hiện trạng cây đèn biển xưa. Ngọn đèn biển được thắp lên trong mong đợi của bao người đi biển.

Trong lòng người thì đó còn là cột neo đậu cho cả người vươn khơi và người ở bờ vò võ mong chờ. Cùng thời gian, ngọn Hải Đăng - mũi Đại Lãnh dần trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong, ngoài nước đến đây để chí ít được một lần nhìn ngắm mặt trời đỏ lựng nhô lên từ biển cả. Bởi vẻ đẹp hoang sơ, hội tụ linh khí của rừng thẳm, biển sâu với bao bãi cát bồi thoải dài về biển, những ghềnh đá công kênh nhau chạy về dải Trường Sơn.

Trời, biển, núi non… Mũi Đại Lãnh không bị con người can thiệp sâu, bởi tự nó đã hồn nhiên hiển hiện thành hình hài, vô tư, sừng sững và sở hữu một không khí mát lành trong trẻo. Nhiều lần các cơ quan chức năng đến khảo sát, nghiên cứu, thăm dò và đã chính thức công nhận đây là một Di tích Danh thắng cấp Quốc gia vào năm 2008. Danh thắng đón ánh mặt trời sớm thứ hai của Tổ quốc Việt Nam, sau mũi Đôi ở Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Gần nửa giờ đi dưới tán rừng, mồ hôi bết lưng áo, chợt vơi ngay mệt mỏi bởi hơi gió lồng lộng, mặn mòi thổi về từ biển. Đứng trước ngọn hải đăng được xây dựng theo hình trụ thẳng đứng, người nhân viên gác đèn, kiêm hướng dẫn viên du lịch giới thiệu khái quát: Đây là ngọn hải đăng xa nhất về phía Đông trên đất liền của Tổ quốc . Tính theo mực nước biển, ngọn hải đăng cao 110 mét. Đèn có thể phát tín hiệu đi xa gần 40 km…

Tất cả chúng tôi, ai nấy thận trọng đặt nhẹ chân lên từng bậc gỗ cây cầu thang lượn vòng tròn lên đỉnh tháp. Tôi nhẩm đếm có 110 bậc… đi lên trời. Gió lồng lộng, biển trời trong xanh, thỏa sức phóng mắt nhìn về phía khơi xa. Đây bãi Môn thoải dài cát mịn, biển nước mang màu ngọc bích mơn man vỗ về. Xa xa kia là rừng Trường Sơn. Lại ngay trước mặt từng vách đá dựng thành chắn triệu triệu lớp sóng xô.

Lại thận trọng bước xuống từng bậc cầu thang, nhàn tản trên lối mòn ra mũi biển. Cả một rừng đá với vô số hình thù, chỗ xắp hàng như bao người lính đứng trong hàng quân sẵn sàng xung trận, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhiều chỗ đá lô nhô, khấp khểnh như thử sức người. Rồi chợt ngang bên đường đá, một thạch ngai (ghế đá giống như chiếc ngai) mời gọi các bạn trẻ ngồi vào chụp ảnh câu viu. Từng bậc đá không bằng phẳng, nhưng mòn nhẵn bởi bao bước chân người.

Nếu kể từ bước chân đầu tiên sử sách ghi lại, khoảng 200 năm trước đã có ngư tiều về đây sinh sống nhờ rừng, nhờ biển. Và Nhà nước của thời bấy giờ cũng đã phát hiện ra giá trị của mũi đá này. Cụ thể tại Thế Tổ miếu bên trong Hoàng thành Huế, 1 trong 9 chiếc cửu đỉnh có hình tượng mũi biển Đại Lãnh, do vua Minh Mạng cho đúc năm 1836.