Mùa hè là mùa điệp đỏ xuất hiện nhiều ở đầm Ô Loan (H.Tuy An, Phú Yên). Lúc này người dân sống quanh đầm đeo kính lặn xuống đầm bắt điệp đem về, phần thì để ăn, phần thì đem bán các chợ, hàng quán ven đầm.
Điệp đỏ trước khi nấu cháo
Theo những người làm nghề đánh bắt thủy sản nơi đây, chỉ cần xuống nước chừng nửa giờ đồng hồ sẽ có ngay dăm ba ký điệp. Điệp đỏ con nào to lắm cũng cỡ bằng miệng chén ăn cơm. Thịt của chúng đỏ tươi, rất dễ phân biệt với các loại khác, cũng vì thế chúng được gọi là điệp đỏ.
Điệp đỏ sống ở đáy đầm, nơi có nhiều bùn nhơ. Bởi vậy, khi bắt về phải làm thật sạch, rửa đi rửa lại nhiều lần với nước lạnh rồi để ra rổ cho ráo nước. Món nào chế biến từ điệp đỏ cũng ngon “gãy đũa” nhưng ngon nhất là cháo điệp. Đây là món ăn rất hợp với những ngày nắng nóng và cách chế biến cũng rất đơn giản, không mất nhiều thời gian.
Điệp đỏ bắt hoặc mua về dùng vật nhọn cạy vỏ ra lấy phần thịt, bỏ vỏ. Cách cạy điệp cũng giống như hàu nhưng cạy điệp khổ hơn vì vỏ điệp rất mỏng. Nếu như các loại thực phẩm tôm, hàu… trước khi nấu cháo cần phải phi hành tao sơ rồi mới nấu thì điệp đỏ lại khác. Thịt điệp đỏ ít và nhỏ hơn. Vì vậy, khi nấu cháo cần phải để nguyên con, không cần tao sơ, có như vậy nồi cháo mới ngọt và đậm đà.
Để nồi cháo thơm ngon, khi nấu cần phải kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu, đặc biệt phải nấu với nước dừa tươi. Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu cùng nước dừa tươi đến khi gạo nở lúp búp thì trút hết phần thịt điệp vào và trộn đều với lửa nhỏ, đợi cháo sôi lại vài phút thì nêm nếm gia vị vừa ăn, tắt bếp, nhấc xuống thưởng thức. Để tăng thêm hương vị cho nồi cháo, cần nêm thêm hành ngò thái nhỏ, rắc ít tiêu. Cháo điệp đỏ ăn khi còn nóng mới cảm nhận đầy đủ hương vị thơm ngon đặc trưng của nó.
Nồi cháo với hương vị ngọt thanh của nước dừa, thịt điệp dai dai ngòn ngọt quyện với vị thơm của hành ngò, vị cay nồng của tiêu tạo nên món ăn thơm ngon bổ dưỡng không chê vào đâu được.