Năm 2022, kết nối hành trình quảng bá giá trị ẩm thực và đặc sản Việt Nam ra thế giới, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) tiếp tục đề cử các đặc sản thiên nhiên và quà tặng nổi tiếng để xác lập kỷ lục châu Á.
Đặc sản Việt Nam sở hữu nét đặc trưng với văn hóa ẩm thực riêng biệt
Danh sách đề cử Kỷ lục châu Á món ăn đặc sản Việt Nam (2021 – 2022) gồm 5 món ăn đặc sản: Bánh canh Nam Phổ (Thừa Thiên - Huế); Bánh mì Hội An (Quảng Nam); Gỏi sầu đâu (An Giang); Gỏi cá trích Phú Quốc (Kiên Giang); lẩu mắm U Minh (Cà Mau).
Bánh canh Nam Phổ (Thừa Thiên - Huế)
Sở dĩ có cái tên bánh canh Nam Phổ là vì đây là món ăn gia truyền của làng Nam Phổ, Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Không giống với những loại bánh canh khác, bánh canh Nam Phổ Huế có hương vị đậm đà, độc đáo, khiến bao nhiêu thực khách thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Bánh canh Nam Phổ
Nguyên liệu của món bánh canh không quá cầu kì với sợi bánh canh, tôm, cua chả,.. nhưng lại rất tỉ mỉ, công phu trong quá trình chể biến. Bánh canh Nam Phổ được nấu từ bột gạo và bột lọc theo tỉ lệ "3 gạo - 1 lọc". Thay vì được nhồi và cắt lát như các loại bánh canh khác, bột gạo sau khi mua, pha thêm nước khuấy đều cho tan mới hấp bột theo kiểu cách thủy. Khi hơi sánh lại, thêm bột gạo sắn rồi cho hỗn hợp vào bao ni lông, cắt một đầu nhọn để tạo hình sợi bánh vào nồi nước sôi. Khi sợi bánh có màu trắng đục thì vớt ra xả lại bằng nước sạch.
Nước dùng nấu bánh canh Nam Phổ là nước luộc tôm, cua tươi, hầm xương nên luôn có vị ngọt tự nhiên. Nhân bánh canh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm. Tất cả được làm sạch, giã nhuyễn, viên nhỏ và nấu thành hỗn hợp sóng sánh. Sau đó, đổ lên bề mặt của nồi cháo. Tôm kết hợp với thịt ba chỉ tạo nên màu đỏ gạch trong rất bắt mắt và kích thích vị giác. Tô bánh canh hấp hẫn với màu trắng của bánh canh, màu đỏ của nhân tôm thịt, xen lẫn màu xanh mướt của hành lá. Khi dùng trộn thêm chút nước mắm ớt xanh cay cay ngon đúng điệu.
Bánh canh Nam Phổ Huế mang nét đơn giản, mộc mạc nhưng lại có sức hấp dẫn, lưu luyến bao nhiêu thực khách khi đến nơi đây. Nếu có dịp tới Huế, du khách có thể ghé qua các địa chỉ sau 16 Phạm Hồng Thái, 374 Chi Lăng, 54 Nguyễn Công Trứ... để thưởng thức món banh canh đặc biệt này.
Bánh mì Hội An
Nhắc đến bánh mì ngon ở Việt Nam phải nhắc đến Hội An. Bánh mì Hội An được xem như là “bánh mì ngon nhất thế giới”, nó là món ăn nhẹ hấp dẫn mà hầu hết khách du lịch đều muốn thưởng thức khi đến Việt Nam. Bánh mì truyền thống giản dị, thể hiện được sự đậm đà của ẩm thực Việt Nam.
Bánh mì Phượng (Hội An)
Đến với Hội An, bạn không thể bỏ qua những quán bánh mì trứ danh như: Bánh mì Phượng ở 2B Phan Châu Trinh, TP. Hội An; Sum - Lò Bánh Mì Điện ở 149 Trần Hưng Đạo, TP. Hội An; Bánh mì Madam Khánh ở 115 Trần Cao Vân, TP. Hội An; Bánh mì Bích ở 51 Phan Châu Trinh, TP. Hội An; Bánh mì Phố cổ ở Vỉa hè 2 Lê Lợi (Gần Cafe Tình Thương), TP. Hội An; Bánh mì Lành ở 430 Cửa Đại, TP. Hội An.
Gỏi sầu đâu(An Giang)
Gỏi sầu đâu được biết đến là món rau ngon trong bữa cơm thường ngày của người Campuchia. Món gỏi này được du nhập vào Việt Nam thông qua các gia đình người Khmer sinh sống venvùng biên giới ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu... Tuy nhiên, nổi tiếng với món gỏi sầu đâu được nhiều du khách biết đến là tỉnh An Giang. Món gỏi sầu đâu được chế biến khá nhanh và đơn giản nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.
Gỏi sầu đâu (An Giang)
Nguyên liệu để làm món gỏi này gồm lá và hoa của cây sầu đâu, thịt ba rọi, khô cá sặc hoặc khô cá lóc, dưa leo, xoài sống, thơm (dứa), nước mắm, me vắt, tỏi, ớt... Người ta thường trụng lá và hoa sầu đâu vào nước sôi cho bớt vị đắng rồi để ráo nước. Khi trụng nên cho thêm một ít muối vào để lá được xanh và trông đẹp mắt. Khô cá sặc có thể nướng hoặc chiên, sau đó đem xé nhỏ, không lấy xương. Thịt ba rọi rửa thật sạch rồi đem luộc và thái mỏng vừa ăn. Dưa leo nên gọt vỏ và thái mỏng, thơm cắt hình tam giác nhỏ, xoài sống thì gọt vỏ và thái mỏng. Trộn đều tất cả hỗn hợp trên với nước mắm ớt pha chua ngọt cho vừa khẩu vị. Cuối cùng, rắc thêm một ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng giã giập, thêm vài lát ớt vào đĩa gỏi cho có màu sắc hấp dẫn.
Gỏi sầu đâu không chỉ là đặc sản An Giang nổi tiếng mà còn là một món ăn vị thuốc bổ ích. Theo tìm hiểu của Viet Fun Travel, các bộ phận trên cây sầu đâu từ vỏ, lá, quả và gỗ đều có chất đắng giúp chữa giun rất tốt. Ngoài ra, từ lâu cây sầu đâu đã được người Ấn Độ sử dụng làm thuốc chống viêm, kháng khuẩn, chữa sốt rét và nhiều bệnh khác. Riêng nước sầu đâu dùng uống có thể chữa các bệnh về răng miệng như viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, viêm khớp.
Gỏi cá trích Phú Quốc(Kiên Giang)
Là món ăn dân dã nhưng gỏi cá trích lại có khâu chế biến kỳ công. Người nấu phải lựa cá còn tươi, để phần thịt thơm, béo ngọt, ít tanh. Sau đó, cá được đánh sạch vảy, bỏruột, đầu, vây, đuôi. Người nấu dùng dao mỏng lóc bỏ xương, lấy phần thịt hai bên.
Nguyên liệu ăn kèm gồm có hành tây thái mỏng, cà rốt thái sợi, dừa nạo, thêm tỏi băm phi vàng và ngò rí... Tất cả trộn đều với cá trích cùng nước sốt chua. Điểm đặc biệt của gỏi cá trích là phần nước sốt không làm từ nước cốt chanh mà được trộn dấm nuôi bằng trái ổi chín, nêm thêm ít muối và đường để món ăn mang hương vị chua thanh và có mùi thơm dịu.
Gỏi cá trích Phú Quốc
Món gỏi cá trích ngon không thể thiếu chén nước chấm pha từ ớt tỏi băm, đậu phộng rang vàng bóc vỏ tán nhuyễn, pha với nước mắm Phú Quốc ngon, thêm ít đường, chanh...
Khi thưởng thức, thực khách lấy miếng bánh tráng mỏng cho rau sống, dưa leo, gỏi cá, rồi cuộn tròn chắc tay, chấm cùng nước chấm chua ngọt. Vị tươi ngon của thịt cá trích ngậy béo với phần dừa nạo, mùi rau thơm hòa quyện cùng nước chấm cay nồng đậm đà sẽ làm thực khách nhớ mãi khi trải nghiệm.
Lẩu mắmU Minh (Cà Mau)
Về Cà Mau, ăn cálóc nướng trui, cua Cà Mau mà không thử Lẩu mắm U Minh thì chưa trọn chuyến đi. Nói vậy là biết lẩu mắm ngon đến cỡ nào, đặc biệt đến cỡ nào. Cũng đúng thôi vì người ta cẩn thận trong mọi quy trình. Nấu nước lẩu thì nhất định phải chọn mắm cá sặc bướm để cho nước dùng thật thơm. Theo kinh nghiệm của người làm mắm, cá sặc bướm tuy nhiều xương nhưng thịt khá thơm, khá dậy mùi. Khác với các loại lẩu, nước dùng lẩu mắm chỉ cần nước mắm cá đã được nấu rã thịt, lược bỏ xương nhỏ và nêm mếm gia vị. Chọn bột ngọt, đường hoặc sử dụng bí quyết thay đường bằng sữa bò để giúp cho nước thơm, béo, sánh. Và tất nhiên không thể quên chút sả thơm băm nhuyễn.
Lẩu mắm U Minh (Cà Mau)
Nước đã xong, bây giờ là khâu chuẩn bị vật liệu nhúng lẩu. Hầu như các loại hải sản đồng quê đều góp mặt trong món ăn này. Lươn đồng béo, cá lóc đồng chắc thịt hay cá rô mề được làm sạch sẽ, cắt thành từng khúc vừa ăn bày sẵn trên đĩa. Ngoài ra, còn có cả thịt cua, ốc lác để gia tăng thêm hương vị cho người dùng lựa chọn.
Riêng về khoản rau ăn kèm, hội tụ đầy đủ các vị đồng quê đến hoang dã của U Minh trù phú. Dĩa rau hoành tráng có đắng, có chát, có bùi, có chua như biểu tượng cho sự trù phú của thổ nhưỡng. Sẽ có bông súng rau muống giòn rụm, có cải xanh rau đắng đồng đắng thanh, có càng cua hăng hăng, có rau ngổ ngò gai ngò ôm thơm thoảng thoảng, có bắp chuối sần sật hay đọt nhãn lồng xanh non... Bổ sung củ quả đậm đà như nấm rơm, đậu bắp, cà phổi... Đặc biệt, chắc chắn phải có cái tên đọt choai dù đã có 10, 15 loại rau trên rồi. Tất cả cũng sẽ được trang trí gọn gàng đẹp mắt khơi gợi kích thích, tò mò nơi thực khách.
Lẩu mắm U Minh là món ăn thể hiện rõ nhất nét đặc trưng của ẩm thực Cà Mau và hội tụ nhiều đặc sản, sản vật của vùng đất mũi. Bởi nó không chỉ chinh phục mọi giác quan của thực khách mà còn toát lên vẻ bình dị thanh cao trong cách thưởng thức. Nồi nước dùng sôi sùng sục sóng sánh dưới ánh lửa, lấy một lát cá, nhúm nắm nhúm rau tùy thích trụng sơ rồi cảm giác vừa hít hà vừa nhai chậm rãi mới thật thích thú làm sao. Lẩu mắm U Minh vậy, một lần ăn là một lần nhớ mãi, sâu đậm không khác gì mối tình đầu.