Loại hoa đắng ngắt bị nhiều người bỏ đi lại có thể trở thành món nộm lạ miệng dưới bàn tay chế biến của đồng bào người Thái. Nộm hoa đu đủ hội tụ đủ các hương vị bùi, béo, thơm lừng là một trong những món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc, mà các món ăn khác khó bề sánh được.
Chỉ bằng những nguyên liệu dân dã, qua cách chế biến của người Thái, đã trở thành một món ngon tròn vị
Đu đủ là loại cây ăn quả đã quá quen thuộc đối với người dân ở mọi vùng miền. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngoài phần quả nhiều chất dinh dưỡng ra, thì lá và hoa đu đủ lại được bà con người Thái ở Tây Bắc chế biến thành món nộm đặc sản lạ miệng, hấp dẫn vô cùng.
Cà rừng là loại quả tròn nhỏ như đầu đũa, màu xanh nõn, bên trong có nhiều hạt. Sau khi luộc chín, cà rừng sẽ trở nên mềm nhũn, tạo độ béo ngậy cho món nộm. Sự phối hợp giữa cà rừng và hoa đu đủ đã làm nên món nộm đặc sản Tây Bắc đặc sắc.
Bao đời nay, người Thái vẫn rất quý những thực phẩm đến từ tự nhiên. Lối sống tự cung tự cấp đã giúp họ sáng tạo ra nhiều món ăn không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và trở thành đặc sản Tây Bắc. Cách chế biến món nộm đặc sản Tây Bắc này không quá cầu kỳ, nhưng đòi hỏi phải có đầy đủ gia vị đi kèm. Có vậy mới làm giảm độ đắng của hoa, đem lại sự hấp dẫn cho món ăn. Hoa và lá đu đủ non, sả, ớt, mắc khén, tỏi và cà rừng là những nguyên liệu không thể thiếu của món nộm đặc sản Tây Bắc này.
Nét đặc trưng tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn, không xen lẫn của ẩm thực dân tộc Thái, chính là sự kết hợp của rất nhiều loại gia vị trong một món ăn, đặc biệt đều dùng các nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên. Cùng với cách chế biến tinh tế, rất chú trọng tới việc phối hợp hài hòa các vị đắng, cay, ngọt, chát. Chính vì thế mà rất nhiều các món ăn của dân tộc Thái khiến chúng ta khó có thể quên nếu đã từng một lần được thưởng thức.
Cà rừng non là nguyên liệu không thể thiếu trong món nộm của người Thái
Quả cà rừng, lá non và hoa đu đủ đực sau khi hái về đem rửa sạch và ngâm với nước muối loãng. Sau đó cho cà rừng và vài nhánh xả vào luộc tới khi vừa chín tới thì cho hoa đu đủ vào luộc cùng. Sự kết hợp như vậy sẽ làm cho hoa đu đủ bớt vị đắng hơn, sau đó vớt ra và rửa nhiều lần với nước lọc và để ráo.
Theo kinh nghiệm, thì để hoa đu đủ không còn vị đắng và ngái thì sau khi rửa, cần phải vắt nó thật khô rồi mới đem chế biến. Phần nguyên liệu này sẽ được trộn cùng muối, sả, gừng, ớt, tỏi băm nhỏ, rau thơm thì dùng lá gừng tươi, mùi tàu và không thể thiếu mắc khén giã nhỏ hay còn gọi là hạt tiêu rừng, gia vị không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc trưng cho món nộm này.
Trong phong vị ẩm thực của đồng bào Thái không thể thiếu món nộm đu đủ, cà đắng
Nộm hoa đu đủ là sự kết hợp của các loại rau và gia vị riêng có ở Tây Bắc. Đĩa nộm đạt chuẩn phải khô ráo, tỏa mùi thơm của các loại gia vị và đặc biệt không bị đắng.
Khác với các loại nộm ở miền xuôi thường cho thêm chanh và đường để tạo độ chua ngọt cho món ăn. Nộm hoa đu đủ của người Thái lại có vị mằn mặn của muối, vị ngậy của cà rừng và mùi thơm the mát của mắc khén và tỏi ớt hòa quyện.
Dưới đôi bàn tay khéo léo của người Thái, đĩa nộm xanh mát điểm xuyết màu đỏ bắt mắt của ớt cùng chút lạc rang giã nhỏ khiến bữa ăn thêm phong phú hơn. Nỗi sợ hãi ban đầu của thực khách về cái vị đắng ngắt như thuốc đã không còn nữa, thay vào đó là cảm giác thích thú khi được thưởng thức một món ăn dân giã đặc sản Tây Bắc đến từ rừng núi, với những hương vị riêng mà không nơi nào sánh được.