"Bánh phu thê (hay được gọi chệch là bánh su sê hoặc bánh xu xuê) là loại bánh ngọt cổ truyền của Việt Nam với nhân đỗ xanh hấp chín nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ" - Đó là công thức quen thuộc với hầu hết chúng ta. Nhưng hãy quên công thức này đi bởi Cồn Sơn sẽ mang đến cho bạn một loại bánh phu thê nhân mặn độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Trên chuyến phà từ bến đò Cô Bắc qua Cồn Sơn (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) Phú Đức - cậu hướng dẫn viên 20 tuổi hào hứng giới thiệu cho chúng tôi những điểm đến đặc sắc tại cù lao nổi tiếng nhất Cần Thơ. Không dưới 3 lần Đức bảo "Em sẽ đưa mọi người đến thử bánh phu thê của cô Bé Bảy. Bánh này không đâu có, chỉ ở đây mới có".
Chị Lê Thị Bé Bảy (áo xanh) - nghệ nhân làm bánh phu thê - giới thiệu món bánh gia truyền hơn 100 năm với du khách |
Bánh phu thê không phải món gì xa lại, với "team kiêng ngọt" lại càng khó hấp dẫn. Thế nhưng, vừa thấy chị Bé Bảy tay cầm mẹt bánh lá, miệng nở nụ cười tươi rói đón khách: "Bánh này trên toàn quốc chỉ có mình nhà em làm thôi. Em có thương hiệu độc quyền", cả đoàn chúng tôi, ai cũng tò mò.
Chiếc bánh bé xíu bằng ba ngón tay, gói lá vuông đều 4 góc, y như phiên bản thu nhỏ của bánh chưng. Về hình dáng, bánh phu thê của chị Bé Bảy cũng giống với bánh phu thê truyền thống của Huế. Song, thay vì gói bằng lá chuối, bánh này gói bằng lá dừa và điều đặc biệt, đây là bánh phu thê nhân mặn.
"Đây là món bánh truyền thống gia đình đã làm qua 4 đời, hơn 100 năm. Vỏ bánh không làm từ bột lọc mà từ bột nếp trộn nước cốt dừa và hành, gói trong lá dừa. Nhân mặn gồm thịt heo, lạp xưởng, trứng muối, đậu xanh. Mỗi loại được dàn ra một góc để khi thực khách cắn vào mỗi góc bánh lại có một hương vị khác nhau. 7 loại hương vị không nồng quá, không đậm vị quá nhưng khi pha trộn với nhau thì rất đậm đà. Cắn vào góc bánh sẽ thấy từng vị thiên nhiên xộc lên mũi và lưu lại ở đó, khiến thực khách nhớ mãi hương vị chiếc bánh phu thê này" - chị Bé Bảy tự hào giới thiệu.
Bánh phu thê nhân mặn ở Cồn Sơn đạt giải nhất cuộc thi Bánh dân gian Nam Bộ năm 2015 |
Chị Bé Bảy tên đầy đủ là Lê Thị Bé Bảy, sống ở Cồn Sơn, là cán bộ thuộc phòng văn hóa của quận nhưng mê du lịch. Mấy năm qua, chị đã tư vấn, vận động, cùng bà con lập nên Hợp tác xã du lịch Cồn Sơn để phát triển du lịch, cải thiện đời sống cho người dân nơi cù lao từng "5 không" (không điện, không đường, không trường học, không trạm xá, không nước sạch) giờ xuống còn "2 không" (không trường học, không trạm xá).
Món bánh phu thê nhân mặn là món gia truyền của gia đình chị đã trải qua 4 thế hệ, kéo dài hơn 100 năm. Năm 2015, chị đưa món bánh này đi dự thi bánh dân gian Nam Bộ và đạt giải nhất. Khi ra Cồn Sơn, chị mang món bánh này đi theo. Những du khách tới đây đều được trải nghiệm làm bánh, ăn bánh, mua về làm quà. Thấy nhiều người thích, chị Bé Bảy nghiên cứu thêm cách bảo quản bánh lâu hơn, đóng gói bao bì hút chân không đẹp mắt và dễ vận chuyển. Nhờ vậy, bánh để ở nhiệt độ thường có thể giữ được 4 - 5 ngày. Còn muốn để lâu hơn nữa thì bỏ vào tủ đông, -18 độ C có thể bảo quản được trong một năm. Mỗi lần ăn mang ra rã đông, hấp trong lò vi sóng. Khách du lịch, đặc biệt là Việt kiều muốn mua bánh mang theo có thể đặt riêng bánh nhân đậu xanh, không có trứng và thịt.
Mỗi ngày, nhà chị Bảy làm được khoảng 1.500 - 2.000 bánh, gối đầu để lúc nào cũng có sẵn bánh trong tủ đông, phục vụ du khách. Đặc biệt, do làm du lịch theo mô hình hợp tác xã nên mỗi nhà sẽ làm một loại bánh. Thậm chí mỗi công đoạn sẽ được chia đều cho từng hộ để đảm bảo ai cũng có thu nhập.
"Mỗi khuôn bánh giá 1.000 đồng, do 3 hộ nghèo trên cồn cùng làm. Gia đình 3 - 5 người trong buổi tối có thể bẻ được 200 - 300 cái khuôn. Nhà tôi càng bán được nhiều bánh thì các hộ càng có thêm công ăn việc làm và thu nhập" - nghệ nhân làm bánh phu thê chỉ có một trên Cồn Sơn chia sẻ.
Bánh được hút chân không thành từng gói 12 cái cho du khách dễ dàng mang đi và kéo dài thời gian bảo quản. Giá mỗi gói bánh 120.000 đồng |
Không chỉ có bánh phu thê, Cồn Sơn còn có nhiều nghệ nhân làm các loại bánh dân gian lâu đời như bánh lá mít, bánh bò, bánh da lợn, bánh kẹp... Nơi đây không có sự cạnh tranh như thường thấy ở nhiều điểm du lịch khác. Các hộ dân sống chan hòa trong tình làng nghĩa xóm, nếu hộ nào đông khách, không đủ người phục vụ thì các hộ khác sẽ qua giúp đỡ theo kiểu làm “vần công” của người Nam bộ xưa.
“Tôi thấy rất ấm lòng khi bà con nơi đây vẫn giữ được nét chân chất, mến khách của người dân miệt vườn. Chính điều này đã níu chân khách du lịch ở lại với Cồn Sơn”, một du khách chia sẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin