Đi tìm quá khứ trong hiện tại ở Thạch Bình

Theo HNMO 14:36, 18/08/2024

Huyện Thạch Bình nằm trong châu tự trị Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Huyện Thạch Bình đặc biệt có nhiều hệ thống di tích cho thấy nơi đây từng là vùng đất có truyền thống hiếu học.
Huyện Thạch Bình đặc biệt có nhiều hệ thống di tích cho thấy nơi đây từng là vùng đất có truyền thống hiếu học.

Nếu so với các huyện lân cận như Kiến Thủy, Mông Tự, Di Lặc thì Thạch Bình có phần khiêm tốn về diện tích và quy mô dân số, nhưng nơi đây lại có nền văn hóa đặc sắc, được thể hiện qua những vũ điệu truyền thống của người Di, các lễ hội dân gian và đặc biệt là hệ thống di tích cho thấy nơi đây từng là vùng đất có truyền thống hiếu học.

Vùng đất đề cao đạo học

Thạch Bình được hình thành cách đây khoảng 1.200 năm và nổi tiếng là mảnh đất đề cao đạo học, nhiều người đỗ đạt với câu nói được truyền miệng: “Năm bước ba học giả, đối mặt hai viện sĩ”. Công trình Văn Miếu Thạch Bình (hay Văn Miếu Khổng Tử) cùng Bảo tàng Thạch Bình là những minh chứng rõ nhất cho truyền thống học hành của người dân Thạch Bình.

Văn Miếu Khổng Tử tọa lạc trên đường Bắc Chính, thị trấn Di Long, huyện Thạch Bình, được xây dựng vào năm thứ 14 đời nhà Nguyên (1354). Trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi miếu này từng bị chiến tranh phá hủy và được trùng tu, tôn tạo nhiều lần; hiện có diện tích 4.257m2. Mặc dù vậy, công trình vẫn giữ được vẻ cổ kính, uy nghiêm với Văn Miếu môn, Đại Thành điện, Đại Trung môn, Đại Bái đường và đền Khải Thánh. Đặc biệt, sau Văn Miếu môn, nằm ở chính giữa khu vực Phán Trì có một cây cầu vòm đá bắc qua hồ bán nguyệt, được gọi là cầu Trạng Nguyên. Cây cầu này xưa chỉ dành cho những người đỗ đạt cao bước vào bên trong hành lễ. Các công trình đều được xây bằng chất liệu chủ đạo là gỗ và đá. Các cấu kiện được chạm khắc tinh xảo và sơn son thếp vàng lộng lẫy. Năm 2013, Văn Miếu Thạch Bình đã được Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận là Di tích trọng điểm quốc gia.

Cách không xa Văn Miếu Khổng Tử là Bảo tàng Thạch Bình. Tiền thân của bảo tàng là Học viện Yuping - trung tâm văn hóa, giáo dục lớn nhất trong lịch sử Thạch Bình. Di tích này là bằng chứng cho thấy từ cách đây nhiều thế kỷ, người Thạch Bình đã rất coi trọng giáo dục và đầu tư vào trường học.

Kể từ thời nhà Thanh, Học viện Yuping đã đào tạo một số lượng lớn văn nhân. Sau năm 1905, trường được đổi tên nhiều lần và cuối cùng có tên là Học viện Yuping. Năm 2018, học viện này được cải tạo thành Bảo tàng Thạch Bình với diện tích 3.303m2, gồm cổng Long Môn, cổng tò vò, giảng đường, tòa nhà trường học và các tòa nhà khác. Hai sân trước và sau của học viện được lát gạch vuông màu xanh lam. Hai bên là các phòng học. Tòa nhà chính có quy mô lớn là giảng đường.

Nét quyến rũ khiến nhiều du khách không thể rời mắt là các cấu kiện gỗ được chạm khắc tinh xảo. Công trình đáng chú ý nhất là cổng vòm Long Môn được làm bằng gạch, gỗ và đá, có các đường gờ và giá đỡ, các xà nhà được chạm khắc và sơn màu thể hiện sự uy nghiêm. Bốn móng trụ đỡ bốn cột đá hình rồng đầu ngẩng cao, mắt sáng. Một tấm bảng trên lối vào chính của cổng tò vò viết chữ: “Long Môn” gắn với truyền thuyết về cá chép ở sông Hoàng Hà biến thành rồng. Ẩn sâu là thông điệp người xưa khuyến khích con cháu học tập, làm việc chăm chỉ để có kiến thức uyên thâm, vượt qua các kỳ thi và thành danh.

Bên trong bảo tàng là hệ thống hiện vật được bài trí tinh tế, phản ánh lịch sử phát triển của Thạch Bình và giới thiệu những bộ sưu tập quý giá, không ít trong số đó là các bảo vật quốc gia. Năm 2022, Bảo tàng Thạch Bình được xếp hạng là Hệ thống di tích văn hóa tập thể tiên tiến quốc gia.

Sức hấp dẫn từ văn hóa bản địa

Bên cạnh những di tích lịch sử, Thạch Bình còn có nhiều điểm tham quan là sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan văn hóa. Du khách không chỉ có thể tận hưởng các cảnh quan thiên nhiên như hồ Di Long, núi U Thạch Bình, ruộng bậc thang Nguyên Dương Hani... mà còn được trải nghiệm lịch sử Trung Quốc và phong cách kiến trúc cổ tại Viên Gia Cốc, lầu Lai Hà, Đền thờ tổ tiên của gia tộc Zheng, Nhà dân gian của gia tộc Chen...

Thạch Bình cũng được mệnh danh là “quê hương của ca hát và nhảy múa”, nổi tiếng nhất là điệu múa “Hộp thuốc lá” và múa rồng nữ của dân tộc Huayao Yi từng được trình diễn tại Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008. Ngoài ra còn có giai điệu Yi Haicai, bài hát và điệu múa Huayao, múa cột lục lạc, múa trống Pula, múa gậy tang Hani và múa Hảo của dân tộc Đại.

Hơn 50% dân số ở huyện Thạch Bình là người Di. Khi đến đây, du khách nên trải nghiệm văn hóa của người Di thông qua điệu hát “Hoa yêu” cùng khúc hát “Mời rượu” truyền thống được chính những cô gái trong trang phục thổ cẩm hát tặng trong tiếng đàn rộn ràng. Khúc hát “Mời rượu” thường đi kèm với tục uống rượu thang, nghĩa là người mời khéo léo rót rượu qua những lỗ nhỏ trên ống tre để từ từ chảy vào miệng du khách.

Người Di ở Thạch Bình có rất nhiều lễ hội độc đáo. Ngày 24 tháng Sáu âm lịch là dịp Lễ hội đuốc - lễ hội lớn nhất của người Di. Vào ngày này, các làng đều chuẩn bị bữa tiệc lớn để người dân tụ họp vui vẻ. Ban đêm, dân làng thắp đuốc, hò reo, diễu hành qua cánh đồng nhằm xua đuổi ma quỷ và chào đón mùa màng tươi tốt.

Tháng Bảy âm lịch hằng năm là dịp Lễ hội thờ rồng (Jilong) của dân tộc Huayao Yi (hay Nisu) - một nhánh nhỏ của dân tộc Di, để tưởng nhớ người anh hùng Aron. Trong lễ hội có đội chào đón rồng hùng hậu và nghi lễ thờ rồng vô cùng độc đáo.

Sau những dịp lễ hội náo nhiệt, người Di trở về cuộc sống thường nhật với nhịp sống chậm rãi. Để hiểu hơn về đời sống tinh thần của họ, du khách đừng bỏ qua việc đi dạo phố cổ Thạch Bình về đêm, cùng quây quần bên bếp lớn để thưởng thức món đậu phụ nướng thơm ngậy, béo bùi.

Trái ngược với người Việt Nam, người Thạch Bình nói riêng và người Trung Quốc nói chung thường đi ngủ rất sớm và thức dậy khá muộn. Họ đi ngủ vào lúc 21 - 22h và không quên ngâm chân thuốc bắc để ngủ ngon. Vì thế, từ khoảng 22h trở đi, hầu hết các đường phố ở Thạch Bình đều trở nên tĩnh lặng. Đây cũng là nét văn hóa khác biệt mà người Việt Nam cần lưu ý khi đến Thạch Bình để có lịch trình trải nghiệm phù hợp.