Quảng bá, xúc tiến du lịch có vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách trước khi có dịch. Trong bối cảnh tình hình mới, du lịch tại các địa phương và ngành du lịch đang có sự chuyển đổi để thích ứng.
Các địa phương linh động tổ chức quảng bá trực tuyến
Nhiều tháng nay, anh Hồ Trọng Tiến, một hướng dẫn viên du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh bị kẹt lại ở phía Bắc do dịch bệnh COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam. Để tiếp tục nghề, vừa đỡ nhớ công việc lại có thể trang trải cho cuộc sống, anh Hồ Trọng Tiến mở một kênh youtube chuyên livestream các danh thắng, cảnh đẹp, đời sống tại các tỉnh phía Bắc. Trong đó, đa phần là tại các điểm du lịch, thắng cảnh và đời sống, văn hóa của đồng bào Hà Giang.
Không chỉ cá nhân anh Tiến mà kể cả ngành du lịch tỉnh Hà Giang cũng đang thúc đẩy quảng bá du lịch trên các nền tảng số. Việc tổ chức rất thành công chương trình truyền thông quảng bá, giới thiệu danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và các nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh trên các nền tảng số là minh chứng cụ thể, rõ ràng, hiệu quả xu thế này. Với mục tiêu đến năm 2023 trở thành một trong những tỉnh đi đầu của cả nước về chuyển đổi số, việc lĩnh vực du lịch, ngành du lịch và các đơn vị du lịch tích cực mở các kênh du lịch online, du lịch trên các nền tảng số.
Được biết, từ tháng 9 đến tháng 12, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình tổ chức hàng loạt tour du lịch trực tuyến độc đáo như khám phá Cố đô Hoa Lư hay cách làm đặc sản mắm tép Ninh Bình. Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình tổ chức các tour du lịch trực tuyến vào sáng chủ nhật hàng tuần, mỗi tour kéo dài từ 45 đến 60 phút. Bên cạnh các thông tin hữu ích về điểm đến, người tham gia có thể tương tác và đặt câu hỏi cho hướng dẫn viên qua trang facebook "Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Ninh Bình".
Sau chương trình đầu tiên với tên gọi “Khám phá Cố đô Hoa Lư” vào trung tuần tháng 9, hàng loạt điểm đến nổi tiếng của Ninh Bình sẽ tiếp tục “lên sóng” như đền Thái Vi, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương, động Thiên Hà, nhà thờ đá Phát Diệm, cầu ngói Kim Sơn… Nhiều món ngon và đặc sản của Ninh Bình như dê ủ chấu, nem Yên Mạc, mắm tép, miến lươn, canh cá rô Tổng Trường… cũng sẽ được giới thiệu trong các tour du lịch này.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các khu, điểm du lịch tại Ninh Bình hiện đóng cửa không đón khách. Tour du lịch trực tuyến lần này đưa du khách tham quan một số điểm đến tiêu biểu tại Ninh Bình và cũng là hoạt động để quảng bá những giá trị nổi bật của du lịch Ninh Bình. Quá trình thực hiện các tour du lịch trực tuyến đảm bảo quy định về phòng chống dịch.
Thời gian qua, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế cũng tích cực quảng bá rộng rãi bằng hình ảnh, video các điểm danh lam thắng cảnh của tỉnh trên những nền tảng mạng xã hội, tạo tiền đề để thu hút khách di lịch đến với tỉnh khi tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát.
Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xây dựng kế hoạch đón khách từ cuối tháng 10 và dự kiến công bố sàn thương mại điện tử du lịch, đồng thời có kế hoạch tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến trong tháng 11 và tháng 12 nhằm phục vụ khách du lịch trong dịp cuối năm.
Để quảng bá thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc theo chương trình thí điểm, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch cũng đã giới thiệu video clip “Việt Nam: Đi để yêu! - Roam Phu Quoc” chính thức ra mắt trên nền tảng YouTube từ cuối tháng 9 và quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội.
Thích ứng với hoàn cảnh mới
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Nhìn lại giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019 đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 lượt triệu khách nội địa, đóng góp 9,2% vào GDP cả nước. Những kết quả trên có vai trò quan trọng của truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, quảng bá qua phương tiện truyền thông và tiếp thị điện tử (e-marketing) cũng từng bước đẩy mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1% và tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7%. Từ đầu năm đến nay, du lịch nội địa tiếp tục giảm hơn 5,5% so với cùng kỳ 2020.
“Đã gần 2 năm qua, dù hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ, tuy nhiên hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì, chuyển sang hình thức trực tuyến. Các hoạt động truyền thông trên web Vietnam.travel và các trang mạng xã hội với bộ sản phẩm “Stay at home with Viet Nam”, chuyên mục “Whay not Vietnam”… nhằm kết nối và truyền thông điệp nhắc du khách tại các thị trường mục tiêu rằng Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn, làm nổi bật thương hiệu “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Những sào bún rực rỡ sắc màu tạo sức hút đối với du khách khi đến Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN
“Công tác quảng bá xúc tiến cần có sự linh hoạt, chuyển đổi phù hợp với định hướng thị trường bị thay đổi do tác động của dịch bệnh. Trong đó cần chú trọng ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để bắt kịp xu thế truyền thông, quảng bá trên thế giới phù hợp với bối cảnh, rào cản do dịch bệnh”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.
Tổng cục Du lịch đang kết hợp với một số doanh nghiệp xây dựng nền tảng kết nối dưới hình thức "Chợ du lịch trực tuyến" giữa các doanh nghiệp du lịch. "Đây là một trong những phần việc nằm trong kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động quản lý, xây dựng sản phẩm và quảng bá du lịch mà Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện trong thời gian tới để nhanh chóng phục hồi thị trường", ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Để thực hiện phục hồi du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Trùng Khánh kiến nghị Chính phủ có chính sách vaccine riêng cho một số trung tâm du lịch trọng điểm, tạo môi trường an toàn để có thể khôi phục hoạt động du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế đi du lịch Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo để Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sớm được cấp vốn điều lệ và kinh phí hoạt động, đảm bảo nguồn lực cho hoạt động truyền thông, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng đề nghị các địa phương chủ động bố trí, kêu gọi xã hội hóa tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là cho hoạt động xúc tiến quảng bá; phối hợp, tham gia các chương trình truyền thông, xúc tiến do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, cũng như chủ động tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến địa phương; Tạo điều kiện hợp tác công - tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch; huy động mọi nguồn lực, tham gia từ các cá nhân, tổ chức quan tâm; khuyến khích hình thành các liên minh, liên kết hợp tác cùng xúc tiến quảng bá điểm đến hoặc sản phẩm du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Du lịch nhanh chóng vận hành trang web mà Hội đồng Tư vấn du lịch đã thực hiện trước đó; các địa phương số hóa điểm đến, đưa lên không gian mạng. Trên cơ sở đó đơn vị chức năng sẽ quản lý và điều hành, nếu có thể thì kết nối để tạo ra cơ sở dữ liệu. Đối với các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 nhanh chóng chủ trì, phối hợp, kết nối với các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp để tổ chức diễn đàn, hội nghị xúc tiến quảng bá, đầu tư để du lịch “sống lại”.