Những ngày này, ông Dương Quang Lựa, người chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm nào luôn thấy bồi hồi, xúc động bởi những kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam ùa về. Ông là người đã lái chiếc xe vận tải đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975.
Người chiến sĩ lái xe Dương Quang Lựa ở tuổi đôi mươi năm nào giờ đã gần thất thập cổ lai hy. Ông kể: “Tôi vốn là chiến sĩ lái xe Trường Sơn (Đoàn 559), quân của tướng Đồng Sỹ Nguyên. Năm 1973, tất cả các xe của bộ đội Trường Sơn tập hợp lại thành Sư đoàn ô tô vận tải 571. Đây là Sư đoàn ô tô đầu tiên của quân đội. Tháng 3/1975, khi chúng tôi đang ở Lào thì nhận được nhiệm vụ là toàn bộ Sư đoàn rút về tập kết tại Quảng Trị từ vĩ tuyển 17 đến cao điểm 241. Tháng 4/1975, cả đơn vị nhận nhiệm vụ lên đường nhưng chưa ai biết nhiệm vụ đó cụ thể là gì”.
Ông Dương Quang Lựa nhớ rõ mồn một từng tiến trình này: “Ngày 28/4/1975, chúng tôi tiếp tục hành quân cùng các cánh quân khác theo trục đường 1 giải phóng từ Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết. Đến chiều 29/4, tôi cùng một số đồng đội nhận được một nhiệm vụ có lẽ ít xảy ra trong công tác giao nhiệm vụ của đơn vị bộ đội. Bởi, lẽ ra người giao nhiệm vụ, người nhận dẫn đường và người nhận nhiệm vụ phải biết cụ thể đích đến là gì. Nhưng cả 3 đều không biết nhau, nhiệm vụ được bí mật đến phút chót”.
Như linh cảm được một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, người chiến sĩ lái xe này đã chắc chắn hơn khi được dặn dò: “Trước khi rời đơn vị, Đại đội trưởng Xướng đưa tôi mảnh giấy và dặn “nhớ nhét trong túi áo”. Dù vội nhưng tôi vẫn kịp mở ra xem. Nội dung chỉ có: Họ tên: Dương Quang Lựa; quê quán: Mỹ An-Lục Ngạn-Hà Bắc; nhập ngũ tháng 4-1970; đơn vị: C5-D964-E512-F571-Đoàn 559. Lúc này, tôi ngầm hiểu điều gì sẽ diễn ra phía trước. Nhưng Tổ quốc cần, tôi lên đường”.
Đến vị trí tập kết của đơn vị xe tăng, tôi đi theo hai đồng chí cán bộ vào căn hầm hình vuông. Tại đó, tôi cùng những đồng chí khác nhận nhiệm vụ của vị chỉ huy: “Theo chỉ thị của trên, mũi thọc sâu của chúng ta đánh theo hướng chính diện. Chúng ta hình thành một mũi gồm 5 xe tăng và một xe vận tải chở các đồng chí đặc công. Mục tiêu là đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Đồng thời có nhiệm vụ đánh lướt qua để mở đường cho các đơn vị phía sau tiêu diệt địch. Các đồng chí tùy thuộc vào nhiệm vụ của từng người, chuẩn bị lần cuối để chờ lệnh. Với đồng chí lái xe của đơn vị bạn, đồng chí hãy cố gắng để cùng chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”. Sau đó, chiếc xe vận tải của tôi nhận có tất cả 40 chiến sĩ đặc công. Nhiệm vụ của tôi là đưa họ bám theo xe tăng. Xe không được bật đèn, sẽ có người dùng đèn pin làm hiệu lúc đi hoặc dừng”.
Cả hành trình hành quân cùng mũi thọc sâu đầu tiến đánh vào Dinh Độc Lập năm ấy có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với ông Dương Quang Lựa. Dù đã 46 năm trôi qua nhưng chuyện về người đồng đội hy sinh ở đầu cầu Sài Gòn năm nào luôn khiến ông Dương Quang Lựa xúc động khôn nguôi.
“Khi ấy, quân ta và địch giành nhau từng mét đường ở đầu cầu Sài Gòn. Phân đội xe tăng và chiếc xe vận tải chở đặc công của tôi luôn ở thế bốn phía là quân địch, nhiều thương vong xảy ra. Khi xe tiến được vào căn cứ Nước Trong, đầu cầu Sài Gòn có 20 đồng chí bị hy sinh, lúc đó có một đồng chí bị thương rất nặng. Tôi đã dùng mọi cách để băng bó nhưng trong cơn đau quằn quại, đồng chí cố nói với tôi: “Anh về nói với mẹ tôi, tôi không về được nữa đâu”. Tôi gật đầu “ừ”. Đồng chí đưa cho tôi con dao găm, hai quả lựu đạn và khẩu AK, rồi hai anh em ôm nhau. Đồng chí ấy nói được gì tôi vẫn “ừ”, vì có biết đồng chí ấy tên gì, đơn vị nào, quê ở đâu? Tất cả những chiến sĩ đặc công và tôi đều không biết tên nhau, không biết ở đơn vị nào… nhưng chúng tôi cùng một nhiệm vụ đặc biệt này”, ông Dương Quang Lựa nhớ lại.
Người đồng đội ấy đã hy sinh ngay sau đó, ông Dương Quang Lựa cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. Sau này, chiếc dao găm đã được ông Lựa gửi về bảo tàng Hậu Cần.
Tấm băng của ký ức hào hùng
Con đường từ cầu Sài Gòn để tiến đến Dinh Độc Lập có thể nói là đầy ác liệt. Ông Dương Quang Lựa kể: “Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, mũi tiến công của chúng tôi bị bao vây tứ phía. Chiếc xe của tôi vẫn luôn theo sát chiếc xe tăng thứ nhất. Chiếc xe tăng thứ nhất của đoàn xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, xe của tôi đi ngay sau đó”.
Ông Dương Quang Lựa (ở giữa) chia sẻ cùng bạn bè, đồng đội về những năm tháng chiến đấu. Ảnh: NVCC
Nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, ông Dương Quang Lựa bồi hồi: “Sau khi xe tôi vào trong, xe tăng từ các hướng và các đơn vị lần lượt tới đỗ ngoài hàng rào bao vây xung quanh Dinh Độc Lập. Trong lúc đó, các đồng chí chỉ huy đang ở trên lầu làm việc với tổng thống Dương Văn Minh để chuẩn bị đưa sang đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Thời khắc ấy đã đến, chúng tôi ôm nhau, mồ hôi, máu, nước mắt hoà vào nhau. Dù chúng tôi không biết tên, đơn vị của nhau nhưng trên mỗi cánh tay chúng tôi đều có chiếc băng hiệu nửa đỏ nửa xanh là màu cờ của Quân Giải phóng miền Nam. Tấm băng ấy sẽ còn mãi trong ký ức của mỗi người lính có mặt trong giờ phút lịch sử ấy”.
Sau thời khắc này, ông Dương Quang Lựa trở về đơn vị tiếp tục nhiệm vụ. Tất cả các cánh quân báo về Bộ Quốc phòng khẳng định trong mũi thọc sâu đầu tiên đánh vào Dinh Độc Lập có xe ô tô vận tải. “Những người xác minh thời khắc lịch sử đã đến đơn vị của tôi và khẳng định, chiếc xe vận tải tôi lái là chiếc xe đầu tiên cùng đội hình xe tăng trong thời khắc chiếm Dinh Độc Lập. Chiếc xe này đã được đưa ra triển lãm tại Triển lãm Giảng Võ. Tôi được Sư đoàn 571 đóng ở Quảng Trị gọi về vui mừng thông báo Sư đoàn được phong danh hiệu Anh hùng. Đến nay chiếc xe vận tải tôi lái ngày đó đã được phục dựng và trưng bày ở bảo tàng Hậu Cần”, ông Dương Quang Lựa cho biết.
Từ ngày chiếc xe được trưng bày tại Bảo tàng, năm nào cũng vậy, ông Dương Quang Lựa đều cùng các con cháu đều đến tham quan.
"Những kỷ niệm bi tráng, sự xúc động vẫn còn nguyên vẹn trong tôi khi nhìn thấy chiếc xe. Kỷ vật ấy đã cùng tôi vượt Trường Sơn đến được Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử. Rồi cùng tôi trở lại với hoà bình. Vinh dự và tự hào khi được một phần trong ngày trọng đại của cả dân tộc. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, khi Tổ quốc cần", ông Dương Quang Lựa nói.