Trận địa xưa bên cầu Gia Bẩy

10:44, 18/04/2021

Tôi và bạn bè hay đến quán cà phê dưới chân cầu Gia Bẩy. Từ sảnh ngoài quán thông ra bờ sông Cầu, nhìn dòng người xe cộ qua lại cầu chúng tôi thấy cảm giác thật thanh bình. Ngắm dòng sông Cầu êm trôi, ít ai biết được 56 năm trước, nó đã nhuộm đỏ máu những người dân hai bên bờ. Còn từng mố, dầm cầu Gia Bẩy đã bị bom đạn phá hủy đứt gãy làm giao thông ngưng trệ. Đó là ngày chủ nhật kinh hoàng, tang thương mà mỗi người dân thành phố Thái Nguyên khi đó chẳng thể nào quên: Ngày 17/10/1965.

Đồi Két nước hay còn gọi là đồi Cây Thông là một khu đất rộng trên cao ở khu Hoàng Văn Thụ xưa trồng nhiều thông. Theo lời những người cao tuổi kể lại, đầu thế kỷ XX, giai đoạn Khởi nghĩa Thái Nguyên, trên đồi đặt một két nước to để thực dân Pháp sử dụng. Từ đó người ta quen gọi tên Đồi Két nước. Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Vì thế, Đại đội Tự vệ Khu phố Hoàng Văn Thụ được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố khẩn trương huấn luyện bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh. Sang đầu năm 1965, Đại đội nhận nhiệm vụ xây dựng trận địa trên đồi Két Nước để bảo vệ cầu Gia Bẩy. Trung đội 1, 2 cùng lực lượng thanh niên, phụ nữ, xã viên Hợp tác xã Hồng Hà ngày đêm đào đắp hàng trăm mét hào giao thông quanh trận địa. Sau khi xây dựng trận địa xong, Trung đội 2 được bố trí 1 khẩu thượng liên, chục khẩu súng trường K44, trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ.

Lịch sử đã ghi lại: Từ 9 giờ 55 phút đến 10 giờ 30 phút ngày 17/10/1965, giặc Mỹ huy động 29 lần chiếc máy bay, ném 116 quả bom phá xuống cầu Gia Bảy và nhiều loạt đoạn tên lửa xuống trận địa pháp cao xạ của Trung đoàn 210 ở xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của chúng vào Thái Nguyên. Khi máy bay địch tới, Đại đội tự vệ không hề nao núng, tiếp tục nhằm thẳng máy bay địch bắn, đẩy chúng lên cao tạo điều kiện cho đơn vị bộ đội cao xạ Trung đoàn 210 bắn rơi một chiếc. Nhưng sức tàn phá quá lớn của trận bom đã khiến cầu Gia Bẩy bị hỏng hai mố, dầm chủ và dầm bên thượng lưu, hạ lưu bị đứt khiến giao thông hoàn toàn ngưng trệ. Đau thương hơn là bom Mỹ đã làm 147 người chết và bị thương; 45 ngôi nhà ở hai bên đầu cầu bị cháy, đổ; ba cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, hai xe ô tô và 10 xe đạp bị phá hủy. 32 cán bộ chiến sĩ trong Đại đội tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ thương vong (15 người hy sinh).

Ông Nông Quốc Toàn (em trai liệt sĩ Nông Quốc Khánh, xạ thủ Đại đội tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ): Năm sinh và quê quán của anh tôi tại Bia tưởng niệm 15 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh ngày 17-10-1965 đặt tại đầu cầu Gia Bẩy hiện nay đang ghi chưa chính xác, đề nghị các cấp chính quyền sửa chữa lại.

Trong quá trình tìm các nhân chứng tham gia trận đánh giữ cầu Gia Bảy, tôi đã gặp hai người phụ nữ cùng tên Dung gắn với sự kiện lịch sử này, một là nữ dân quân tự vệ, một là y tá tham gia cứu thương. Trong căn nhà nhỏ giản dị cuối ngõ 4, đường đê Nông lâm, bà Trần Thị Kim Dung, sinh năm 1949, khi đó được biên chế ở Đội Dân quân tự vệ Gia Bẩy chậm rãi hồi tưởng lại sự kiện ngày 17/10/1965 mà bà không thể nào quên suốt cả cuộc đời. Tối hôm trước, chúng tôi nhận được lệnh của Đoàn Thanh niên ngày hôm sau sẽ sửa chữa hào quân sự và cá nhân. Hôm đó là Chủ nhật, nên người ở các nơi về chơi thị xã và đi chợ Trung tâm rất đông. Khoảng gần 10 giờ sáng, chúng tôi phát hiện máy bay ném bom từ hướng Linh Nham, theo trục đường 1B vào cầu Gia Bẩy. Khi đó, tôi đang cùng mọi người sửa chữa hào cá nhân thì bị bom đánh trúng ngất đi. Hôn mê sau mấy ngày tỉnh lại, tôi đau đớn, xót xa, khóc hết nước mắt khi biết mình bị thương phải cắt bỏ một cánh tay.

Tôi nhìn người đàn bà ngoài 70 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hằn vết thời gian tàn phá song luôn lạc quan, yêu đời. Bà Dung dừng lời, xúc động: Khi từ nơi sơ tán trong xã Phúc Trìu về, tôi mới thấy cảnh tượng kinh hoàng. Tiểu khu Gia Bẩy xinh đẹp với từng góc phố thân quen nơi tôi thường thích thú ngắm hai cây phượng đầu cầu, cạnh đó có quán phở rất ngon giờ đã tan hoang, đổ nát. Trận bom đã cày xới tung khu phố, đường đi chi chít hố bom, cây cầu sập xuống, xác người la liệt, dòng sông Gia Bẩy cuộn sóng đỏ ngầu, sặc tanh mùi máu… 15 đồng đội của tôi: Nông Quốc Khánh, Vũ Quang Bồng, Phan Văn Giao, Lê Xuân Tảo, Vũ Thị Bích Hợi… đã anh dũng hy sinh. Tôi thấy so với đồng đội, mình vẫn thật may mắn bởi đã thoát chết. Cũng như tôi, nhiều chiến sĩ Đại đội tự vệ đã bị thương, trong đó có ông Vũ Đình Đức, Đại Đội phó bị thương nặng còn bị mất trí nhớ một thời gian.

Tôi như bị cuốn theo dòng hồi ức của bà Dung: Còn nhớ hôm ấy, ông Bá Đức Khảm, Đại đội trưởng đi học ở Hà Nội nên ông Vũ Đình Đức, Đại Đội phó Đại đội tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ đã chỉ huy trận đánh cùng ông Trần Văn Đương, Trung đội trưởng. Sau này tôi có nghe ông Đức kể lại sự kiện hôm đó: Khi thấy một chiếc máy bay bay rất thấp, đúng cự ly ngắm bắn của xạ thủ Nông Quốc Khánh và các tay súng trường, nhận lệnh của chỉ huy, các tay súng đồng loạt nhả đạn. Đúng lúc trận đánh diễn ra ác liệt thì từ phía Đông Nam, một tốp máy bay đánh lạc hướng bất ngờ bổ nhào cắt bom thẳng vào trận địa. Xạ thủ Nông Quốc Khánh và các tay súng trường hầu hết hy sinh tại chỗ, một số bị thương. Sau loạt bom đầu nhiều người chết, còn người bị thương được nữ y tá Nguyễn Thị Mỹ Dung cấp cứu.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, nữ y tá năm xưa cứu thương các chiến sĩ Đại đội tự vệ Hoàng Văn Thụ cùng chồng xem lại kỷ vật, ôn lại kỷ niệm về ngày 17/110/1965.

Đã 56 năm trôi qua nhưng trong trí nhớ của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, sinh năm 1944, nữ y tá tham gia cứu thương cho các chiến sĩ trong trận đánh giữ cầu Gia Bảy, ngày 17/10/1965 như mới xảy ra hôm qua: Thời điểm đó, tôi là xã viên của Hợp tác xã Cờ Hồng, đồng thời làm y tá của đội cứu thương Hoàng Văn Thụ. Sau loạt bom thứ nhất dội xuống trưa hôm ấy, tôi vội vã từ bên Đồng Bẩm chạy lên trận địa đồi Két Nước xem có trợ giúp được gì cho anh em bị thương không. Tôi đã băng bó, sơ cứu vết thương cho anh Phan Văn Giao, Vũ Quang Bồng, chị Vũ Thị Bích Hợi (sau trận đánh này vì vết thương quá nặng họ đã hy sinh). Vừa kịp băng bó cho ba người xong thì loạt bom thứ hai dội xuống, tôi bị ngất đi, quần áo rách tơi tả, mặt đầy khói súng và đất vùi lấp ở hầm cứu thương. Sau đó, tôi được chồng là nhân viên Sở điện lực khi đi kiểm tra đường điện trên trận địa thấy đã đưa về nhà.

Đồi Két nước nay chỉ còn trong ký ức của bà Dung, ông Đức, ông Hợp, những chiến sĩ đội tự vệ và những người con Thái Nguyên xưa. Trận địa ngày ấy nay đã là khu dân cư đông đúc. Bên dòng sông Cầu là Bia tưởng niệm 15 chiến sĩ tự vệ tiểu khu Gia Bẩy đã hy sinh trong trận đánh ngày 17/10/1965 được dựng lên, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Các anh chị nằm đó, mãi mãi tuổi thanh xuân. Có người còn chưa có bạn trai, bạn gái, có người vừa làm lễ ăn hỏi, chuẩn bị cưới vợ thì hy sinh như xạ thủ Nông Quốc Khánh. Địa điểm bia tưởng niệm để nhắc nhớ cho thế hệ sau niềm tự hào rằng sau sự yên ả của khu phố và sự thơ mộng của sông Cầu hôm nay đã được đánh đổi bởi bao máu và nước mắt của những dân, những chiến sĩ anh dũng chống trả sự tàn phá của bom Mỹ năm ấy.