Nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho quân nhân

09:43, 10/07/2021

Vừa qua, trên báo Thái Nguyên có bài viết “Con hy sinh hơn 40 năm, mẹ 90 tuổi chưa được công nhận Mẹ liệt sĩ”. Bài viết phản ánh việc quân nhân Trần Đình Thi, xóm Chăn Nuôi, xã Vạn Thọ (Đại Từ) hy sinh năm 1979 tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đến nay chưa được công nhận là liệt sĩ. Để tìm câu trả lời tại sao gia đình quân nhân Trần Đình Thi chưa nhận được tấm Bằng Tổ quốc ghi công, chúng tôi đã đến các cơ quan chức năng để tìm hiểu thêm về quá trình làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho quân nhân Trần Đình Thi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Trần Đình Thi đã được Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh gửi cơ quan chức năng từ năm 2018. Tuy nhiên, mãi đến tháng 5-2021, Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới có văn bản trả lời. Theo đó, việc xác nhận liệt sĩ hiện nay được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ Quốc phòng.

Có 2 nguyên nhân khiến quân nhân Trần Đình Thi chưa được công nhận liệt sĩ là: Căn cứ xác nhận theo khoản 2, điều 3 của Thông tư này là: Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước. Tuy nhiên, tại giấy xác nhận số 01/GXN-SLĐTBXH ngày 1/8/2018 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng xác nhận phần mộ của quân nhân Thi tại nghĩa trang địa phương, nhưng không thể hiện thời điểm an táng hài cốt và gắn bia mộ. Nguyên nhân thứ hai là, Quyết định số 1632/QĐ-BCH ngày 30/5/2018 của Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng thể hiện đơn vị thu hồi, hủy bỏ giá trị Giấy báo tử tử sĩ số 201/BT ngày 30/10/1979 của quân nhân Trần Đình Thi với lý do bản tự thuật ngày 20/10/1979 của ông Nông Quốc Thái một mình tự thuật, tự ký và kết luận về trường hợp quân nhân Trần Đình Thi, như vậy là không đúng bản chất sự việc, không khách quan, trung thực và không có giá trị về mặt pháp lý (tức là hủy bỏ hồ sơ tử sĩ để làm hồ sơ liệt sĩ). Tuy nhiên, không kèm theo hồ sơ báo tử của tử sĩ nên chưa đủ căn cứ để xem xét toàn diện hồ sơ của quân nhân Trần Đình Thi.

Sau khi Báo Thái Nguyên thông tin về sự việc, Bộ CHQS tỉnh đã cử đoàn công tác trực tiếp lên Cao Bằng để xác minh. Kết quả, tại cuốn sổ danh sách mộ liệt sĩ của huyện Hà Quảng, được thiết lập từ ngày 25/6/1993, có tên quân nhân Trần Đình Thi, hy sinh năm 1979, số mộ 12, hàng dọc số 2, hàng ngang số 3, nơi hy sinh và chôn cất ở xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng. Điều này chứng minh, phần mộ này đã được đưa vào nghĩa trang từ thời điểm năm 1993 trở về trước. Sau khi làm việc với Phòng LĐ-TB&XH huyện Hà Quảng, Đoàn công tác đã ra vị trí mộ quân nhân Trần Đình Thi để xác minh. Căn cứ vào đó, Bộ CHQS tỉnh đã đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng bổ sung thêm vào giấy xác nhận thông tin mộ liệt sĩ về thời điểm an táng hài cốt quân nhân Thi vào nghĩa trang liệt sĩ địa phương là trước ngày 31/12/1994. Về phần hồ sơ tử sĩ của quân nhân Thi hiện đang được lưu giữ tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên.

Thiếu tá Dương Sỹ Hào, Trưởng ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Việc xác minh thông tin về quân nhân Trần Đình Thi, lẽ ra đơn vị chỉ cần gửi công văn đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng thực hiện, song vì không muốn mất thêm thời gian chờ đợi, nên chúng tôi đã cử cán bộ trực tiếp lên xác minh. Đến nay, chúng tôi đã thu thập được những giấy tờ liên quan đến quân nhân Trần Đình Thi mà tỉnh Cao Bằng lưu giữ được để bổ sung vào hồ sơ. Hiện nay, đơn vị đang khẩn trương củng cố hồ sơ theo yêu cầu của Cục Người có công và sẽ gửi đến Cục Chính trị, Quân khu 1 trong vòng 1-2 ngày tới để Quân khu 1 xét duyệt và tiếp tục gửi hồ sơ đề nghị lên cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công.