Lần đầu tiên có mặt trong khối trường sĩ quan Quân đội (gồm: Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Sĩ quan Chính trị) ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, tôi cùng nhiều cán bộ, giáo viên không khỏi bồi hồi, xúc động vì lần đầu tiên được ra thăm quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa. Ảnh: THANH HẰNG |
Hải trình của đoàn xuất phát từ cảng Cát Lái thuộc Lữ đoàn 125 (Vùng 2 Hải quân) - đảo Len Đao - đảo Sinh Tồn Đông - đảo An Bang - đảo Đá Đông B - đảo Đá Tây A - Trường Sa Lớn - Nhà giàn DK1/21. Tàu lênh đênh trên biển hai ngày hai đêm đưa đoàn đến đảo Len Đao. Đêm ấy chúng tôi mong trời nhanh sáng để tận mắt nhìn thấy đảo thân yêu của Tổ quốc. Trước lúc bình minh lên, chúng tôi đã có mặt trên boong tàu. Và rồi Len Đao dần hiện ra trước mắt.
Khi lên thăm đảo Len Đao và Nhà giàn DK1/21, chúng tôi làm lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trên tay chúng tôi là những con hạc giấy được tự tay các đại biểu gấp từ đêm hôm trước và những bông hoa cúc đủ sắc màu được mang từ đất liền ra, sau lễ tưởng niệm, hoa và hạc giấy được thả xuống biển khơi, mong hương hồn các anh phù hộ cho quốc thái dân an.
Trên hành trình 1.300 hải lý, chúng tôi đã đến thăm 4 đảo nổi (Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, An Bang, Trường Sa Lớn), 2 đảo chìm (Len Đao, Đá Đông B). Chúng tôi thấy cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, học tập, công tác của bộ đội và nhân dân trên các đảo ngày càng được cải thiện; có điện năng lượng mặt trời thắp sáng, có sách, báo, phòng Hồ Chí Minh, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, xem truyền hình, điện thoại gọi về đất liền.
Tại đảo Đá Tây A, Trường Sa Lớn, công tác tăng gia sản xuất nhất là trồng rau xanh được chú trọng phát triển; các đảo xây bể chứa nước ngọt bảo đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bộ đội và nhân dân. Hệ thống nhà vệ sinh năng lượng mặt trời sử dụng nước biển do Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cung cấp ở các đảo bảo đảm mỹ quan, tiện lợi.
Thời tiết biển, đảo tuy khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ trên các đảo dành nhiều công sức chăm sóc vườn hoa, cây cảnh xanh, đẹp, những chậu hoa giấy đa màu (multicolor) khoe sắc trước sóng gió của biển cả; hoa mười giờ đỏ thắm dọc lối đi; những giỏ hoa lan nở tươi tắn; đảo nổi được phủ xanh bởi những rặng phi lao, cây bàng quả vuông tỏa bóng mát. Qua đó mới thấy giá trị sức lao động của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo thật đáng trân trọng!
Sau một tuần ra thăm tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đội ngũ cán bộ, giáo viên ai nấy đều tự hào về truyền thống bảo vệ chủ quyền biển, đảo của lớp lớp các thế hệ. Trở về đất liền rồi mà những vần điệu trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” tương truyền của Lý Thường Kiệt như vẫn vọng trong tâm trí chúng tôi: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin