Khoảng 2.500 người Guatemala đã trở thành "vật thí nghiệm" cho một nghiên cứu về các bệnh lây truyền qua đường tình dục của Mỹ trong những năm 1940. Trong đó có cả những bệnh nhân đang sống thực vật. Các chi tiết gây sốc vừa được tiết lộ đã khiến các cuộc thử nghiệm tại Guatemala vào thế kỷ trước được xem là một chương đen tối của lịch sử y học Mỹ.
"Những người thực hiện nghiên cứu đã đặt kết quả họ đạt được lên hàng đầu và sức khỏe con người bị đẩy xuống hàng thứ yếu", Anita Allen, thành viên của một ủy ban do Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu thành lập cho biết. Theo những số liệu mới nhất, trong thời gian từ năm 1946 đến năm 1948, với sự tài trợ của chính phủ, Cơ quan Y tế cộng đồng Mỹ hợp tác với một số cơ quan y học của Guatemala đã tiến hành những nghiên cứu về tác dụng của thuốc kháng sinh Penecillin với các bệnh nhân hoa liễu như giang mai, lậu... Khoảng 1.300 người từ binh sĩ, tù nhân, gái điếm đến bệnh nhân tâm thần đã lây nhiễm vi khuẩn. Thậm chí, có 7 phụ nữ mắc chứng tâm thần tại một nhà thương điên của Guatemala đã bị tiêm vi khuẩn giang mai ở phía sau hộp sọ, một chu trình cực kỳ nguy hiểm nhằm tìm hiểu việc vi khuẩn này có khả năng giúp chữa bệnh điên hay không. Tất cả những bệnh nhân này đều bị viêm màng não dù sau đó đã được điều trị.
Tuy nhiên, thông tin gây chấn động nhất là việc để mau chóng xác định được tiến triển của bệnh, một phụ nữ đã bị tiêm vi khuẩn lậu vào mắt, nơi tập trung nhiều cơ quan thần kinh quan trọng của cơ thể cùng một số vị trí khác. 6 tháng sau, nạn nhân xấu số tử vong. Mặc dù vậy, chỉ 700 người trong số đó được điều trị bằng loại thuốc được xem là thần dược của con người vào thời điểm đó. 83 người đã chết cho đến năm 1953 dù hiện chưa rõ liệu những ca tử vong này có liên quan trực tiếp đến các cuộc thí nghiệm hay không.
Nghiên cứu không mang lại những kết quả y học có nhiều giá trị và đã được giấu kín suốt nhiều thập kỷ, cho đến khi bị đưa ra ánh sáng vào năm ngoái sau khi giáo sư Susan Reverby của Trường Đại học Wellesley phát hiện những báo cáo liên quan trong tài liệu của bác sỹ John Cutler, người chủ trì các cuộc thí nghiệm. Chính vị bác sĩ này cũng đã tham gia cuộc thí nghiệm gây tranh cãi Tuskegee ở Indiana khi các tù nhân người Mỹ gốc Phi bị cho nhiễm lậu và giang mai mà không nhận được bất kỳ sự điều trị nào từ năm 1932 đến năm 1972. Song, những người tham gia đều là tự nguyện và họ đã được thông báo trước về sự việc trong khi tại Guatemala, không ai được giải thích cũng như không có một thỏa thuận nào trước khi bước vào các thí nghiệm đầy rủi ro.
Nhiều người đã xem vụ việc là một tội ác chống lại loài người do vi phạm những nguyên tắc đạo đức căn bản. Cũng có ý kiến ví đây như là một hành động của phát xít Đức. Nếu đội quân của Hitler sử dụng các tù binh Ba Lan, Nga và Do Thái để phục vụ các thử nghiệm về bệnh sốt rét và sốt phát ban, các nhà khoa học Mỹ đã dùng người Guatemala. Cho đến nay có đủ bằng chứng để kết luận rằng có sự hợp tác giữa nhà chức trách Mỹ và quốc gia Trung Mỹ trong thí nghiệm này. Ít nhất 9 bác sỹ bản địa đã trực tiếp tham gia quá trình nghiên cứu. 8 người đã chết và chính quyền Guatemala đang tìm kiếm người thứ 9 được cho là hiện vào khoảng 90 tuổi.
Tổng thống Guatemala Alvaro Colom đã nhận được lời xin lỗi từ Tổng thống Mỹ Barack Obama với khẳng định hành động này hoàn toàn đi ngược lại những giá trị Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ của ông A.Colom vẫn tuyên bố sẽ tự tiến hành các cuộc điều tra riêng rẽ trước áp lực kêu gọi đưa vụ việc ra tòa án quốc tế của người dân đang hết sức phẫn nộ. Sự vụ vẫn đang tiếp tục được thảo luận trước khi báo cáo cuối cùng được hoàn thành vào tháng 12 năm nay.