Cuộc bầu cử lần này được xem là cuộc bỏ phiếu lịch sử để quyết định tương lai của Ai Cập.
Chưa đầy 1 tuần nữa, Ai Cập sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 (16 - 17/6). Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước Ai Cập gặp nhiều bất ổn, cuộc bầu cử được báo hiệu sẽ gặp nhiều chông gai.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập, khoảng 260.000 người dân Ai Cập ở nước ngoài đã tham gia vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống. Sứ quán và lãnh sự Ai Cập tại hơn 160 nước hiện đang thực hiện quá trình kiểm phiếu.
Theo kết quả sơ bộ, tương tự như kết quả vòng 1, ứng cử viên của Tổ chức Anh em hồi giáo, Mohamed Mursi hiện đang chiếm ưu thế so với ứng cử viên Ahmed Shafiq, cựu Thủ tướng thời Tổng thống Mubarak.
Cuộc bầu cử ở Ai Cập phải bước vào vòng 2 giữa ứng cử viên Mohamed Mursi của Tổ chức Anh em Hồi giáo và Ahmed Shafiq, cựu Thủ tướng dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak cho thấy, ván cờ chính trị ở xứ Kim Tự tháp không dễ dàng. Mặc dù dẫn đầu trong vòng 1 của cuộc bầu cử tổng thống, song điều đó không có nghĩa là ông Mursi sẽ dễ dàng giành chiến thắng.
Hiện nay có thông tin rằng, Tổ chức Anh em Hồi giáo đang tìm cách thâu tóm quyền lực, thậm chí nắm vai trò độc quyền trong chính phủ dân sự đầu tiên của Ai Cập và sẽ xây dựng đất nước thành một quốc gia Hồi giáo cứng rắn.
Theo ứng cử viên Shafiq, ông Mursi đang dồn sức lôi kéo khối cử tri ủng hộ các ứng cử viên ôn hòa trong vòng 1 để chống lại ông: “Đảng anh em Hồi giáo chỉ muốn sự hỗn loạn. Họ không chấp nhân cơ hội việc làm cho người dân. Họ là một tổ chức sống trong quá khứ và trong bóng tối. Họ chỉ quan tâm đến giấc mơ theo đuổi quyền lực và kiểm soát quyền lực. Tổ chức anh em Hồi giáo đã xúc phạm, đe dọa cử tri”.
Nhằm trấn an những cử tri không thuộc phe Hồi giáo, ông Mursi tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức Anh em Hồi giáo để có thể trở thành một tổng thống không đảng phái. Mới đây, ông Mursi cùng hai ứng cử viên thất cử trong vòng 1 là Hamdin Sabahi và Abu Fotouh đã đề xuất thành lập Hội đồng Tổng thống lâm thời để lãnh đạo đất nước; trong đó ông Mursi sẽ là người đứng đầu và các vị trí phó dành cho hai nhân vật còn lại.
Tuy ở vào thời điểm hiện tại, Tổ chức Anh em Hồi giáo đang có nhiều lợi thế, nhưng cho đến nay, tổ chức này vẫn chưa tạo được niềm tin về khả năng điều hành đất nước và tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế. Hơn nữa, Anh em Hồi giáo và quân đội cầm quyền chưa có được tiếng nói chung cũng như lực lượng này nếu thắng thế xem ra khó thúc đẩy được quan hệ với phương Tây.
Vào ngày 14/6, chỉ hai ngày trước thời điểm bầu cử Tổng thống vòng hai, Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập sẽ phải xét xử hai vụ việc mà kết quả phân xử rất có thể sẽ làm đảo lộn cuộc đua giành ghế Tổng thống. Trong vụ việc thứ nhất, tòa án đang xét lại việc tòa án cấp dưới phán quyết rằng luật tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội hồi cuối năm 2011 là vi hiến. Nếu Tòa án Hiến pháp Tối cao chấp nhận phán quyết này của tòa án cấp dưới, Quốc hội hiện nay - nơi tổ chức Anh Em Hồi giáo là đảng lớn nhất, với gần 1/2 số ghế - sẽ bị giải tán và người dân Ai Cập sẽ phải bỏ phiếu lại để bầu ra một cơ quan lập pháp mới.
Vụ việc thứ hai là xem xét liệu ông Shafiq có được tiếp tục tham gia cuộc đua tranh chức Tổng thống hay không. Tòa án sẽ đưa ra quyết định chính thức về hiệu lực của luật "tước quyền chính trị" vốn đã được Quốc hội thông qua, theo đó cấm nhiều nhân vật thuộc chính quyền cũ ra tranh cử. Nếu Tòa án ủng hộ luật này, ông Shafiq sẽ phải bỏ cuộc và cuộc bầu cử Tổng thống có thể phải bắt đầu lại từ đầu.
Bên cạnh đó, một vấn đề không kém phần quan trọng và cũng thu hút sự chú ý của dư luận là việc thành lập Uỷ ban soạn thảo hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội Saad El-Katatni thông báo, Quốc hội Ai Cập sẽ họp vào sáng 11/6 để ban hành đạo luật quy định các tiêu chí cho việc lựa chọn các thành viên của Ủy ban lập hiến.
Ông Katatni cho biết đạo luật sẽ cấm bất kỳ đảng phái nào được lấn át quá trình soạn thảo Hiến pháp. Thượng viện và Hạ viện sẽ họp vào ngày 12/6 để bầu ra thành viên của Ủy ban lập hiến bao gồm 100 thành viên theo quy định của đạo luật này.
Các đảng phái Ai Cập trước đó đã thống nhất chỉ một nửa thành viên của Ủy ban sẽ là Hồi giáo, số còn lại là đại diện của các phong trào và tổ chức thuộc nhiều thành phần xã hội.
Ủy ban lập hiến trước đó đã bị Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập giải tán do đã vi phạm Tuyên bố hiến pháp được thông qua năm 2011.
Trên tất cả những vấn đề còn tồn tại, vận mệnh quốc gia Ai Cập đang trông đợi vào lựa chọn của cử tri nước này. Kỷ nguyên mới đặt dấu chấm hết cho thời kỳ khủng hoảng chính trị để phát triển hay lún sâu vào khủng hoảng đang trông đợi vào quyết định trên từng lá phiếu trong cuộc bầu cử tới. Đây quả là sự lựa chọn không dễ dàng cho mỗi cử tri Ai Cập./.