Hiện tượng băng tan ở các khu vực xung quanh Bắc Cực đã gia tăng gấp 3 lần và cứ mỗi giây lại có tới 14.000 tấn nước tại đây đổ ra các đại dương.
Đây là kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học của Chile, Canada, Mỹ, Hà Lan và Na Uy, vừa được đăng tải trên tạp chí Environmental Research Letters.
Giáo sư Jason Box thuộc Cục Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS) cảnh báo: “Chúng ta không phải chờ tới cuối thế kỷ này để chứng kiến những vấn đề liên quan tới mực nước biển dâng. Các vấn đề đã hiện hữu ngay ở thời điểm hiện tại”.
Theo tính toán của ông Box, trong giai đoạn 2005-2015, tổng lượng băng mất đi tại Bắc Cực là 447 tỷ tấn/năm, tương đương cứ mỗi giây lại có 14.000 tấn nước đổ ra biển. Trong giai đoạn 1986-2005, lượng băng tan ước tính khoảng 5.000 tấn/giây. Điều này có nghĩa rằng, tốc độ băng tan ở Bắc Cực giai đoạn 2005-2015 diễn ra nhanh gấp gần 3 lần so với giai đoạn 1986-2005.
Số liệu do Environmental Reseach Letters công bố cho thấy hiện tượng tan băng ở Bắc Cực từ năm 1971 tới nay đã khiến mực nước biển dâng 2,3 cm. Không chỉ riêng ở Bắc Cực, tình trạng băng tan cũng đang diễn ra ở Nam Cực một cách nhanh chóng. Những yếu tố này không chỉ khiến mực nước biển dâng cao hơn trong những thập kỷ tới mà còn gây ra những đe dọa nghiêm trọng về môi trường.
Kết quả một công trình nghiên cứu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng chỉ ra rằng, mực nước biển đang tăng khoảng 3 mm mỗi năm. Đây là hậu quả của các yếu tố kết hợp gồm hiện tượng tan băng ở khu vực quanh Bắc Cực, Nam Cực và hiện tượng tăng mực nước tự nhiên khi các đại dương ấm hơn./.