Năm 2018, Phần Lan được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Trình độ học vấn và tỉ lệ người lao động có việc làm là một trong những yếu tố mang lại thành công này. Vậy, cùng tìm hiểu về hệ thống giáo dục đại học tại quốc gia Bắc Âu này, chi phí học tập cũng như tại sao sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể vào làm việc tại các công ty trên khắp thế giới?
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, giới trẻ Phần Lan có thể lựa chọn giữa việc tiếp tục theo học bậc đại học hoặc các trường dạy nghề. Học sinh tốt nghiệp trường nghề sẽ được trao bằng trung cấp chuyên nghiệp. Thời gian học tại 2 hệ thống này là tương đương, kéo dài từ 3 đến 3,5 năm, do đó người Phần Lan có xu hướng nộp đơn vào các trường đại học hoặc đại học khoa học ứng dụng hơn.
Tại Phần Lan, có tất cả 14 trường đại học tổng hợp và 23 trường đại học khoa học ứng dụng với 1,29 triệu sinh viên theo số liệu năm 2017, chiếm 23,5% dân số.
Miễn phí cho sinh viên bản xứ
Hệ thống trường trung học cũng như đại học tại Phần Lan đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Thông thường, 1 tín chỉ tương đương với 25 giờ học, mỗi năm học sẽ có khoảng 3-4 tín chỉ. Để tốt nghiệp hệ trung cấp nghề, học viên cần hoàn thành khoảng 180 tín chỉ, trong khi tại các trường khoa học ứng dụng là 210, con số này có thể thay đổi tùy từng trường. Không đủ tín chỉ thì đương nhiên, học viên không thể tốt nghiệp và khóa học sẽ bị kéo dài.
Đối với người Phần Lan, vào học đại học khá đơn giản, nộp đủ hồ sơ qua website, lựa chọn chương trình học phù hợp và thi. Dù thí sinh thi vào các trường đại học khác nhau, nhưng nếu cùng một chuyên ngành thì chỉ cần thi một lần duy nhất. Thí sinh lựa chọn các trường theo thứ tự ưu tiên, dựa trên kết quả bài thi, sẽ được trường đại học đầu tiên trong danh sách nhận, hoặc nếu như không đủ điểm, sẽ được ghi danh tại trường thứ 2 hoặc các trường lần lượt sau đó trong danh sách.
Đối với người Phần Lan, mọi chương trình giáo dục, kể cả bằng tiếng Anh, từ bậc tiểu học cho tới đại học, đều miễn phí. Sinh viên chỉ phải chi trả tiền ăn, ở và thậm chí với những ai muốn thì có thể nộp đơn để nhận được khoản trợ cấp từ KELA - tổ chức bảo hiểm của Chính phủ với số tiền từ 150-500 euro/tháng, là mức chi phí chỗ ở tại ký túc xá sinh viên.
Đối với sinh viên nước ngoài theo học bằng tiếng Anh sẽ phải đóng học phí từ 2.000-10.000 euro/năm học tại các trường đại học khoa học ứng dụng, vốn là lựa chọn của phần lớn sinh viên. Trong khi đó, nếu học bằng tiếng Phần Lan thì sinh viên quốc tế sẽ được miễn phí. Sinh viên các nước có thể làm đơn xin giảm học phí cho năm học tiếp theo trong trường hợp hoàn thành xuất sắc năm thứ nhất. KELA có chương trình hỗ trợ duy nhất cho tất cả sinh viên là giảm chi phí cho bữa trưa tại căng tin của trường.
Mặc dù chi phí học tập và sinh hoạt được đánh giá là đắt đỏ, song sinh viên nước ngoài, phần lớn là từ Nga và Việt Nam, vẫn chọn Phần Lan là điểm đến cho quãng đời sinh viên. Ví dụ, có tới 40% sinh viên là người Nga và 40% là người Việt Nam, 10% sinh viên các quốc tịch khác và 10% sinh viên bản địa theo học chuyên ngành du lịch bằng tiếng Anh tại Phần Lan. Còn đối với chương trình học bằng tiếng Phần Lan thì chủ yếu là sinh viên Phần Lan với khoảng 10% sinh viên nước ngoài biết tiếng Phần Lan theo học.
Độ tuổi bắt đầu vào học đại học là khoảng 19-20, ngay sau khi học sinh tốt nghiệp trung học, trong khi độ tuổi này ở sinh viên Phần Lan đã nâng lên 22. Sau khi tốt nghiệp trung học, học sinh nước này dành thời gian đi du lịch, tham gia các chương trình tình nguyện ở nước ngoài, khám phá bản thân hay tìm công việc thực sự phù hợp. Sau khi xác định chắc chắn mục tiêu cho bản thân, họ mới nộp đơn vào các trường đại học.
Ở Phần Lan, có thể dễ dàng bắt gặp những sinh viên 30, 40 và thậm chí là 50 tuổi. Sau khi nhận bằng thứ nhất, họ có thể tiếp tục theo học văn bằng thứ 2, đó có thể là để có thêm cơ hội thăng tiến, hoặc đơn giản chỉ là để bổ sung kiến thức cho bản thân. Việc nhập học ở trường đại học thứ 2 cũng miễn phí đối với sinh viên Phần Lan. Không có ranh giới gì giữa các sinh viên dù họ ở độ tuổi nào đi nữa. Giao tiếp giữa giáo viên với sinh viên tại Phần Lan luôn biểu hiện sự thân mật và hòa đồng thông qua cách xưng hô bằng tên, chứ không bằng họ.
Tính ưu việt của giáo dục mang tính thực tiễn
Theo thống kê, một nửa số sinh viên tại Phần Lan tìm được việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nguyên do là sinh viên bắt buộc phải thực tập vào mỗi mùa hè. Nhờ sự hợp tác giữa các trường đại học với các công ty môi giới việc làm, sinh viên sẽ được nhận không những miễn phí mà còn có thể được trả lương cho các kỳ thực tập tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và Mỹ. Do vậy, hồ sơ của các tân binh thường rất ‘đẹp’ với tên của nhiều công ty nổi tiếng và cũng chính bởi vậy, sinh viên tốt nghiệp tại các trường ở Phần Lan có thể dễ dàng tìm việc tại bất cứ đâu trên thế giới.
Hầu hết sinh viên Phần Lan trẻ tuổi đều làm thêm khi còn đi học để có thêm tiền tiêu vặt.
Cách tiếp cận giáo dục ở Phần Lan khác biệt ở chỗ tạo cho sinh viên sự tự tin, bằng cách khuyến khích tự chủ và tư duy logic. Về cơ bản, tài liệu không được đưa ra ở dạng bài giảng và ghi chú khô khan: Giáo viên giải thích chủ đề và đưa ra câu hỏi để người học suy nghĩ. Sau đó, các sinh viên, chia thành các nhóm, trình bày vào cuối giờ học với câu trả lời cho các câu hỏi và kế hoạch rõ ràng để giải quyết vấn đề, sau đó biến các dự án của họ thành hiện thực. Quá trình học tập khá dễ dàng. Ngay cả các bài kiểm tra cũng cho phép thi lại 2 lần và người học có thể học lại khóa học mà không giới hạn số lần nếu chưa thể thi qua và quá trình học tập có thể liên tục được mở rộng.