Mới đây, Tổng thống Mỹ Trump thông báo rút quân khỏi Syria, thực hiện lời hứa trước đó của ông về việc đưa nước Mỹ ra khỏi các cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Cùng với tuyên bố đó là thông điệp khởi động việc lên kế hoạch rút nốt quân Mỹ khỏi Afghanistan.
Động thái rút quân Mỹ khỏi Afghanistan không nghi ngờ gì nữa sẽ làm suy giảm vị thế của chính phủ Afghanistan trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với nhóm phiến quân Hồi giáo Taliban. Mặc dù vậy, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tuyên bố rằng điều này sẽ không tác động đến an ninh ở quốc gia Trung-Nam Á này.
Trong khi đó, giới tướng lĩnh Afghanistan cho rằng động thái rút quân sẽ được xem như một thất bại. Thực tế, lực lượng Taliban đã phản ứng bằng những lời tung hô chiến thắng.
Trong bất cứ trường hợp nào, quyết định của ông Trump về việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan đều sẽ đòi hỏi một chiến lược chuyển tiếp vượt lên trên lời hứa của Tổng thống Obama vào năm 2011 về một cuộc “rút lui có trách nhiệm” khỏi Iraq hay tuyên bố của Tổng thống Trump vào tháng 12/2018 về rút quân khỏi Syria. Chiến lược quá độ đó phải đảm bảo điều kiện an ninh tại Afghanistan không xấu đi nhanh chóng sau khi Mỹ rút đi.
Iraq kể từ năm 2011
Các nguồn tin quân sự Mỹ đều thừa nhận rằng chiến lược Iraq của Mỹ từ năm 2003-2011 đều không hiệu quả. Việc tăng quân Mỹ tới đây mặc dù thành công ở cấp chiến thuật trong việc đẩy lùi phong trào nổi dậy nhưng không mang lại thành công tương ứng trong việc xây dựng lực lượng quân sự và an ninh Iraq có khả năng tự đứng vững khi quân Mỹ rút đi.
Tình trạng tham nhũng, huấn luyện ít ỏi, lựa chọn lãnh đạo không chuẩn và việc phân công các đơn vị dựa theo giáo phái đã làm giảm đáng kể năng lực chiến đấu của quân đội và cảnh sát Iraq.
Thực tế này đã được kiểm nghiệm rõ ràng vào năm 2014 khi các lực lượng của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Iraq phải bỏ chạy tháo thân trước đà tiến công chớp nhoáng của lực lượng quân sự thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Phải đến năm 2017, Iraq mới tuyên bố chiến thắng trước IS.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thắng lợi sau này của Iraq trước IS. Trong đó nổi lên 3 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, trước thất bại của quân đội Iraq, giới tăng lữ nước này đã vào cuộc. Chẳng hạn tổ chức tôn giáo Marjiyah đã đưa ra những lời kêu gọi thanh niên gia nhập dân quân chống IS. Ngoài ra Iran cũng sẵn lòng chìa tay giúp đỡ các dân quân này nhằm ngăn chặn bất ổn ở vùng biên giới. Khi quân chính quy tháo chạy, các lực lượng dân quân Iraq này lại tỏ ra kiên cường hơn cả.
Thêm nữa, lực lượng Chống khủng bố (CTS) của Iraq tuy nhỏ nhưng lại tỏ ra khá hiệu quả trên tuyến đầu chống IS. CTS đã giải phóng nhiều thị trấn, thành phố (và tất nhiên lực lượng này cũng hứng chịu nhiều thương vong).
Thứ hai, quân đội Iraq sau đó đã thanh lọc được các quan chức tham nhũng khỏi đội ngũ của mình.
Thứ ba, tổ chức khủng bố IS đã thực sự quá đà trong cách hành xử và do vậy đánh mất sự ủng hộ của các công dân dành cho Vương quốc tự phong của chúng. Quân đội và cảnh sát Iraq từng khiến dân địa phương rất khó chịu nhưng sự tàn ác của IS còn kinh khủng hơn thế nữa khiến người dân Iraq quay ra chống lại IS. Nhiều người dân địa phương tình nguyện làm chỉ điểm và cơ sở tình báo cho cả quân đội Iraq và máy bay của liên quân chống IS.
Thắng lợi ở Iraq không đồng nghĩa với chiến thắng ở Afghanistan
Không có điều kiện nào thiết yếu cho thành công của Mỹ ở Iraq lại có thể vận dụng tốt vào hoàn cảnh Afghanistan và tích hợp được vào một chiến lược Afghanistan mới sau khi Mỹ rút quân.
Trước hết, không có một cuộc khủng hoảng sinh tồn nào thúc đẩy một chiến dịch thống nhất tại Afghanistan hoặc hối thúc người dân tự vũ trang nổi dậy. Tại nước Afghanistan ngày nay, nghĩa vụ quân sự là dựa trên cơ sở tình nguyện và được trả lương. Đã vậy, với tỷ lệ mù chữ cao (31%), thất nghiệp lớn (40%) và nghèo đói phổ biến (55%), chỉ có những người nghèo nhất từ các vùng xa xôi là đăng ký quân dịch. Những quân nhân này chiến đấu thiếu sức sống; lòng quyết tâm của họ chủ yếu bắt nguồn từ đồng lương chứ không phải ý thức hệ hay mối đe dọa sống còn nào.
Trong khi đó, bên kia chiến tuyến, lực lượng Taliban cũng không phạm những tội ác tày trời như kiểu IS. Vẫn còn đó sự cảm tình nhất định trong một bộ phận dân chúng đối với Taliban ở vùng sâu vùng xa. Ban đầu IS có thể lấy được lòng dân ở đây nhưng sau đó chúng đã đi quá xa. Taliban không bị coi là một mối đe dọa sống còn đối với đất nước. Nhiều người dân Afghanistan, chủ yếu ở miền nam và đông nước này, không phản đối Taliban và không có vấn đề gì trong duy trì hòa bình với nhóm phiến quân này.
Trên thực tế, nhiều khi Taliban lại chiếm được trái tim và khối óc của người dân địa phương vì đội ngũ quan chức địa phương có nhiều người tham nhũng và xách nhiễu dân chúng. Và cho tới nay, chính quyền Afghanistan dường như chưa sẵn sàng thanh lọc đội ngũ lãnh đạo thất bại trong cuộc chiến chống Taliban hay trong việc giành tình cảm của người dân bản địa./.