Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước thông báo của Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung ( INF).
Phát biểu trên truyền hình nhà nước ngày 1/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nhấn mạnh, Mỹ đã không cung cấp bằng chứng nào cho thấy Nga vi phạm hiệp ước - không có ảnh vệ tinh, không có hồ sơ nghe lén, cũng như không có nhân chứng.
Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga Leonid Slutsky cho biết, Mỹ đang cố gắng tăng cường khả năng tên lửa, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Theo vị quan chức này, một cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ có tác động tiêu cực đến tình hình an ninh và vấn đề kiểm soát vũ khí của thế giới.
Ông Yury Baluyevsky, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Nga thì khẳng định, các quốc gia cung cấp lãnh thổ của mình cho việc triển khai tên lửa trong tương lai của Mỹ, trong trường hợp xấu nhất, hãy chuẩn bị để bản thân trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trả đũa.
Trong khi đó, tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ra tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ" thông báo của Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) sau những động thái của Nga. Tuyên bố của NATO nhấn mạnh: "Mỹ đang hành động để đối phó với những nguy cơ đáng kể đối với an ninh của khu vực châu Âu-Đại Tây Dương đến từ việc Nga bí mật thử nghiệm, sản xuất và lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729. Các nước đồng minh hoàn toàn ủng hộ động thái này".
Trong một diễn biến liên quan khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông muốn tổ chức các cuộc đàm phán để tạo ra khuôn khổ kiểm soát vũ khí mới. Lời khẳng định này đã được người đứng đầu nước Mỹ đưa ra ngày 1/2 trước báo giới tại Nhà Trắng, không lâu sau khi chính quyền của ông tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng Hạt nhân Tầm trung.
Tổng thống Trump đổ lỗi cho Nga, nói rằng "một bên đã không tuân thủ" thỏa thuận này và "trừ khi họ sẽ tuân thủ, chúng ta không nên là bên duy nhất" làm như vậy./.