Ngày 13/2, UNESCO phối hợp với các Đài phát thanh trên khắp thế giới tổ chức nhiều hoạt động, kỷ niệm Ngày Phát thanh thế giới nhằm tôn vinh và đề cao vai trò của phát thanh trong cuộc sống hiện đại. Với chủ đề “Đối thoại, Khoan dung và Hòa bình”, ngày phát thanh thế giới năm nay nhấn mạnh những người làm phát thanh cần phải giúp khán thính giả tăng cường sự hiểu biết, tăng cường đối thoại và khuyến khích họ đưa ra những ý tưởng mới.
Trong thông điệp nhân Ngày phát thanh thế giới 2019, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết: “Chúng ta đề cao vai trò đặc biệt và sâu rộng của phát thanh trong việc mở rộng tầm nhìn và xây dựng xã hội hài hòa. Các đài phát thanh từ mạng lưới lớn của quốc tế đến các cộng đồng địa phương hôm nay ghi nhớ tầm quan trọng của phát thanh trong việc thúc đẩy những cuộc tranh luận công khai, khuyến khích người dân đóng góp ý kiến và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau với chủ đề: “Đối thoại, Khoan dung và Hòa bình”.
Kể từ khi ra đời cách đây hơn 100 năm, phát thanh đã tạo tiền đề cho các cuộc trò chuyện và truyền đạt ý tưởng mới đến nhiều gia đình, làng xã, trường học, bệnh viện và nơi làm việc. Ngày nay, đối thoại trên sóng phát thanh có thể giúp tìm ra phương thức hóa giải cho những vấn đề tiêu cực mà đôi khi tràn lan trên mạng xã hội. Đây cũng là lý do tại sao UNESCO đang nỗ lực làm việc trên khắp thế giới để nâng cao tính đa dạng của các đài phát thanh.
Phát thanh là một trong những phương tiện truyền thông tích cực nhất và hấp dẫn nhất, luôn bắt kịp với những sự thay đổi của thế kỷ 21, đồng thời đưa ra những cách thức mới để khán thính giả tương tác và tham gia vào những cuộc đối thoại quan trọng, đặc biệt với những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội.
Chẳng hạn, phụ nữ tại khu vực nông thôn là một trong những nhóm ít được nhắc tới nhất trên truyền thông. Tỷ lệ mù chữ của nữ giới ở khu vực này có khả năng cao gấp đôi so với nam giới, vì vậy, phát thanh đóng vai trò là
phương thức quan trọng để họ bày tỏ ý kiến và tiếp cận với thông tin. UNESCO đã cung cấp sự hỗ trợ cho các đài phát thanh tại khu vực Châu Phi hạ Sahara để khuyến khích phụ nữ tham gia vào những cuộc tranh luận công khai, trong đó có các vấn đề thường bị xã hội xao lãng như hôn nhân ép buộc, giáo dục dành cho trẻ em gái và chăm sóc trẻ em.
Tại các khu vực từng xảy ra xung đột, phát thanh có thể giúp người dân xua tan đi nỗi sợ hãi và hàn gắn vết thương chiến tranh. Ở khu vực Tây Bắc Colombia, các đài phát thanh địa phương, được sự hỗ trợ của UNESCO đã nêu bật những việc làm tốt của các chiến binh xuất ngũ, như dọn dẹp những nguồn nước bị ô nhiễm.
Sự đa dạng về ngôn ngữ trên sóng phát thanh cũng đóng vai trò quan trọng. Mọi người có quyền bày tỏ quan điểm bằng ngôn ngữ riêng của họ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong năm nay khi UNESCO dẫn đầu các hoạt động kỷ niệm Năm quốc tế về ngôn ngữ bản địa.
Trên khắp thế giới, từ các đài phát thanh dành cho người dân tại Kenya tới các đài phát thanh cho những nhóm nhiểu số tại Mông Cổ hoặc cộng đồng bản địa ở Mexico, đã giúp xã hội chúng ta trở nên kiên cường, cởi mở và hòa bình hơn. Việc giải quyết những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, gồm biến đổi khí hậu, xung đột hay gia tăng quan điểm gây chia rẽ… ngày càng phụ thuộc vào khả năng chúng ta đối thoại với nhau và tìm giải pháp chung”.
Nhân dịp này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonia Guterres cũng gửi đi thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của phát thanh: “Trong thế giới truyền thông kỹ thuật số hiện nay, phát thanh tiếp cận đến nhiều người hơn bất cứ phương tiện truyền thông nào khác. Nó truyền đạt những thông tin quan trọng và nâng cao nhận thức của người dân về nhiều vấn đề. Đó cũng là nền tảng tương tác giúp mọi người có thể bày tỏ quan điểm, mối quan tâm và nỗi bất bình của họ. Phát thanh có thể tạo ra một cộng đồng. Đối với Liên Hợp Quốc, đặc biệt là các hoạt động gìn giữ hòa bình của chúng tôi, phát thanh là cách cần thiết để thông tin, đoàn kết và mang đến quyền lợi cho những người bị ảnh hưởng do chiến tranh. Trong Ngày phát thanh thế giới, chúng ta hay công nhận sức mạnh của phát tranh trong thúc đẩy đối thoại, khoan dung và hòa bình”./.
Ngày Phát thanh Thế giới, viết tắt là WRD (World Radio Day) là ngày 13/2, lần đầu tiên được công bố ở Hội nghị toàn thể UNESCO thứ 36 (03/11/2011), nhằm tôn vinh và đề cao vai trò của phát thanh trong cuộc sống hiện đại. Lý do chọn ngày 13/2 vì đây là ngày ra đời của Đài Phát thanh trực thuộc Liên Hợp Quốc năm 1946, khi tổ chức này xuất hiện sau Thế chiến thứ hai nhằm mục tiêu duy trì hòa bình bền vững. Thời ấy phát thanh là phương tiện thông tin duy nhất./. |